Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tạo điều kiện để người chấp hành xong án phạt tù trở về cuộc sống đời thường
Thứ bảy: 21:30 ngày 05/08/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an tỉnh cho biết, từ năm 2019 đến nay, UBND tỉnh đã hỗ trợ kinh phí 3,6 tỷ đồng cho công tác tái hoà nhập cộng đồng.

Công an phát tờ rơi tuyên truyền về công tác tái hoà nhập cộng đồng cho người dân.

Công an tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành chỉ đạo quyết liệt việc tổ chức thực hiện công tác thi hành án hình sự tại cộng đồng và tái hoà nhập cộng đồng. Quản lý tốt đối tượng thi hành án hình sự tại cộng đồng, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, người chấp hành xong án phạt tù, đặc xá về địa phương cư trú để tổ chức tuyên truyền, thực hiện công tác tái hoà nhập cộng đồng theo Nghị định số 49/2020/NĐ-CP ngày 17.4.2020 của Chính phủ.

Trung bình hằng năm có khoảng 1.100 người chấp hành án treo, cải tạo không giam giữ, hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù và khoảng 800 người chấp hành xong hình phạt tù, đặc xá, tha tù trước thời hạn có điều kiện về cư trú trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, địa phương đang quản lý 1.175 người chấp hành án hình sự tại cộng đồng (án treo 895 người; cải tạo không giam giữ 232 người; quản chế 1 người; cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 3 người; hoãn chấp hành án phạt tù 38 người, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù 2 người, tha thù trước thời hạn có điều kiện 4 người) và 2.924 người trong diện tái hoà nhập cộng đồng.

Các trường hợp người chấp hành xong án phạt tù, đặc xá được Công an địa phương và các ban, ngành, đoàn thể hỗ trợ, tạo điều kiện để họ quay về cuộc sống đời thường. Trên địa bàn tỉnh có 2 mô hình tái hoà nhập cộng đồng đang hoạt động hiệu quả, đã giúp đỡ hơn 2.400 người chấp hành xong án phạt tù ổn định cuộc sống, hoà nhập cộng đồng, đó là mô hình 4+1 và mô hình huy động vốn của các doanh nghiệp.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác này vẫn còn tồn tại một số hạn chế như việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thi hành án hình sự tại cộng đồng và tái hoà nhập cộng đồng chưa thường xuyên. Việc phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể với lực lượng Công an trong thực hiện công tác thi hành án hình sự tại cộng đồng và tái hoà nhập cộng đồng chưa chặt chẽ, xem công tác này là trách nhiệm chính của Công an.

Việc xử lý một số trường hợp người chấp hành án hình sự tại cộng đồng vi phạm nghĩa vụ chấp hành án không đủ tính răn đe, thuyết phục. Việc giúp đỡ cho vay vốn, học nghề, đào tạo việc làm còn hạn chế do người chấp hành xong án phạt tù không có nhu cầu; các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa mạnh dạn tiếp nhận lao động là người chấp hành xong án phạt tù. Nguồn kinh phí tái hoà nhập cộng đồng do Bộ Công an cấp chưa có hướng dẫn cụ thể về định mức chi, nội dung chi, trình tự, thủ tục quyết toán.

Đại diện Phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an tỉnh cho hay, để công tác này chuyển biến tích cực cần phải tranh thủ được sự quan tâm, ủng hộ của cấp uỷ, chính quyền địa phương trong huy động thực hiện có hiệu quả công tác thi hành án hình sự tại cộng đồng và tái hoà nhập cộng đồng, xem đây là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị; thực hiện công tác phối hợp giữa lực lượng Công an với các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương.

Tuân thủ quy định của pháp luật về thi hành án hình sự tại cộng đồng và tái hoà nhập cộng đồng, giữ mối quan hệ tốt với các cơ quan liên ngành để thường xuyên trao đổi, bàn luận, giải quyết thống nhất những vấn đề vướng mắc, phát sinh trong công tác này.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần thường xuyên tổ chức tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng trực tiếp thực hiện công tác thi hành án hình sự tại cộng đồng và tái hoà nhập cộng đồng ở cơ sở; tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ở địa phương.

Dự toán nguồn kinh phí thi hành án hình sự tại cộng đồng và tái hoà nhập cộng đồng để hỗ trợ cho lực lượng trực tiếp thực hiện công tác này; thường xuyên chỉ đạo duy trì, nhân rộng và phát huy hiệu quả các mô hình tái hoà nhập cộng đồng.

Để nâng cao hiệu quả, chất lượng thi hành án hình sự tại cộng đồng và tái hoà nhập cộng đồng trong thời gian tới, Công an tỉnh tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác này. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác thi hành án hình sự tại cộng đồng và tái hoà nhập cộng đồng đến mọi tầng lớp cán bộ, công chức, viên chức và người dân.

Tăng cường thực hiện công tác quản lý, giám sát và phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương trong thực hiện việc giáo dục, giúp đỡ người chấp hành án hình sự tại cộng đồng và người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho họ chấp hành tốt nghĩa vụ của người chấp hành án, nghĩa vụ công dân để sớm hoà nhập với cộng đồng.

Tổ chức thi hành nghiêm các bản án, quyết định của Toà án theo đúng quy định pháp luật; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp người chấp hành án hình sự tại cộng đồng vi phạm nghĩa vụ chấp hành án, trốn thi hành án, vi phạm pháp luật.

Duy trì, phát huy hiệu quả các mô hình tái hoà nhập cộng đồng hiện đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, có kế hoạch nhân rộng mô hình tạo quỹ tái hoà nhập cộng đồng để giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù. Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác thi hành án hình sự tại cộng đồng và tái hoà nhập cộng đồng.

Thiên Di

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục