Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Phát triển hạ tầng giao thông:
Tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội
Thứ sáu: 09:45 ngày 01/05/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trong những năm gần đây, hạ tầng giao thông được chú trọng đầu tư xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội.

Đường Lý Thường Kiệt (thị xã Hoà Thành) đã được nâng cấp, mở rộng, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.

Nhiều tuyến đường được đầu tư

Trong hai năm 2018 và 2019, quốc lộ 22B (từ Gò Dầu đến cửa khẩu quốc tế Xa Mát, dài hơn 84km), đã được Tổng cục Đường bộ Việt Nam sửa chữa, cải tạo và đưa vào phục vụ. Hiện nay, đơn vị này đang tiếp tục lập hồ sơ sửa chữa, gia cố lề đường, xây dựng mương thoát nước các đoạn qua khu dân cư và những vị trí nước đọng trên mặt đường chưa có rãnh dọc; mở rộng 2 nút thắt tại vị trí kênh thuỷ lợi (kênh gần ngã ba Vịnh và kênh Tây) bằng với chiều rộng nền đường để bảo đảm lưu thông…

Tỉnh đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Quân khu 7 thực hiện dự án Đường tuần tra biên giới. Hiện đã thi công cơ bản xong đoạn từ cửa khẩu Xa Mát đến ranh tỉnh Long An, dài 130,41km. Đồng thời, đề xuất và được Bộ Quốc phòng đồng ý đầu tư thêm đoạn từ ngã ba Tống Lê Chân (đường vào Đồn 815) đến ngã ba Tân Hà, dài 30,7km và đoạn từ cột mốc 146 đến cột mốc 148, dài khoảng 4km thuộc xã Hoà Thạnh và xã Hoà Hội, huyện Châu Thành.

Tỉnh còn được Bộ Giao thông Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đầu tư xây dựng 28 cầu dân sinh trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí 56.044 triệu đồng. Hiện nay, đơn vị này đã thi công xong 10 cầu, đang thi công 18 cầu và sẽ hoàn thành trong năm 2020. 

Đối với những dự án thuộc địa phương làm chủ đầu tư, có 10 dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng như: nâng cấp, cải tạo và ngầm hoá đường 30.4; nâng cấp, mở rộng đường 788 (từ ngã ba Vịnh đến ngã ba Lò Gò), đường Điện Biên Phủ; đường Lý Thường Kiệt (đoạn từ CMT8 đến đường Châu Văn Liêm); mở rộng đường Nguyễn Văn Linh (đoạn từ giao lộ đường Nguyễn Huệ đến cầu Năm Trại); đường 794 (từ ngã ba Kà Tum đến cầu Sài Gòn, giai đoạn 1); đường và cầu Bến Đình; đường cửa khẩu biên mậu - Tiểu dự án đường Kà Tum- Tân Hà; đường ra cửa khẩu biên mậu - Tiểu dự án đường Tà Nông; cầu Sài Gòn 1.

Đang thi công 12 dự án, trong đó, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng tháng 6.2020 gồm 6 dự án: đường 790 nối dài (đoạn từ Khedol - Suối Đá - Bờ Hồ - Bàu Vuông - Cống số 3; đường Phước Vinh - Sóc Thiết - Tà Xia; đường huyện 12 (xã Biên Giới, huyện Châu Thành); đường 781 (đoạn từ ngã ba Bờ Hồ đến địa giới tỉnh Bình Dương); đường và cầu Bến Cây Ổi; đường từ ngã ba Bờ hồ Dầu Tiếng đến ngã tư Tân Hưng.

6 dự án dự kiến hoàn thành sau năm 2020 gồm: đường Trưng Nữ Vương (đoạn từ cầu Thái Hoà đến quốc lộ 22B); cầu An Hoà; nâng cấp, mở rộng ĐT 782 - ĐT 784; đường Đất Sét - Bến Củi; làm đường ra biên giới thuộc xã Ninh Điền, huyện Châu Thành; nâng cấp, mở rộng ĐT.793 - ĐT.792 (đoạn từ ngã tư Tân Bình đến cửa khẩu Chàng Riệc).

Mạng lưới đường giao thông nông thôn do UBND các huyện, thị xã, thành phố và UBND các xã quản lý cũng được chú trọng. Đến nay, tổng nguồn lực đầu tư cho giao thông nông thôn hơn 2.548 tỷ đồng với xây dựng, nâng cấp, sửa chữa, bảo trì hơn trên 2.400km đường các loại tại các xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Trong đó có hơn 1.000km đường được nhựa hoá, bê tông hoá. Ngoài ra, UBND các xã còn vận động doanh nghiệp và người dân cứng hoá các tuyến đường ngõ xóm, liên gia trên địa bàn. Tính đến nay, đã có 43 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 52,44%), 35/71 xã được công nhận hoàn thành tiêu chí giao thông, chiếm tỷ lệ 49,29% tổng số xã.

Tiếp tục triển khai thêm nhiều dự án

Ông Nguyễn Tấn Tài- Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết, Đảng bộ tỉnh xác định phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là một trong những đột phá chiến lược của địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội nhanh, bền vững. Lãnh đạo tỉnh, Sở GTVT đã làm việc với Bộ GTVT, các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh lân cận (Bình Dương, Bình Phước, Long An , TP. Hồ Chí Minh) về phương án kết nối hạ tầng giao thông, tạo liên kết vùng thuận lợi, đồng bộ theo hướng hiện đại.

Lãnh đạo tỉnh chủ động kiến nghị, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT thực hiện các dự án trọng điểm, có ý nghĩa chiến lược thúc đẩy phát triển nhanh kinh tế - xã hội, như hiện nay, Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh đang đề xuất chủ trương đầu tư mở rộng QL22 từ An Sương đến Suối Sâu (nguồn vốn của TP. Hồ Chí Minh), để đồng bộ với TP. Hồ Chí Minh, cũng như giảm ùn tắc phương tiện vào giờ cao điểm (khi lượng công nhân từ các khu công nghiệp tan tầm...). Tây Ninh kiến nghị Bộ GTVT, Chính phủ đầu tư mở rộng đoạn từ Suối Sâu đến cuối tuyến tránh Trảng Bàng (dài 7km) từ nguồn vốn ngân sách Trung ương trong giai đoạn 2021-2025.

Tỉnh đề xuất Bộ GTVT bổ sung quy hoạch tuyến cao tốc Gò Dầu - Xa Mát vào quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam. Hiện Bộ GTVT đã có tờ trình trình Thủ tướng Chính phủ. Dự án này sẽ đưa vào quy hoạch ngành quốc gia giai đoạn năm 2021-2030 làm cơ sở triển khai thực hiện đầu tư ở thời điểm thích hợp.

Hiện nay, Bộ GTVT đang hoàn thiện các thủ tục để trình Chính phủ, Quốc hội thực hiện đầu tư hoàn chỉnh tuyến đường Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2021-2025. Dự án đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài, lãnh đạo Tây Ninh và TP. Hồ Chí Minh đã ký kết kế hoạch phối hợp thực hiện.

Tỉnh cũng đang triển khai nâng cấp mở rộng tuyến giao thông kết nối ĐT 784 (Tây Ninh) với ĐT 744 (Bình Dương). Dự kiến dự án này sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2021. Các tuyến đường kết nối với Long An như ĐT 786 (Tây Ninh) với ĐT 821 và ĐT 838C (Long An) về phía Tây Ninh đã đầu tư xong, phía Long An đang đầu tư, dự kiến sẽ hoàn thành cuối năm 2020.

Ngoài ra, còn dự kiến xây dựng cầu qua sông Vàm Cỏ Đông tại bến Phà Lộc Giang (xã Phước Chỉ, huyện Trảng Bàng với xã Lộc Giang, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An), mở mới tuyến giao thông kết nối xã Phước Chỉ với trung tâm xã Mỹ Thạnh Bắc, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An.

Về đường thuỷ, tỉnh đề xuất và được Bộ GTVT chấp thuận bổ sung quy hoạch luồng đường thuỷ nội địa từ cầu Bến Súc đến Dầu Tiếng và quy hoạch 1 trung tâm logistics, cụm cảng cạn ICD, cảng thuỷ nội địa trên địa phận xã Hưng Thuận, huyện Trảng Bàng, nhằm tạo cơ sở hạ tầng khai thác hiệu quả luồng tuyến đường thuỷ nội địa trên sông Sài Gòn.

Hiện đang tổ chức kêu gọi đầu tư khu phức hợp: trung tâm logistics, cảng thuỷ nội và cảng cạn, dự kiến sẽ đầu tư hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng trong giai đoạn năm 2021-2022. “Theo Chương trình hành động của UBND tỉnh và kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020, các dự án thuộc lĩnh vực giao thông đối với các tuyến đường tỉnh đầu tư gồm 28 dự án với tổng nguồn vốn kế hoạch đến thời điểm này là 3.577,95 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh là 2.954,65 tỷ đồng, ngân sách trung ương hỗ trợ 623,3 tỷ đồng”- ông Tài cho hay.

Đại Dương

Báo Tây Ninh
Liên kết hữu ích
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh