Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tăng học phí, có tăng chất lượng giáo dục?

Cập nhật ngày: 07/07/2010 - 05:38

Hội đồng nhân dân tỉnh và Sở GD – ĐT vừa tiến hành đợt lấy ý kiến về mức thu học phí đối với bậc học mầm non và phổ thông. Theo tin đã đưa, hiện có rất nhiều ý kiến không đồng tình vì cho rằng mức học phí mới mà dự thảo quy định đối với bậc học phổ thông, nhất là trung học phổ thông là quá cao.

Thực vậy, bản dự thảo đề án ghi mức học phí sẽ thu của học sinh trung học phổ thông có hộ khẩu ở khu vực nông thôn là 50.000 đồng/tháng, còn hộ khẩu ở đô thị là 90.000 đồng/tháng. So với mức thu hiện nay là 14.000 đồng và 25.000 đồng thì mức thu học phí mà bản dự thảo đưa ra là quá cao, tăng 3,6 lần, hay nói cách khác, học phí mới tăng đến 360%? Trong khi đó, lương của cán bộ công chức qua các đợt điều chỉnh chỉ tăng có từ 15% đến 20% là tối đa! Riêng đối với những người nông dân thì mức tăng học phí mà dự thảo đưa ra là quá sức chịu đựng của họ. Họ cho rằng, thu nhập bình quân đầu người hiện nay ở nông thôn là 1,1 triệu đồng/người/tháng, thực ra là không có cơ sở vững chắc. Bởi vì, ai cũng biết thu nhập của người nông dân thường bấp bênh, không ổn định. Sản xuất nông nghiệp phụ thuộc rất lớn vào thời tiết, khí hậu cho nên đời sống của người nông dân chưa được cải thiện bao nhiêu. Đó là chưa tính đến tình trạng giá cả nông sản thường không ổn định. Cụ thể, nếu trong một gia đình có 2 vợ chồng và 2 đứa con, bình quân mỗi người chỉ thu nhập được 5 trăm ngàn đồng một tháng, vì hai đứa con còn nhỏ, đang đi học, không làm gì ra tiền?

Theo dự thảo thì sắp tới mức thu học phí đối với bậc THPT là quá cao

Điều đáng nói hơn là nếu mức học phí tăng cao như thế, bậc trung học phổ thông sẽ xảy ra tình trạng tỷ lệ học sinh bỏ học  tăng cao. Hiện nay, THPT là bậc học có tỷ lệ học sinh bỏ học cao nhất. Riêng năm học 2009-2010, toàn cấp học có đến 1.324 học sinh bỏ học, chiếm hơn một nửa tổng số học sinh bỏ học trong toàn tỉnh. Một trong những nguyên nhân khiến học sinh THPT bỏ học là các em gặp khó khăn về kinh tế. Ở bậc học này, học sinh đã lớn, sắp đến tuổi lao động nên tăng học phí quá cao sẽ góp phần làm cho số học sinh bỏ học tăng theo. Mặt khác, ở bậc học này chi phí cho việc học cao hơn rất nhiều so với các bậc học còn lại. Lý do là vì phần lớn học sinh THPT phải đi học xa nhà. Một số em phải thuê nhà trọ học hoặc phải di chuyển bằng xe buýt hay xe gắn máy. Chỉ riêng khoản này đã khiến cho chi phí của gia đình học sinh tăng lên rất nhiều. Đó là chưa kể nhiều khoản chi khác phát sinh trong 3 năm THPT như: học thêm, ôn thi cuối cấp, tiền mua sách giáo khoa, quần áo, hội phí và nhiều loại phí không tên khác. Tất cả những khoản ấy cộng lại sẽ là một mức chi không hề nhỏ mà người học hoặc gia đình người học phải bỏ ra.

 Một vấn đề nữa, theo bản dự thảo là sẽ có một trong hai hình thức thu học phí: hoặc thu theo điểm trường nơi học sinh đang học hoặc thu theo hộ khẩu. Vậy nên chọn cách thu nào? Thực ra, mỗi hình thức thu đều có ưu và nhược điểm nhất định. Vấn đề là nên chọn hình thức nào để hạn chế những phiền phức, tiêu cực có thể phát sinh. Thiết nghĩ, đối với hai bậc học mầm non và THCS thì không có gì phải bàn. Nhưng đối với bậc THPT thì nên chăng cũng thu theo điểm trường luôn. Điều này có thể khiến cho một số học sinh ở nông thôn nhưng lại theo học ở thị trấn, thị xã bị thiệt thòi vì phải đóng học phí cao hơn. Tuy nhiên, nhìn toàn cục thì thu học phí theo điểm trường, tức là học ở đâu đóng tiền ở đó vẫn khoa học hơn, ít tiêu cực hơn. Bởi vì, ở bậc THPT có đặc điểm là học sinh chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT và đại học, nếu thu học phí theo hộ khẩu thì không khéo sẽ “khuyến khích” tình trạng chạy hộ khẩu từ thành thị, thị trấn về vùng sâu, nông thôn! Lý do là vì, khi đã có hộ khẩu ở vùng sâu thì học sinh cùng lúc được hưởng hai cái lợi: được ưu tiên điểm tốt nghiệp THPT và cả điểm tuyển sinh, mặt khác mức học phí mà các em này phải đóng lại thấp hơn các bạn cùng trường đến 3,6 lần.

VIỆT ĐÔNG