BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tăng thu nhập nhờ nghề làm nhang

Cập nhật ngày: 16/01/2012 - 12:52

Chị Lê Thu Thuỷ, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (HPN) xã Phước Ninh (huyện Dương Minh Châu) cho biết: tại ấp Phước An, có hai tổ phụ nữ đa số là dân Việt kiều Campuchia về. Các chị em không có việc làm ổn định, chỉ làm mướn, làm thuê đắp đổi qua ngày. Thấy vậy Hội quyết định thành lập tổ làm nhang. Lúc đầu chỉ có vài hộ tham gia. Sau một thời gian thấy công việc làm ăn có hiệu quả, nhiều hộ khác rủ nhau vào, bây giờ số người tham gia tổ làm nhang đã lên hơn 30 người.

Chị Đẹp có cuộc sống ổn định cũng nhờ nghề làm nhang

Tại nhà chị Nguyễn Thị Kim Phụng, tổ trưởng tổ làm nhang cũng là người bao tiêu sản phẩm làm ra của các chị em phụ nữ trong tổ, cứ vào mỗi buổi chiều người đến giao nhang lại tấp nập. Chị Phụng nói: “Bây giờ mùa Tết nên rất hút hàng, chúng tôi thu gom 500kg nhang mỗi ngày, vậy mà có khi vẫn không đủ giao cho lái, chúng tôi phải tìm nguồn từ các nơi khác thêm vào”. Nhang ở cơ sở chị Phụng chủ yếu xuất đi Campuchia, cứ 2 ngày xuất một tấn nhang.

Chị Phụng là người cung cấp nguyên liệu và thu mua sản phẩm của chị em trong tổ làm nhang đã gần 3 năm qua. Chị nhớ lại: “Hồi đó vì hoàn cảnh tôi mới làm nghề se nhang, nhưng lúc đầu chỉ làm gia công cho người ta. Sau, thấy làm gia công cũng cực mà không được bao nhiêu tiền, vợ chồng tôi mới liều đứng ra tự làm rồi mang đi tiêu thụ”. Lúc mới làm nghề, hai vợ chồng chị Phụng phải chạy vạy khắp nơi mới tìm được mối để bán hàng. Thấy chị chịu khó, đại diện tổ tự quản địa phương tìm đến vận động chị đứng ra làm “đầu mối” giúp chị em phụ nữ trong xóm ấp có việc làm. Lúc đầu chị Phụng băn khoăn, không dám nhận vì “Mình chỉ làm nhỏ chưa có được mối lớn để bán hàng, bây giờ nếu có nhiều người cùng làm thì hàng bán ở đâu? Với lại, tôi cũng sợ mình làm không tốt”. Nhưng cuối cùng chị cũng đồng ý vì “Muốn làm một việc gì đó để cùng chung tay chia sẻ với chị em”. Được HPN xã hỗ trợ, thế là tổ làm nhang ấp Phước An, xã Phước Ninh ra đời và hoạt động cho đến bây giờ. Lúc đầu do ít người tham gia nên mỗi tuần tổ chỉ làm được một tấn nhang. Bây giờ thì khác, nhờ có mối hàng ổn định và số người tham gia đã đông lên, cứ hai ngày chị Phụng đã xuất được một tấn hàng. Cũng nhờ vậy, nhiều chị em trong tổ đã có thu nhập ổn định hơn.

Theo chị Phụng, nghề làm nhang không quá vất vả, chị em phụ nữ có thể vừa lo việc nhà vừa làm. Hoặc có thể một buổi đi làm thêm, một buổi ở nhà làm nhang. Nếu chăm chỉ, có thể kiếm thêm một khoản thu nhập không tệ. Kể cả trẻ con cũng có thể làm công việc này. Nếu làm cả ngày, mỗi chị em có thể kiếm khoảng trăm ngàn đồng.

Nhiều chị em ở ấp Phước An có thêm thu nhập từ nghề làm nhang

Nghề làm nhang gia công đã giúp nhiều chị em trong tổ làm nhang cải thiện được cuộc sống. Trường hợp chị Hồ Thị Đẹp, ngụ tổ 8- Việt kiều Campuchia về sinh sống tại ấp Phước An đã gần 10 năm nay là một ví dụ. Cuộc sống của chị Đẹp trước kia khá vất vả, chị phải một mình bươn chải làm lụng nuôi 3 đứa con trong sự chật vật, thiếu thốn. Khoảng hơn năm nay, chị tham gia tổ làm nhang và được hỗ trợ một máy đạp nhang. Ngày nào không có việc làm thuê thì chị làm nhang, có ngày chị đi làm thuê một buổi còn một buổi lại tranh thủ làm nhang. Chị cười cho biết: “Trước đây tui làm thuê đủ việc mà vẫn không đủ ăn. Từ ngày tham gia tổ làm nhang, nếu nói dư dả thì không nhưng cuộc sống của tôi đã ổn định hơn rất nhiều, không còn thiếu hụt như trước. Mỗi ngày làm nhang tôi có thể kiếm từ sáu chục ngàn đồng trở lên”.

Chị Lê Thị Thuỷ, ngụ tổ 9 tuy cuộc sống không quá vất vả như chị Đẹp trước đây nhưng quanh năm suốt tháng chị chỉ biết quanh quẩn với công việc nội trợ, thời gian còn lại chẳng làm gì ra tiền. Từ khi tham gia làm nhang gia công, mỗi tháng chị kiếm thêm được hơn 2 triệu đồng. Chị cũng mạnh dạn đầu tư một máy phóng nhang bằng điện để làm cho có hiệu quả hơn. Chị nói: “Mình có thể tận dụng thời gian nhàn rỗi để tăng thêm thu nhập thì còn gì vui hơn”.

Vừa phát triển kinh tế gia đình, vừa trợ giúp chị em phụ nữ cùng xóm ấp có được công ăn việc làm, giảm bớt gánh nặng mưu sinh, chị Phụng cảm thấy hạnh phúc. Dự định của chị là sắp tới sẽ tìm cách để tự chủ nguồn nguyên liệu nhằm giảm chi phí sản xuất và tăng thu nhập cho các chị em trong tổ. Hiện tại, Xã Phước Ninh đã được các ngành chức năng hỗ trợ hơn 100 máy đạp nhang, trong đó chỉ riêng ấp Phước An có hơn 80 máy. Theo chị Chủ tịch HPN xã Phước Ninh, thì trong thời gian tới sẽ phát triển thêm các tổ làm nhang ở các ấp khác.

NGÔ TUYẾT