Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Là một trong những quốc gia có tỷ lệ kháng thuốc cao nhất toàn cầu, Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ kháng thuốc ở cả các kháng sinh thế hệ mới nhất. Mặc dù Bộ Y tế liên tục kêu gọi cộng đồng chung tay phòng chống kháng thuốc, tuy nhiên tình trạng kháng kháng sinh vẫn khó kiểm soát.
Người dân mua thuốc tại một cửa hàng thuốc trên địa bàn TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Sử dụng kháng sinh chưa hợp lý
Số liệu thống kê của Bệnh viện (BV) Thống Nhất TPHCM, trong 10 năm trở lại đây, tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh tại BV này đang có chiều hướng gia tăng. Cụ thể, tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh chung là 86,6%, đa kháng thuốc là 33%. Một số chủng vi khuẩn như Acinetobacter Baumannii kháng 100% Cephalosporin thế hệ 3 và 4, kháng 96% nhóm Carbapenem.
Còn theo PGS-TS Lê Thị Anh Thư, Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn TPHCM, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn của BV Chợ Rẫy, hiện nay chi phí sử dụng kháng sinh ở nước ta đang chiếm khoảng 45% trong tổng số chi phí điều trị chung. Hơn 60% bệnh nhân điều trị nội trú có sử dụng kháng sinh và tỷ lệ này lên đến 95% ở nhóm bệnh nhân có phẫu thuật. Một thống kê khác của Bộ Y tế, có tới 76% bác sĩ kê toa kháng sinh không phù hợp, khiến 33% người bệnh bị kháng thuốc. So với các nước châu Âu, lượng kháng sinh sử dụng trên 100 ngày/giường ở Việt Nam cao hơn xấp xỉ 6 lần.
Ở lĩnh vực nhi khoa, Việt Nam được cho là nơi có tỷ lệ dùng kháng sinh khá phổ biến. Chị Ngô Thị Xuân Quỳnh (ngụ quận 12) có con nhỏ 24 tháng tuổi hay bị bệnh vặt nên trở thành khách hàng quen của một phòng khám tư nhân gần nhà. Hễ con bị sốt, ho là chị Quỳnh lại mang đến bác sĩ này để khám, lấy thuốc. Mỗi lần khám xong, bác sĩ bán luôn thuốc cho chị, đó là những bịch thuốc đã nghiền thành bột đủ màu vàng, hồng, xanh...
Dù không biết đó là những loại thuốc gì, nhưng sau dăm ba bữa thì con hết bệnh nên chị Quỳnh vô cùng tin tưởng vào “tay nghề” của bác sĩ này… Đây là tình trạng chung diễn ra nhiều năm nay tại nhiều phòng khám bác sĩ tư nhân trên địa bàn TPHCM. GS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, thừa nhận có nhiều bác sĩ mở phòng khám tư nhân vừa khám bệnh vừa bán thuốc cho bệnh nhân. Đặc biệt, tình trạng các phòng khám bóc hết vỏ thuốc, nhãn thuốc để bán cho bệnh nhân là khá phổ biến. “Điều này vi phạm các quy định khám chữa bệnh nhưng chúng tôi vẫn chưa thể kiểm soát”, ông Nguyễn Tấn Bỉnh cho hay.
PGS-TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho rằng hiện nay khó nhất là việc quản lý mua bán, sử dụng kháng sinh tại các nhà thuốc và các phòng khám tư nhân. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 90% nhà thuốc tại Việt Nam bán thuốc kháng sinh không kê đơn và 87% người dân tự ý đến nhà thuốc mua kháng sinh vẫn chưa quản lý được. Đây chính là nguyên nhân khiến tình trạng kháng thuốc ngày càng tăng cao ở Việt Nam. Đặc biệt trong khi các quốc gia phát triển đang sử dụng kháng sinh thế hệ 1 thì Việt Nam đã sử dụng tới kháng sinh thế hệ 3 và 4, chi phí kháng sinh trong điều trị chiếm tới 17% tổng chi cho phí dịch vụ khám chữa bệnh của người dân.
Quản lý từ bệnh viện đến nhà thuốc
Nhận thấy các nguy cơ ảnh hưởng lớn từ việc kháng thuốc, bắt đầu từ năm 2013, BV Nhân dân Gia Định đã thiết lập và triển khai chương trình quản lý sử dụng kháng sinh trong toàn BV. Theo đó, BV thực hiện phân tầng, lấy mẫu bệnh phẩm, chỉ định kháng sinh theo phác đồ điều trị. Để đảm bảo chương trình mang lại hiệu quả, BV thường xuyên tập huấn kiểm tra về sử dụng kháng sinh, vi sinh lâm sàng, dược lâm sàng; đồng thời đào tạo liên tục, tập huấn cho bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng mới tham gia công tác dưới 5 năm về nguyên tắc sử dụng phác đồ điều trị, dược lâm sàng, quy trình thao tác chuẩn trong lấy mẫu, vận chuyển mẫu, kiểm soát nhiễm khuẩn, nâng cao kiến thức và tay nghề cho nhân viên.
Nhiều BV khác trên địa bàn TPHCM cũng đã thiết lập các mô hình quản lý kháng sinh tương tự, mang lại hiệu quả bước đầu. Đáng kể như: Ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát kê đơn ở BV Nhi đồng 1; ứng dụng công nghệ thông tin để “cưỡng ép” việc chỉ định kháng sinh phù hợp chẩn đoán bệnh theo phác đồ điều trị của BV Quận Thủ Đức; dược sĩ lâm sàng phản hồi tính hợp lý trong chỉ định, phối hợp kháng sinh của bác sĩ trên từng hồ sơ bệnh án của BV Đại học Y Dược TPHCM.
Bên cạnh đó, các BV Bệnh nhiệt đới, 115, Chợ Rẫy… đã quản lý hiệu quả sử dụng kháng sinh và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý sử dụng thuốc, chỉ định kháng sinh, giám sát kê đơn hợp lý. Sở Y tế TPHCM cũng đã ban hành 14 khuyến cáo tăng cường triển khai hoạt động quản lý sử dụng kháng sinh hợp lý tại các BV, trong đó yêu cầu các BV phải thành lập Ban quản lý sử dụng kháng sinh; xây dựng và cập nhật phác đố điều trị, hướng dẫn sử dụng kháng sinh; giám sát chặt hoạt động kê đơn; tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn BV... “Hiện nay, không chỉ tuyến BV thành phố và quận/huyện, mà chúng tôi đã xây dựng được hệ thống quản lý thuốc kháng sinh ở các trạm y tế”, GS Nguyễn Tấn Bỉnh thông tin.
Riêng đối với các nhà thuốc, năm 2018, Sở Y tế TPHCM đã xây dựng phần mềm kết nối mạng nhằm kiểm soát việc mua - bán thuốc. Hiện đã có 696 nhà thuốc được kết nối mạng và dự kiến trong năm 2019 cả 7.700 nhà thuốc trên địa bàn sẽ được kết nối một cách đồng bộ.
Dược sĩ Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Nghiệp vụ dược (Sở Y tế TPHCM), cho rằng với phần mềm này sở sẽ có đầy đủ thông tin, tránh được thuốc không có nguồn gốc xuất xứ đi vào trong hệ thống. Phần mềm này cũng giúp tăng cường quản lý việc bán thuốc kê đơn, trong đó phải chấm dứt tình trạng bán thuốc kháng sinh mà không có đơn của bác sĩ. Đây cũng là kênh trao đổi thông tin 2 chiều của các cơ quan quản lý với nhà thuốc và ngược lại.
Tại lễ phát động kêu gọi “Sử dụng kháng sinh có trách nhiệm” được tổ chức tại BV Thống Nhất, TS Momoe Takeuchi, Trưởng Nhóm phát triển hệ thống y tế của WHO, cho rằng không chỉ nhân viên y tế mà Việt Nam cần kêu gọi toàn thể cộng đồng, từ sinh viên y khoa, những người chăm sóc sức khỏe, nông dân, dược sĩ, người dân… nêu cao trách nhiệm trong việc sử dụng kháng sinh.
Còn TS Albert Lieberg, Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Nông lương thế giới (FAO) tại Việt Nam, chia sẻ Việt Nam cần có chương trình tuyên truyền và đào tạo dành riêng cho nông dân, các nhà sản xuất thức ăn gia súc, nhằm nâng cao kiến thức và ý thức quản lý sử dụng kháng sinh trong ngành nông nghiệp, để giảm thiểu tình trạng kháng thuốc.
Nguồn SGGPO