Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Chính phủ, Bộ GD-ĐT đang từng bước cụ thể hoá chủ trương tăng tính tự chủ cho cơ sở giáo dục, đồng thời tăng trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục. Tự chủ giáo dục từng được nêu lên nhiều lần, nhiều năm với bốn lĩnh vực chính, bao gồm tự chủ tuyển sinh, tự chủ học thuật, tự chủ tài chính và tự chủ nhân sự.
Thí sinh dự thi vào lớp 10 năm học 2019-2020.
Để các hoạt động giáo dục phù hợp với Luật Giáo dục sửa đổi năm 2019, Bộ GD-ĐT vừa ban hành dự thảo nghị định quy định việc quản lý trong cơ sở giáo dục mầm non và cơ sở giáo dục phổ thông công lập. Theo tinh thần của dự thảo, Hội đồng trường, tổ chức đoàn thể, người đứng đầu cơ sở giáo dục, giáo viên phải nắm rõ nhiệm vụ và quyền hạn của mình. Ngày 7.4 là thời hạn cuối để Bộ GD-ĐT nhận ý kiến đóng góp của các địa phương.
Tuyển sinh hết học sinh trong độ tuổi
Điều 5 dự thảo quy định xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường. Trong đó, cơ sở giáo dục có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường theo mục tiêu chất lượng giáo dục và phù hợp với điều kiện bảo đảm chất lượng của nhà trường. Kế hoạch giáo dục nhà trường phải đáp ứng yêu cầu giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống, giáo dục pháp luật và phòng, chống bạo lực học đường. Cơ sở giáo dục chuyên biệt được thực hiện các hoạt động đặc thù theo quy định của pháp luật. Người đứng đầu cơ sở giáo dục quyết định ban hành kế hoạch giáo dục nhà trường; báo cáo cấp có thẩm quyền và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường theo quy định.
Về tổ chức tuyển sinh, cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch tuyển sinh theo quy định, phù hợp với điều kiện bảo đảm chất lượng của nhà trường. Hằng năm, người đứng đầu cơ sở giáo dục quyết định ban hành kế hoạch tuyển sinh, báo cáo cấp có thẩm quyền và tổ chức thực hiện.
Cơ sở giáo dục mầm non tiếp nhận vào học hết số trẻ mầm non trên địa bàn xã, phường, thị trấn (gọi chung là xã) theo yêu cầu phổ cập giáo dục trẻ mầm non 5 tuổi, trừ học sinh có nguyện vọng vào các cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục. Trường tiểu học và trường trung học cơ sở, trường phổ thông có nhiều cấp học phải tuyển sinh hết số học sinh trên địa bàn xã theo yêu cầu phổ cập bắt buộc giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục trung học cơ sở, trừ học sinh có nguyện vọng vào các cơ sở giáo dục phổ thông dân lập, tư thục.
Trường trung học phổ thông tuyển sinh theo chỉ tiêu phân luồng học sinh sau trung học cơ sở tại địa phương do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là UBND cấp tỉnh) quy định. Trường trung học phổ thông chuyên tuyển sinh những học sinh có tư chất thông minh, đạt kết quả xuất sắc trong học tập ở cấp trung học cơ sở theo chỉ tiêu hằng năm do UBND tỉnh phê duyệt. Trường phổ thông dân tộc nội trú trực thuộc UBND cấp nào tuyển sinh theo chỉ tiêu do UBND cấp đó phê duyệt. Các cơ sở giáo dục chuyên biệt khác tuyển sinh theo yêu cầu thực tế theo quy định.
Đối với các tổ chức hoạt động giáo dục, Điều 7 dự thảo quy định, nhà trường tổ chức hoạt động giáo dục và phối hợp với gia đình, tổ chức, cá nhân trong tổ chức các hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiện của cơ sở giáo dục, tổ chức cho giáo viên, người lao động và học sinh tham gia hoạt động xã hội, phục vụ cộng đồng. Áp dụng các phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động giáo dục theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chú trọng áp dụng các phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động giáo dục tiên tiến trong và ngoài nước phù hợp với điều kiện cụ thể, nhu cầu phát triển của địa phương và nhà trường.
Cơ sở giáo dục thực hiện kiểm tra đánh giá phẩm chất, năng lực người học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; tổ chức quản lý và giáo dục học sinh đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Việc tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Một nội dung đáng chú ý của dự thảo nghị định là quy định điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục. Theo quy định tại Điều 8, quản lý, cơ sở giáo dục sử dụng giáo viên, nhân viên, người lao động theo quy định về vị trí việc làm, năng lực nghề nghiệp, đạo đức nhà giáo và phong cách nhà giáo. Đề xuất nhu cầu, tham gia tuyển dụng giáo viên, nhân viên, người lao động theo quy định của pháp luật, bảo đảm đúng yêu cầu về số lượng, cơ cấu người làm việc trong cơ sở giáo dục theo quy định.
Cơ sở giáo dục xây dựng và thực hiện kế hoạch quản lý, sử dụng nguồn lực trong cơ sở giáo dục bảo đảm thực hiện chất lượng, hiệu quả kế hoạch giáo dục nhà trường theo quy định của pháp luật. Nhà trường có nhiệm vụ thực hiện đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Thực hiện dân chủ trong cơ sở giáo dục
Điều 9 dự thảo nghị định quy định cụ thể nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng trường. Theo tinh thần này, Hội đồng trường quyết định về mục tiêu, chiến lược, kế hoạch phát triển của cơ sở giáo dục trong từng giai đoạn và từng năm học. Phê duyệt kế hoạch tuyển sinh và giám sát việc tuyển sinh của nhà trường theo quy định của Bộ GD-ĐT và quy định cụ thể của địa phương. Giám sát việc tổ chức các hoạt động giáo dục, nghiên cứu khoa học theo kế hoạch giáo dục nhà trường.
Phê duyệt kế hoạch và giám sát việc thực hiện kế hoạch huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực dành cho nhà trường theo nguyên tắc gắn nhà trường với cộng đồng và xã hội, bảo đảm thực hiện mục tiêu giáo dục.
Điều 10 dự thảo quy định nhiệm vụ và quyền hạn của người đứng đầu cơ sở giáo dục. Cụ thể, người đứng đầu có nhiệm vụ tổ chức xác định mục tiêu chất lượng giáo dục và xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường phù hợp với điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Hiệu trưởng tổ chức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, người lao động tham gia đóng góp xác định mục tiêu và xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường; trình Hội đồng trường phê duyệt mục tiêu chất lượng giáo dục và kế hoạch giáo dục nhà trường trước khi triển khai thực hiện. Tổ chức tuyển sinh, hoạt động giáo dục và nghiên cứu khoa học theo kế hoạch được phê duyệt, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch.
Tổ chức đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục của cơ sở giáo dục theo quy định. Tổ chức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, người lao động tham gia đánh giá chất lượng giáo dục và kiểm định chất lượng giáo dục của cơ sở giáo dục; công khai kết quả đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục của nhà trường. Phối hợp với gia đình, tổ chức, cá nhân trong hoạt động giáo dục theo kế hoạch giáo dục nhà trường; tổ chức, giám sát, hỗ trợ cho giáo viên, người lao động và học sinh tham gia hoạt động xã hội, phục vụ cộng đồng theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Người đứng đầu nhà trường phải công khai mục tiêu chất lượng giáo dục, kế hoạch giáo dục nhà trường, tổ chức tuyển sinh, điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục, kết quả đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục của cơ sở giáo dục.
Đối với giáo viên, Điều 11 dự thảo quy định tham gia xác định mục tiêu và xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường theo nhiệm vụ được phân công. Tham gia tổ chức thực hiện tuyển sinh, tổ chức hoạt động giáo dục, nghiên cứu khoa học theo nhiệm vụ được phân công. Quản lý, giáo dục học sinh theo yêu cầu của chương trình giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Tham gia huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực trong cơ sở giáo dục theo quy định của pháp luật. Phối hợp với gia đình, tổ chức, cá nhân trong quản lý, giáo dục học sinh; tổ chức cho học sinh thực hiện các hoạt động giáo dục và tham gia hoạt động xã hội, phục vụ cộng đồng theo kế hoạch giáo dục nhà trường.
Trách nhiệm giải trình
Cơ sở giáo dục giải trình với xã hội, người học, cơ quan quản lý và giáo viên, nhân viên, người lao động trong cơ sở giáo dục về các nội dung sau: Mục tiêu chất lượng giáo dục, kế hoạch giáo dục nhà trường, điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục, kết quả đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục của nhà trường. Tổ chức tuyển sinh và tổ chức hoạt động giáo dục, sự tham gia của gia đình, tổ chức, cá nhân trong hoạt động giáo dục.
Nhu cầu, công tác tham gia tuyển dụng giáo viên, nhân viên, người lao động; quản lý, sử dụng giáo viên, nhân viên, người lao động. Quản lý, giáo dục học sinh; phối hợp với gia đình và xã hội trong quản lý, giáo dục học sinh. Huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực trong nhà trường.
Người đứng đầu cơ sở giáo dục cụ thể hoá nội dung giải trình và việc thực hiện trách nhiệm giải trình theo quy định tại nghị định này và quy định của pháp luật trong nội quy, quy chế của cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của nhà trường.
Tổ chức chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra cán bộ, giáo viên, người lao động trong nhà trường thực hiện nghiêm túc các quy định về trách nhiệm giải trình và xử lý trong trường hợp vi phạm quy định về trách nhiệm giải trình theo quy định tại nghị định này và quy định khác của pháp luật. Trình tự, thủ tục thực hiện giải trình của cơ sở giáo dục thực hiện theo quy định của pháp luật về trách nhiệm giải trình của cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Ngoài mục tiêu phù hợp với Luật Giáo dục sửa đổi năm 2019 (có hiệu lực vào tháng 7 năm nay), việc ban hành dự thảo nghị định để lấy ý kiến địa phương theo Quyết định 936/QĐ-TTg ngày 26.7.2019 của Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GD-ĐT xây dựng dự thảo nghị định quy định việc quản lý trong cơ sở giáo dục mầm non và cơ sở giáo dục phổ thông công lập (quy định chi tiết điểm a Khoản 2 Điều 60 Luật Giáo dục năm 2019).
Nội dung, tinh thần chính của dự thảo nghị định nêu trên cho thấy, Chính phủ, Bộ GD-ĐT đang từng bước cụ thể hoá chủ trương tăng tính tự chủ cho cơ sở giáo dục, đồng thời tăng trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục. Tự chủ giáo dục từng được nêu lên nhiều lần, nhiều năm với bốn lĩnh vực chính, bao gồm tự chủ tuyển sinh, tự chủ học thuật, tự chủ tài chính và tự chủ nhân sự. Trong bốn nhóm trên, tự chủ tài chính đã được thực hiện một phần trong các cơ sở giáo dục công lập. Các lĩnh vực tự chủ còn lại, hoặc đang có những ý kiến, quan niệm khác nhau, hoặc chưa thể thực hiện được.
Việt Đông