BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tăng cường thực thi hiệu quả công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị 

Cập nhật ngày: 06/12/2021 - 09:17

BTNO - Ngày 26.9.2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1252/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch tăng cường thực thi hiệu quả Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (Công ước ICCPR) và các khuyến nghị của Uỷ ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc.

Phát tờ rơi tuyên truyền pháp luật cho người dân (ảnh chụp trước ngày 1.7.2021)

Trong năm 2021, UBND tỉnh đã ban hành và thực hiện các kế hoạch, chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới; phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em; phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em… góp phần xoá bỏ định kiến, phân biệt đối xử với phụ nữ và nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, trong đó, địa phương quan tâm các đối tượng thiệt thòi như nhóm người khuyết tật, trẻ em, người dân tộc thiểu số, người nhiễm HIV/AIDS…

Các cấp, ngành nâng cao hiệu quả tiếp nhận khiếu nại, tố cáo theo hướng thuận tiện, an toàn, tập trung giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến các vi phạm quyền dân sự và chính trị của các cá nhân. Chẳng hạn, Sở Tài chính tiếp nhận, thụ lý, chuyển cơ quan có thẩm quyền giải quyết 6 đơn tố cáo, kiến nghị, phản ánh; UBND TP. Tây Ninh tiếp nhận, xử lý 134 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

Các cơ quan Tư pháp tiếp tục nâng cao hiệu quả thi hành các quyền dân sự và chính trị trong hoạt động tố tụng hình sự. Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước thực hiện trợ giúp pháp lý bằng hình thức tham gia tố tụng 232 vụ, việc.

Tăng cường hoạt động hỗ trợ, bảo vệ các quyền dân sự và chính trị; nâng cao chất lượng hoạt động bồi thường, hỗ trợ cho nạn nhân của hành vi xâm phạm quyền dân sự và chính trị; đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, thống kê tình hình thi hành các quyền dân sự và chính trị. Trong năm 2021, tiếp nhận và giải quyết yêu cầu bồi thường 3 vụ việc trong hoạt động thi hành án dân sự, với tổng số tiền yêu cầu bồi thường hơn 1,4 tỷ đồng.

Các cấp, ngành tập trung tuyên truyền, phổ biến Công ước ICCPR và pháp luật Việt Nam về các quyền dân sự, chính trị; chủ yếu tuyên truyền Hiến pháp năm 2013, các quy định pháp luật về dân sự, hôn nhân gia đình, bình đẳng giới, tiếp cận thông tin…

Hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) đa dạng, phù hợp với thực tiễn như tư vấn, hướng dẫn tìm hiểu pháp luật; cung cấp thông tin, tài liệu pháp luật; thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, pa-nô, áp-phích; đăng tải văn bản, thông tin pháp luật trên công báo/trang/cổng thông tin điện tử; tổ chức thi tìm hiểu pháp luật… Đặc biệt, trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các cấp, ngành đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền, PBGDPL.

Đoàn viên, thanh niên tham gia thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến.

Tủ sách pháp luật điện tử của các cơ quan, đơn vị kịp thời cập nhật, đăng tải các văn bản pháp luật mới, nhất là văn bản liên quan đến chức trách, nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Trong năm 2021, các cấp, ngành đã tổ chức được hơn 3.000 cuộc tuyên truyền pháp luật với gần 140.000 lượt người tham dự; tư vấn pháp luật cho 115 lượt người; đăng tải 85 tin, bài trên Báo Tây Ninh; thực hiện 10 tin, 4 phóng sự, 3 chuyên mục trên Đài Phát thanh và Truyền hình; tổ chức 13 cuộc thi viết tìm hiểu pháp luật, 18 chương trình Thanh niên với pháp luật…

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Quyết định 1252/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ còn khó khăn như; một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực sự quan tâm thực hiện. Việc tổ chức thực hiện công tác PBGDPL về các quyền dân sự, chính trị tại sở, ngành, đoàn thể còn gặp khó khăn, do đội ngũ cán bộ làm công tác PBGDPL và cán bộ pháp chế hầu hết đều kiêm nhiệm. Một số cán bộ, người dân chưa chủ động trong nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật; chỉ khi có vướng mắc pháp luật, xảy ra tranh chấp thì mới tìm hiểu pháp luật và nhờ người bảo vệ quyền lợi cho mình. Một bộ phận người dân không có điều kiện khai thác công nghệ thông tin, người dân tộc thiểu số không biết tiếng Việt nên khó khăn trong việc chủ động tìm hiểu pháp luật…

Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục quán triệt việc triển khai thực hiện Quyết định 1252/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó ngành Tư pháp giữ vai trò nòng cốt trong việc tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ, hoạt động của Quyết định 1252/QĐ-TTg. Tăng cường tuyên truyền Công ước ICCPR; các quyền dân sự, chính trị được quy định trong Hiến pháp năm 2013 và được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội ban hành với hình thức phù hợp, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tuyên truyền, PBGDPL. Tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức tự giác nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật về các quyền dân sự, chính trị và ý thức chấp hành pháp luật trong cán bộ, nhân dân.

Thiên Di