Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Thời gian qua, chính quyền các địa phương cùng các ban, ngành, đoàn thể tăng cường phối hợp trong công tác tuyên truyền; dọn dẹp, xử lý rác thải vứt bừa bãi trên một số tuyến đường, gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan
Tuy nhiên, tình trạng này vẫn diễn ra. Người dân kiến nghị UBND tỉnh có giải pháp hiệu quả để chấn chỉnh nhằm cải thiện chất lượng môi trường, bảo đảm sức khoẻ cộng đồng và văn minh đô thị.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, căn cứ khoản 5, 6, 7, 8, 9 và 10 Điều 28, Chương III Quyết định số 16/2021/QĐ-UBND ngày 24.8.2021 về việc ban hành quy định phân công trách nhiệm và phân cấp quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, trong đó quy định cụ thể đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố và Điều 29 đối với UBND cấp xã, phường, thị trấn.
Theo đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động nguồn lực để đầu tư cho hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với quy hoạch phát triển của địa phương, xác định vị trí, quy mô các điểm tập kết, trạm trung chuyển phục vụ cho nhu cầu trung chuyển chất thải sinh hoạt trên địa bàn, tổ chức và xây dựng lộ trình thu gom, lộ trình vận chuyển chất thải để làm cơ sở đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ lựa chọn đơn vị cung ứng dịch vụ theo quy định; UBND cấp xã chịu trách nhiệm quản lý hoạt động thu gom, tập kết vận chuyển chất thải sinh hoạt tại các ấp, khu phố, tổ dân phố và các tổ tự quản; phối hợp với các chủ thu gom, vận chuyển xác định cụ thể thời gian, địa điểm, tần suất, phương thức chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt tại các hộ gia đình, chủ nguồn thải và tuyến thu gom chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với đặc điểm của từng khu vực, từng địa bàn.
Hiện nay, UBND các huyện, thị xã, thành phố đang triển khai thực hiện việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải sinh hoạt trong khu dân cư, nhưng vẫn còn gặp một số khó khăn trong tổ chức đấu thầu xử lý chất thải sinh hoạt; việc vận động người dân phân loại rác tại nguồn, tham gia đăng ký thu gom rác tỷ lệ chưa cao, đặc biệt là các vùng ven đô thị, nông thôn, vẫn còn nhiều trường hợp cố tình không đăng ký, vứt rác bừa bãi ở những nơi đất trống...
Do đó, Sở TN&MT đề nghị UBND huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát các đơn vị trúng thầu thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt không để tồn đọng cũng như giám sát người dân trong việc bỏ rác đúng nơi quy định (bãi tập kết hoặc trạm trung chuyển) và xử lý vi phạm nếu phát hiện.
Để nâng cao vai trò trách nhiệm của UBND các huyện, thị xã, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn trong công tác thực thi nhiệm vụ quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn quản lý; công tác giám sát của các tổ chức đoàn thể, chính trị, xã hội. Năm 2024, ngành Tài nguyên và Môi trường sẽ tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định “Quy định quản lý chất thải rắn sinh hoạt, y tế và các chất ô nhiễm liên quan đến vấn đề về bệnh tật và sức khoẻ con người trên địa bàn tỉnh Tây Ninh” thay thế Quyết định số 16/QĐ-UBND ngày 24.8.2021 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định phân công trách nhiệm và phân cấp quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh (trình UBND tỉnh trong tháng 12.2023). Tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định “Quy định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Tây Ninh” thay thế Quyết định số 16/QĐ-UBND ngày 14.5.2020 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định giá tối đa đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh (khi Bộ Tài nguyên và Môi trường có hướng dẫn phương pháp định giá dịch vụ; quy định định mức kinh tế kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt).
Vấn đề quan trọng là tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức cho toàn thể các bộ, công chức, viên chức, người lao động và cộng đồng dân cư; công khai minh bạch, tham vấn các thông tin liên quan đến công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; công tác đấu thầu lựa chọn đơn vị có năng lực tham gia thực hiện công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, số hộ dân tham gia đăng ký thu gom rác thải, chi phí thu gom… phát huy vai trò của cộng đồng dân cư trong các hoạt động bảo vệ môi trường nhằm khẳng định vị trí, vai trò ngày càng quan trọng của cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ môi trường cũng như thực hiện một trong những mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ sức khoẻ người dân, bảo đảm người dân được sống trong môi trường trong lành.
Nghĩa Nhân