Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tăng cường xử lý các vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử
Thứ sáu: 10:48 ngày 14/02/2025

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Cục Quản lý thị trường đẩy mạnh công tác phối hợp các cơ quan liên quan trong việc kiểm tra, kiểm soát hoạt động lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Ngày 29.3.2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 319/QĐ-TTg phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025. Ngày 13.9.2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2390/QĐ-BCT về việc triển khai thực hiện Đề án.

Theo Cục Quản lý thị trường (QLTT), đơn vị đã xây dựng và triển khai đến các đơn vị trực thuộc Quyết định số 906/QĐ-QLTTTN, ngày 18.7.2024 về kế hoạch công tác về thương mại điện tử năm 2024. Theo đó, các Đội QLTT trực thuộc và Tổ thương mại điện tử thường xuyên rà soát, nắm bắt thông tin, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử, như: kinh doanh hàng hoá không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả; hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm...

Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra tại một cơ sở.

Bên cạnh đó, các đơn vị tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến các cơ sở kinh doanh; giúp các cơ sở mở rộng và đa dạng về hình thức kinh doanh (từ kinh doanh truyền thống sang kinh doanh online, đưa dịch vụ kinh doanh lên các sàn thương mại điện tử). Công tác kiểm tra, kiểm soát được tổ chức thường xuyên theo kế hoạch đã được xây dựng, có trọng tâm, trọng điểm.

Trong năm 2024, Cục QLTT tỉnh Tây Ninh đã tổ chức kiểm tra 24 vụ, phát hiện 15 vụ vi phạm; xử phạt vi phạm hành chính thu nộp ngân sách với số tiền trên 417 triệu đồng. Hành vi vi phạm chủ yếu là không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi bán hàng; kinh doanh hàng hoá nhập lậu; buôn bán hàng hoá giả mạo nhãn hiệu; sản xuất mỹ phẩm khi chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm...

Thông tin một số vụ việc điển hình, Cục QLTT cho biết, ngày 12.6.2024, Công an huyện Dương Minh Châu phối hợp Đội Quản lý thị trường số 3 thuộc Cục QLTT kiểm tra 1 cơ sở kinh doanh mỹ phẩm (kinh doanh online) tại khu phố 4, thị trấn Dương Minh Châu, do bà N.T.H.T, sinh năm 1992, ngụ cùng địa chỉ làm chủ cơ sở, có hành vi kinh doanh hàng hoá không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tang vật thu giữ gồm 517 hộp kem dưỡng trắng da các loại, tổng giá trị tang vật khoảng 166 triệu đồng.

Ngày 26.7.2024, Đội QLTT số 4 thuộc Cục QLTT phối hợp đơn vị liên quan kiểm tra hộ kinh doanh Nhã Trúc (phường 3, thành phố Tây Ninh), do T.H.P (sinh năm 1998), ngụ khu phố 6, Phường 4, thành phố Tây Ninh làm chủ.

Qua kiểm tra, phát hiện hộ kinh doanh này có hành vi vi phạm: không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi bán hàng; sử dụng biểu tượng đã thông báo để gắn lên website thương mại điện tử bán hàng khi chưa được xác nhận thông báo của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định; không thông báo không đầy đủ trên website thương mại điện tử bán hàng thông tin về chủ sở hữu website theo quy định. Vụ việc trên được chuyển cho Đội QLTT số 4 thụ lý theo thẩm quyền.

Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra tại một cơ sở.

Ngày 20.10.2024, tại xã Tân Hội, huyện Tân Châu, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh phối hợp Cục QLTT phát hiện 1 vụ 3 đối tượng về hành vi buôn bán hàng giả là thực phẩm chức năng và hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tang vật tạm giữ gồm 3.729 sản phẩm thực phẩm chức năng, cùng nhiều hàng hoá khác có liên quan. Tổng giá trị hàng hoá ước tính khoảng 293 triệu đồng. Vụ việc đã chuyển cơ quan cảnh sát điều tra xử lý theo quy định.

Theo Cục QLTT, hoạt động bán lẻ trên thương mại điện tử chủ yếu thông qua các trang mạng xã hội như facebook, zalo, tiktok... không có địa điểm cố định, bán hàng qua các ứng dụng; các chủ thể bán hàng thường sử dụng thông tin ảo, thông tin giả, hàng hoá không được tập kết tại nơi bán hàng, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác tìm ra địa điểm cất trữ hàng hoá.

Bên cạnh đó, các đối tượng lợi dụng sự phát triển của các dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh để gửi, nhận các loại hàng nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ... Tuy nhiên việc mở niêm phong, kiểm tra bưu phẩm, bưu kiện của các lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn do liên quan đến tính bí mật hàng hoá.

Cục QLTT tỉnh Tây Ninh xác định, đây là loại hình thương mại mới mang tính chất toàn cầu, phát triển nhanh chóng, có nhiều chủ thể tham gia với phương thức kinh doanh, thanh toán ngày càng đa dạng nhưng hệ thống pháp luật của Việt Nam còn có phần chưa tương thích và chưa điều chỉnh, hoàn thiện kịp thời so với yêu cầu thực tế về quản lý Nhà nước và đấu tranh chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử. Mặt khác, vẫn còn những tổ chức, cá nhân, người tiêu dùng có nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật còn hạn chế, cố tình tiếp tay cho đối tượng vi phạm.

Trước thực tế đó, thời gian tới, Cục QLTT sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm Quyết định 319/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, Tổng cục QLTT và Ban Chỉ đạo 389 tỉnh về công tác kiểm tra, kiểm soát đối với hoạt động thương mại điện tử nói riêng và công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nói chung.

Bên cạnh đó, đơn vị tiếp tục chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường đẩy mạnh công tác phối hợp các cơ quan liên quan trong việc kiểm tra, kiểm soát hoạt động lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Cục QLTT tiếp tục rà soát, các quy định pháp lý để đề xuất sửa đổi, bổ sung kịp thời, qua đó chủ động kiểm tra, phát hiện vi phạm, phối hợp hiệu quả hơn giữa các lực lượng của tỉnh để công tác ngăn chặn hàng giả, hàng nhập lậu, hàng không xác định được nguồn gốc, xuất xứ trên môi trường mạng được hiệu quả hơn. Đồng thời, chủ động thu thập, rà soát, tổng hợp, xây dựng và cơ sở dữ liệu, các thông tin cần thiết để phục vụ công tác quản lý thuế đối với lĩnh vực thương mại điện tử qua quá trình thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp là chủ sở hữu Sàn giao dịch thương mại điện tử, các đơn vị có hoạt động kinh doanh thuộc lĩnh vực thương mại điện tử.

Thuý Hằng

Tin cùng chuyên mục