Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Thuế VAT của Việt Nam đã thuộc tốp cao trong các nước Đông Nam Á, tăng tiếp sẽ ảnh hưởng đến khả năng mua sắm, nhất là của người nghèo, không thể giải quyết nợ công chỉ bằng tăng thu…
Bên cạnh việc mua trà, cà phê đóng gói có thể phải đóng thuế tiêu thụ đặc biệt, người dân mua các mặt hàng nhu yếu phẩm khác tới đây cũng phải tăng chi trả nếu thuế VAT tăng - Ảnh: Châu Anh.
Đó là ý kiến của các chuyên gia về việc Bộ Tài chính đề xuất sửa 5 luật thuế, trong đó có điều chỉnh số bậc thuế thu nhập cá nhân nhưng tăng thuế VAT và đưa hàng loạt mặt hàng như trà, cà phê đóng gói, nước ngọt… vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
PGS.TS NGUYỄN KHẮC QUỐC BẢO (Trưởng khoa tài chính Trường Đại học Kinh tế TP.HCM):
Không thể so với nước nổi tiếng thuế cao
Một trong những lý do Bộ Tài chính nêu ra để tăng thuế VAT là do thuế suất tại Việt Nam thấp, chưa theo thông lệ quốc tế, theo tôi là chưa thuyết phục.
Lý do là Bộ Tài chính chọn so sánh với những quốc gia nổi tiếng có thuế suất cao, như các nước EU thuế VAT lên đến 20-22%.
Thuế là khế ước xã hội giữa người dân và nhà nước. Người dân đồng ý nộp mức thuế đó để được thụ hưởng phúc lợi, an sinh xã hội, giáo dục, y tế, đường sá…
Ở châu Âu người dân nộp thuế cao và phúc lợi họ được hưởng rất cao, lương hưu rất cao. Do vậy, Bộ Tài chính chỉ so sánh mức thuế mà không so sánh về phúc lợi xã hội là không toàn diện.
Cũng không có cơ sở để nói rằng “kinh nghiệm từ các nước một khi thâm hụt ngân sách cao thì việc tăng thuế là chiến lược thành công” vì các quốc gia châu Âu mất cân đối ngân sách vì đã chi ngân sách quá lớn cho phúc lợi.
Nguồn gốc thâm hụt nợ công tại Việt Nam khác, trong đó có yếu tố đầu tư công lãng phí, thất thoát ngân sách… Do vậy, bắt người dân phải nộp thuế cao lên là chưa thuyết phục.
Hơn nữa, việc tăng thuế VAT, dù là thuế gián thu tác động như nhau lên tất cả đối tượng, nhưng do người có thu nhập thấp vẫn chiếm đa số nên chịu ảnh hưởng nhiều nhất sẽ là người nghèo.
Chưa kể ngoài thuế VAT, người dân lúc này còn chịu hàng loạt điều chỉnh khác như tăng thuế đất, sắp tới là tăng thuế môi trường với xăng, thuế tài sản…
Do vậy, theo tôi, chưa phải là lúc để đề xuất tăng các loại thuế. Thâm hụt ngân sách thì biện pháp nhanh nhất, tốt nhất khi chưa tăng nguồn thu được là giảm chi, chống lãng phí…
Ông VŨ VINH PHÚ (Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội):
Khó hơn cho người dân
Không nên tăng thuế VAT trong những năm tới mà ngược lại cần phải giảm mới đúng, khuyến khích người dân tiêu dùng.
Có ba vấn đề mà Chính phủ đặt ra trong thời gian tới là cổ phần hóa, giảm chi phí cho doanh nghiệp và kích cầu tiêu dùng.
Kích cầu tiêu dùng mà tăng thuế từ 10 lên 12%? Việc đề nghị tăng thuế VAT cần xem có mâu thuẫn với chỉ đạo kích cầu của Chính phủ.
Tiền điện, điện thoại, gạo, nước, thuốc chữa bệnh, cước vận tải… hay nói cách khác là tất cả các mặt hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu sẽ chịu tác động khi thuế VAT tăng.
Đối tượng chịu tác động mạnh nhất là người dân nghèo có thu nhập thấp. Thu nhập ít ỏi mỗi tháng của họ sẽ bị khấu trừ thêm khi mua sắm, kể cả mặt hàng thiết yếu.
Người tiêu dùng sẽ thắt chặt chi tiêu khi phải trả thêm tiền thuế. Điều này đồng nghĩa với việc sản xuất sẽ khó khăn khi hàng hóa sản xuất ra khó tiêu thụ.
Đương nhiên tồn kho, năng lực sản xuất bị bó hẹp thì doanh thu, lợi nhuận và tiền thuế mà doanh nghiệp đóng góp chắc chắn sẽ giảm.
Do đó, Bộ Tài chính cần cân nhắc thận trọng việc tăng thuế VAT. Đừng lấy lý lẽ các nước tăng thuế VAT mà chúng ta cũng phải theo xu thế đó.
Người làm chính sách cần phải thấy rằng bối cảnh của Việt Nam hoàn toàn khác khi sức mua còn yếu. Phần đông người tiêu dùng trong xã hội là người nghèo, lao động thu nhập thấp.
Còn nếu vẫn muốn tăng thuế VAT là chọn cách làm dễ nhất, biểu hiện của tận thu.
PGS.TS NGÔ TRÍ LONG (Chuyên gia kinh tế):
Không thể giải quyết nợ công chỉ bằng tăng thu
Trong đề xuất Bộ Tài chính nêu ra hàng loạt lý do để tăng thuế: nợ công tăng cao, giảm thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khiến nguồn thu giảm, thuế nhập khẩu giảm về 0%... Nhưng theo tôi, các lý do này đều chưa thuyết phục.
Chẳng hạn nguồn thu thuế từ doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ chiếm 0,3% trong tổng thu, do vậy giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa về mức 17% thì nguồn thu ngân sách giảm không đáng kể.
Giảm hai bậc trong biểu thuế lũy tiến từng phần của Luật thuế thu nhập cá nhân thì nguồn thu cũng không giảm đi nhiều.
Không thể giải quyết nợ công chỉ bằng tăng thu. Nợ công tăng cao không hẳn chỉ do nguồn thu giảm mà do chi không hiệu quả, tham nhũng, lãng phí, đầu tư không hiệu quả mà bằng chứng là hàng loạt dự án hàng ngàn tỉ “đắp chiếu”.
Tăng thuế sẽ tác động nặng nề lên những người thu nhập thấp, chưa kể việc tăng thuế VAT sẽ làm giá cả tăng, dẫn đến lạm phát tăng trong khi mục tiêu của chúng ta là ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó một trong những trụ cột là kiểm soát lạm phát.
Do vậy đụng đến vấn đề nhạy cảm là tăng thuế, đặc biệt thuế VAT, cần hết sức thận trọng và xem xét thời điểm thích hợp cũng như phải đánh giá hết tác động của việc này. Quan điểm của tôi là chưa nên tăng lúc này.
Ông BÙI ĐẶNG DŨNG (Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội):
Cần đánh giá kỹ tác động
Một trong những vấn đề rất quan trọng hiện nay đối với điều chỉnh thuế là việc đánh giá tác động đến các đối tượng chịu tác động, ở đây là những người nộp thuế tiêu dùng ở khắp đất nước. Việc đánh giá tác động phải làm cẩn thận chứ không phải làm cho đúng thủ tục.
Trong bối cảnh nền kinh tế, đời sống người dân hiện nay, việc tăng thuế hay giảm thuế đều phải được tính toán kỹ và đánh giá chặt chẽ bởi nó tác động trực tiếp đến đời sống của nhân dân.
Bản thân họ cũng là đối tượng trực tiếp sản xuất ra mặt hàng nông nghiệp, chăn nuôi... nên khi thuế tăng sẽ tác động trực tiếp vào bữa cơm, phương tiện đi lại...
Tương tự, các đối tượng khác như cán bộ, công chức, công nhân lao động cũng sẽ là những đối tượng chịu tác động sâu sắc.
Giá tăng lên vài phần trăm cũng sẽ khiến chi tiêu tăng lên trong khi thu nhập không tăng. Nên rất cần đánh giá kỹ tác động của dự án đến các đối tượng chịu chi phối.