Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tăng giá viện phí: Người dân còn thiếu thông tin
Chủ nhật: 02:03 ngày 06/05/2012

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Mặc dù Thông tư 04 đã chính thức có hiệu lực nhưng ít nhất trong vòng vài tháng nữa, giá viện phí mới chính thức được thực thi.

Từ ngày 15.4.2012, Thông tư 04/2012/TTLT-BYT-BTC (Thông tư 04) của Liên bộ Y tế và Tài chính ban hành mức tối đa khung giá một số dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước chính thức có hiệu lực. Theo tinh thần của Thông tư, đợt điều chỉnh giá viện phí lần này có nhiều thay đổi: 477 dịch vụ kỹ thuật y tế trong tổng số 4.000 dịch vụ y tế hiện có đều thay đổi về mức chi phí, mức tăng trung bình từ 2 đến 4 lần. Một số ít dịch vụ khác còn tăng nhiều hơn- gấp khoảng 6 lần so với mức cũ. Tuy vậy, cũng có những dịch vụ giá được giảm xuống.

Nhiều người chưa hay biết

Mặc dù Thông tư 04 đã chính thức có hiệu lực nhưng ít nhất trong vòng vài tháng nữa, giá viện phí mới chính thức được thực thi. Theo giải thích của một số cán bộ đang công tác ở Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh, hiện bệnh viện còn đang xây dựng khung giá viện phí mới và sẽ phải mất khá nhiều thời gian cho việc đó. Tương tự, 9 trung tâm y tế huyện, thị trong tỉnh cũng phải tiến hành xây dựng khung giá mới. Bệnh viện có bao nhiêu dịch vụ thì có bấy nhiêu khung giá (trong khuôn khổ quy định của Thông tư 04). Khung giá mới sẽ được trình ra các cơ quan có liên quan (Sở Y tế, Sở Tài chính, Sở Lao động – Thương binh & Xã hội và Bảo hiểm xã hội Tây Ninh) để xem xét, thảo luận đi đến thống nhất, trước khi trình lên UBND tỉnh. Như vậy chi phí khám chữa bệnh sẽ còn áp dụng theo mức cũ ít nhất trong vòng vài ba tháng nữa.

Chạy thận ở Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh

Theo ông Lê Văn Hùng- Trưởng phòng Tài chính – Kế toán của Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh, có hai căn cứ chính để xây dựng khung giá viện phí mới. Thứ nhất là căn cứ vào Thông tư 04. Thứ hai là căn cứ vào giá thuốc, giá vật tư y tế hiện hành. Tuy nhiên, dù có tính toán thế nào cũng không tránh khỏi những bất cập sẽ xảy ra trong quá trình xây dựng khung giá mới, do sự biến động về giá cả chẳng hạn. Những lo ngại ấy không phải là không có cơ sở. Trong những ngày gần đây, báo chí có đưa tin: Giá thuốc chữa bệnh đã “bứt lên phía trước” so với giá viện phí.

Bà Hồ Thị Hiên, 67 tuổi, nhà ở xã Ninh Thạnh (Thị xã) bị cao huyết áp suốt mấy năm nay, có vẻ bất ngờ khi nghe nói giá viện phí sẽ tăng lên: “Tăng viện phí thì rồi tiền mua thẻ bảo hiểm y tế cũng sẽ tăng. Đi làm mướn như tôi, tiền đâu để mua”?

Cũng như bà Hiên, chị Nguyễn Thị Xem, nhà ở xã Tân Hội, huyện Tân Châu tỏ ra lo ngại: “Tôi vừa từ Vĩnh Long lên Tây Ninh, chưa có hộ khẩu nên chưa mua được thẻ bảo hiểm y tế. Nghe nói tăng giá viện phí, tôi lo quá. Nhưng Nhà nước đã tăng thì chắc mình cũng phải chịu thôi. Có lẽ tôi sẽ nhập hộ khẩu để mua thẻ bảo hiểm y tế”. Tương tự bà Hiên và chị Xem, bà Phạm Thị Hậu, 56 tuổi, nhà ở xã Thanh Điền, huyện Châu Thành khá bất ngờ khi biết viện phí sẽ tăng. Bà Hậu cho biết, chồng bà là thương binh nên có chế độ của Nhà nước. Riêng bà đã tính mua thẻ bảo hiểm y tế nhưng còn ngại khoản chi phí phải bỏ ra: “Nghe nói phải hơn bốn trăm ngàn đồng mới mua được thẻ, tiền đâu mà mua?”.

Qua tiếp xúc với người bệnh ở một số cơ sở khám chữa bệnh, chúng tôi ghi nhận hầu như chưa mấy người hay biết thông tin về việc tăng giá viện phí. Điều đó cho thấy, số đông người dân còn đang thiếu thông tin hoặc thờ ơ với thông tin, cho dù những thông tin ấy có liên quan trực tiếp đến quyền lợi thiết thân của họ.

Tăng giá, có tăng chất lượng?

Theo thống kê của Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh:

Năm 2011, bệnh viện đã khám và chữa bệnh cho 333.018 lượt bệnh nhân. Trong đó, số người có thẻ bảo hiểm y tế là 160.778 lượt, bao gồm cả số trẻ em dưới 6 tuổi. Số lượt bệnh nhân điều trị nội trú là 40.072, trong đó có 18.412 lượt người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế.

Với những người bệnh, chắc chắn chẳng ai hào hứng với việc tăng viện phí. Chính vì thế, khi quyết định điều chỉnh giá viện phí (khám bệnh, chữa bệnh), Bộ Y tế cũng đã “đụng đầu” với sóng gió dư luận. Tuy nhiên, nếu bình tĩnh suy ngẫm một chút hẳn sẽ thấy: việc tăng viện phí là điều không thể không làm. Hiện tại, các cơ sở y tế công lập vẫn đang áp dụng mức giá về khám bệnh, chữa bệnh và các dịch vụ y tế khác có liên quan được quy định từ… năm 1995, gần hơn thì cũng 2006. Từ ấy đến nay, giá cả thị trường đã biến động đến hàng chục, thậm chí cả trăm lần nhưng giá các loại dịch vụ y tế thì “vẫn như xưa”. Điều nghịch lý: càng đông bệnh nhân, bệnh viện càng… lỗ vốn là hoàn toàn có thật. Chính vì khung giá viện phí chưa hợp lý nên thù lao cho cán bộ, nhân viên y tế nhìn chung còn rất thấp. Ở trạm y tế tuyến xã, nhân viên trực 24 giờ chỉ được trả có 10.000 đồng, ở tuyến huyện có khá hơn một chút: 25.000 đồng và tuyến tỉnh: 35.000 đồng.

Những bất cập như kể trên đã tác động trực tiếp đến hàng loạt vấn đề của ngành Y tế: bác sĩ bỏ việc, máy móc lạc hậu, cơ sở vật chất xuống cấp, bệnh viện không có nguồn lực để tái đầu tư sản xuất. Thực trạng đáng buồn ấy dĩ nhiên cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng khám chữa bệnh.

Vấn đề đang đặt ra là sau khi tăng viện phí, chất lượng khám chữa bệnh có tăng lên? Theo lời các cán bộ ngành Y, chính người bệnh sẽ được lợi từ chủ trương tăng viện phí bởi chất lượng khám, chữa bệnh sẽ được cải thiện, hạn chế tình trạng người bệnh phải chuyển viện lên tuyến trên khi chưa thật cần thiết. Cơ sở vật chất phục vụ khám, chữa bệnh sẽ được cải tạo, nâng cấp, phòng ốc, giường bệnh sẽ khang trang hơn. Mặt khác, bên cạnh một số dịch vụ tăng giá thì cũng có một số dịch vụ giảm giá so với quy định hiện hành. Đơn cử: chụp CT (cắt lớp) hiện có giá từ 800.000 cho đến 1 triệu đồng nhưng theo khung giá mới, mức tối đa chỉ còn không quá 600.000 đồng.

VIỆT ĐÔNG

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục