BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nước sạch nông thôn:

Tăng phí, nhưng chất lượng chưa tăng 

Cập nhật ngày: 08/07/2019 - 06:40

BTN - Ở nhiều địa phương, trước đây người dân có thể an tâm sử dụng nguồn nước từ giếng khoan gia đình. Hiện tại, vào giai đoạn đỉnh điểm của mùa khô, giếng khoan nhiều nơi bị “tắc mạch”. Vì lẽ này, nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân nông thôn tăng cao.

Một số trạm bơm được đầu tư lâu năm, hệ thống lọc đã cũ nên nhân viên phải thường xuyên vệ sinh để bảo đảm chất lượng nước cung cấp đạt chuẩn, hợp vệ sinh.

NHU CẦU TĂNG, NHƯNG KHÔNG THỂ ĐÁP ỨNG

Một nhân viên công tác trong lĩnh vực nước sạch nông thôn chia sẻ, hơn 10 năm trước, khi tỉnh thực hiện các công trình xây dựng trạm cấp nước sạch nông thôn để cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho người dân nông thôn, chính quyền đến từng hộ dân, khuyến khích bà con sử dụng nước sạch, miễn phí lắp đặt đồng hồ nước.

Thế nhưng, vào thời điểm đó, người dân gần như “làm ngơ”, có trạm cấp nước chỉ phục vụ khoảng vài chục hộ, số tiền thu phí sử dụng nước chỉ đủ trả tiền điện, trang trải cho hoạt động của trạm. Có trạm thu không đủ chi vì có quá ít người sử dụng. Bây giờ, nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân nông thôn tăng khá mạnh, có trạm phải cung cấp nước gấp đôi công sức được thiết kế ban đầu, không tránh khỏi việc người dân phàn nàn về chất lượng dịch vụ nước yếu, bẩn…

Ông Đặng Thanh Nhân- ngụ ấp Tân Trung, xã Tân Bình, thành phố Tây Ninh cho biết, ông là từng làm quản lý trạm cấp nước sạch nông thôn Tân Trung khi mới thành lập. Khi đó chỉ có vài chục hộ dân sử dụng, thậm chí có người không nhận thức được tầm quan trọng của hệ thống nước sạch nông thôn nên đã không cho đơn vị thi công đi tuyến ống nước ngang trước nhà.

Khoảng 5 năm trở lại đây, mạch nước ngầm khu vực ấp Tân Trung bị tắc vào mùa khô nên người dân không có nước sinh hoạt. Hiện trạm ấp Tân Trung cung cấp nước cho khoảng 200 hộ dân, gấp đôi thiết kế ban đầu, nhưng vẫn còn nhiều hộ có nhu cầu, kể cả những hộ trước đây không đồng ý cho đường ống đi trước nhà.

Anh Nguyễn Văn Thuận- nhân viên quản lý trạm cấp nước sạch nông thôn ấp Suối Ông Đình, xã Trà Vong, huyện Tân Biên cho biết, trạm cấp nước sạch trên địa bàn ấp có công suất phục vụ cho khoảng 250 hộ, nhưng đang phải cung cấp nước cho 375 hộ dân. Dù vậy, rất nhiều hộ dân khác trong ấp cũng có nhu cầu sử dụng, nhưng do trạm đã quá tải nên không thể cung cấp. 

Theo anh Thuận, người dân bắt đầu nhận thấy sự tiện lợi của trạm như nước đạt chuẩn, hợp vệ sinh, phí sử dụng phù hợp với người dân… nên nhu cầu tăng cao là điều dễ hiểu. Thế nhưng, để đáp ứng hết nhu cầu không phải là chuyện một sớm, một chiều.

NGƯỜI DÂN MONG MUỐN TĂNG CHẤT LƯỢNG PHỤC VỤ

Anh Phan Văn Mẫm- nhân viên quản lý trạm cấp nước sạch Tân Trung cho rằng, thời gian qua, khi bắt đầu áp dụng thu tiền nước theo giá mới, đa số người dân đều đồng ý. Trước đây, giá nước sạch nông thôn được áp dụng là 4.000 đồng/m3, từ tháng 5.2019, mức giá mới là 5.500 đồng/m3. Do anh Mẫm thường xuyên vệ sinh hệ thống lọc nên chất lượng nước qua nhiều lần kiểm tra đều đạt yêu cầu.

Tuy nhiên, có thời điểm nguồn nước cung cấp yếu, nhất là vào những thời điểm cúp điện với thời gian lâu, khi có điện trở lại, trạm bơm nước phục vụ, người dân sử dụng khá nhiều, dẫn đến tình trạng nước cung cấp cho các hộ dân phía ở cuối tuyến ống khá yếu. Khi đó, người dân phản ánh nhưng anh không biết phải xử lý thế nào vì “lực bất tòng tâm”. Việc này chỉ có thể giải quyết khi công suất của trạm được nâng lên.

Tương tự, anh Nguyễn Văn Thuận- quản lý trạm nước sạch nông thôn ấp Suối Ông Đình cho rằng, bất cứ trạm cấp nước sạch nông thôn nào đã quá công suất thiết kế, thì những ngày cúp điện, người dân gặp khó khăn về nước sinh hoạt. Những hộ dân ở cuối tuyến ống, ngày bình thường nước đã yếu, khi cúp điện rồi có điện lại, dù trạm đã bơm, nhưng phải đến ngày hôm sau mới có nước sử dụng.

Anh Thuận cho rằng, giá nước mới cao hơn giá cũ 1.500 đồng/m3, đó không phải là vấn đề đáng ngại, điều mà người dân mong muốn, nguồn nước luôn được đảm bảo để sử dụng hằng ngày. Song song đó, ngành cấp nước sạch nông thôn cần đầu tư máy phát điện cho các trạm để hoạt động liên tục, không còn phụ thuộc vào ngành điện.

Anh Nguyễn Quốc Khánh, ngụ xã Tân Phong, huyện Tân Biên, thợ sửa ống nước, cho biết, người dân ở khu vực nông thôn hiện nay rất cần nước sạch sinh hoạt. Đơn cử như khu vực trung tâm xã Mỏ Công, có khoảng 600 hộ dân sử dụng nước máy. Vì vậy, chỉ cần điện cúp trong vài giờ đồng hồ, người dân đã than trời. Do đó, ngành cấp nước sạch nông thôn cần sớm đầu tư hệ thống phát điện cho trạm cấp nước, có như thế mới tăng chất lượng phục vụ tương ứng với giá dịch vụ cung cấp.

Để cung cấp nước bảo đảm chất lượng cho người dân, anh Nguyễn Văn Thuận, quản lý trạm cấp nước ấp Suối Ông Đình phải thường xuyên kiểm tra nguồn nước tại trạm bơm.

Ông Đinh Hùng Danh- Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh cho biết, trước thực trạng quá tải của một số trạm cấp nước, để đáp ứng nhu cầu của người dân, trung tâm đã kiến nghị cơ quan có thẩm quyền về việc nâng cấp công suất các trạm. Thời gian qua, để bảo đảm chất lượng nước cung cấp, trung tâm cũng đã đầu tư hệ thống xử lý nước tại một số trạm.

Riêng việc trang bị máy phát điện để bảo đảm hoạt động cấp nước xuyên suốt, nâng chất lượng phục vụ người dân, trung tâm sẽ nghiên cứu, đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét. Trung tâm xác định việc từng bước phải nâng cao chất lượng phục vụ người dân, nhất là khi nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân nông thôn ngày càng nhiều.

THIÊN TÂM 

Từ khóa
THIÊN TÂM