Lãnh đạo Sở Công thương cho biết, Tây Ninh là cửa ngõ để các tỉnh trong vùng Đông Nam bộ và vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam đẩy mạnh đầu tư, phát triển thương mại, xuất – nhập khẩu và du lịch với Vương quốc Campuchia thông qua hai cửa khẩu quốc tế Mộc Bài và Xa Mát và các cửa khẩu quốc gia, các cửa khẩu phụ. Về địa lý, Tây Ninh còn có lợi thế nằm trên trục đường Xuyên Á, thuộc tiểu hành lang Đông Tây Bangkok (Thái Lan)- Phnôm Pênh (Campuchia)- Tây Ninh- TP.HCM- Bà Rịa- Vũng Tàu, là đầu mối giao thông quốc tế.
Năm 2010, tổng kim ngạch xuất – nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới đất liền trên địa phận Tây Ninh đạt 982,63 triệu USD, tăng 26,76% so cùng kỳ năm 2009. Trong đó, xuất khẩu đạt gần 430 triệu USD, tăng gần 22% so cùng kỳ năm trước.
Trong thời gian qua, Tây Ninh đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm thực hiện tốt vai trò cầu nối trong hoạt động xuất – nhập khẩu hàng hoá sang thị trường Campuchia. Cụ thể như tăng cường cải cách thủ tục hành chính trong khâu xuất – nhập cảnh và xuất – nhập khẩu tại các cửa khẩu nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người, phương tiện, hàng hoá của các tỉnh vùng Đông Nam bộ, vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam và các địa phương khác qua lại nhanh chóng, dễ dàng. Sở Công thương Tây Ninh cũng đã tích cực phối hợp với các Sở Công thương trong vùng tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường các hoạt động giao thương, giao lưu, xúc tiến thương mại sang thị trường Campuchia.
|
Xe chở hàng hoá sang Campuchia làm thủ tục xuất cảnh ở cửa khẩu quốc tế Mộc Bài |
Bên cạnh đó, trong thời gian qua, Tây Ninh và các tỉnh giáp biên giới đã tăng cường hợp tác, thống nhất, đơn giản hoá thủ tục để hỗ trợ doanh nghiệp quá cảnh hàng hoá, phương tiện sang nước thứ ba. Đáng chú ý là Tây Ninh đã phối hợp với tỉnh Svây Riêng đang chuẩn bị các bước để triển khai thực hiện kiểm tra “một lần dừng” tại cặp cửa khẩu quốc tế Mộc Bài - Ba Vét trong khuôn khổ Hiệp định GMS giữa các nước tiểu vùng sông Mê Kông, nhằm mở rộng và đẩy mạnh hơn nữa hợp tác quốc tế trong tiến trình hội nhập. Đồng thời, Tây Ninh luôn chú trọng tăng cường công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế với các tỉnh nước bạn trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự nơi biên giới.
Tuy nhiên Tây Ninh còn gặp không ít khó khăn trong vai trò “cầu nối” của mình. Trước hết là cơ sở hạ tầng mà nhất là hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển và đây cũng là trở ngại chính. Hầu hết các đường kết nối giao thông của Tây Ninh với các tỉnh giáp biên giới thuộc Vương quốc Campuchia chưa được đầu tư đúng mức. Mặt khác, pháp luật, chính sách về thương mại biên giới và thu hút đầu tư của phía nước bạn còn “rất thiếu”. Do đó, nhiều chi phí phát sinh trong quá trình giao thương, đầu tư trên đất bạn đã gây khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam.
Để phát huy tốt vai trò cầu nối trong vùng và các nước láng giềng, Sở Công thương Tây Ninh kiến nghị Bộ Công thương xem xét “để lại” địa phương từ 50 – 70% nguồn thuế VAT và thuế xuất- nhập khẩu để đầu tư cơ sở hạ tầng TM- DV ở các cửa khẩu. Hiện nay, sản xuất hàng hoá toàn vùng Đông Nam bộ và vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam đang trên đà phát triển, cần mở rộng thị trường sang các quốc gia lân cận như Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanma. Do đó, rất cần mở những tuyến đường “ngắn nhất” để từ Tây Ninh, hàng hoá có thể qua cửa khẩu đường bộ đến các quốc gia trên.
Tây Ninh kiến nghị Bộ Công thương và Bộ GT-VT tham mưu cho Chính phủ Việt Nam thống nhất chủ trương phối hợp với Vương quốc Campuchia mở 2 tuyến đường quan trọng: Tuyến Tây Ninh- Campuchia- Lào (khoảng 350km). Tuyến đường này sẽ đi qua các cửa khẩu Xa Mát- Chàng Riệc - Kà Tum sang Campuchia theo đường số 7 lên phía Bắc CPC đến Lào. Đây là tuyến đường “ngắn nhất” bởi nếu từ TP.HCM đến Lào theo tuyến này chỉ mất 450km. Trong khi đó, nếu đi từ TP.HCM sang Lào qua cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị), phải đi đến 900km.
Tuyến 2 từ Tây Ninh đi CPC- Thái Lan (khoảng 450km), cũng theo đường số 7 đến đường số 6 (CPC) lên Tây Bắc CPC đến cửa khẩu Aranya Prathet (Thái Lan). Tuyến đường này rất quan trọng và có tác dụng lớn, nhất là khi cộng đồng ASEAN được thành lập vào năm 2015.
Sở Công thương Tây Ninh cũng kiến nghị Bộ Tài chính hướng dẫn thủ tục, chính sách và cách thức đầu tư sang CPC; phân cấp cho UBND tỉnh cấp phép với những dự án đầu tư ra nước ngoài đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến hàng nông sản tại CPC để đưa nguyên liệu về Việt Nam… Kiến nghị Tổng cục Hải quan hỗ trợ Tây Ninh đẩy mạnh thực hiện kiểm tra “một lần dừng” tại cặp cửa khẩu Mộc Bài – Ba Vét.
ĐÌNH CHUNG