Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tạo động lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển
Thứ hai: 10:25 ngày 07/06/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa chiếm khoảng 95% tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Giai đoạn 2018 – 2020, toàn tỉnh có 1.981 doanh nghiệp được thành lập với số vốn 32.891 tỷ đồng. Lũy kế đến ngày 31.12.2020, số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là 6.051 doanh nghiệp với số vốn 120.630 tỷ đồng.

Một doanh nghiệp sản xuất gạch không nung trên địa bàn TP. Tây Ninh. Ảnh minh họa

Để doanh nghiệp có thể hưởng các ưu đãi, các chính sách hỗ trợ hiệu quả, tỉnh đã chủ động lồng ghép các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) với các chương trình hỗ trợ khác như khuyến công, chương trình xúc tiến đầu tư – thương mại – du lịch hàng năm.

Cùng với việc triển khai, tuyên truyền Luật hỗ trợ DNNVV, các Nghị định hướng dẫn thực hiện, văn bản của HĐND tỉnh, tỉnh đã tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận thông tin về các chế độ chính sách đối với DNNVV, góp phần hỗ trợ DNNVV hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

Theo Kế hoạch số 2915 ngày 27.12.2019 về hỗ trợ DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh, tỉnh đã giao ngành Thuế và các cơ quan liên quan hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn miễn phí các thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu; triển khai cơ chế hỗ trợ miễn lệ phí môn bài trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu; hỗ trợ phí, lệ phí, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và tiền thuê đất có thời hạn theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh còn hạn chế so với số lượng hộ kinh doanh của tỉnh, năm 2018 - 2020, có khoảng 15 doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh.

Thời gian qua, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh tổ chức các buổi tọa đàm CEO’S Forum với chuyên đề “Đối thoại trực tiếp với ngành ngân hàng” để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng, bảo đảm hoạt động sản xuất.

Bên cạnh đó, thực hiện các chương trình, gói tín dụng với lãi suất hợp lý cho DNNVV; mở rộng đầu tư tín dụng cho các dự án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là vốn cho 5 lĩnh vực ưu tiên: nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu; doanh nghiệp nhỏ và vừa; ngành công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Đến cuối năm 2020, dư nợ cho vay trên địa bàn đạt 68.341 tỷ đồng, tăng 16,3% so đầu năm và tăng 38,4% so với cuối năm 2018. Trong đó: dư nợ cho vay doanh nghiệp đạt 19.300 tỷ đồng với 1.066 doanh nghiệp, tăng 28,8% so với năm 2018; dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 8.441 tỷ đồng, tăng 1,6%; dư nợ cho vay xuất khẩu đạt 2.687,6 tỷ đồng, tăng 7,8%; dư nợ cho vay hỗ trợ DNNVV đạt 6.501 tỷ đồng, tăng 24,5%; dư nợ cho vay ứng dụng công nghệ cao đạt 3,4 tỷ đồng, tăng 70%.

Trong năm 2020, hệ thống ngân hàng trên địa bàn đã thực hiện có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh giúp người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vượt qua khó khăn.

Đến 31.12.2020, ngành ngân hàng trên địa bàn đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 11 khách hàng doanh nghiệp với tổng dư nợ 342,44 tỷ đồng; miễn giảm lãi vay và giữ nguyên nhóm nợ cho 66 doanh nghiệp với tổng dư nợ 2.215 tỷ đồng; cho vay với lãi suất thấp hơn lãi suất thông thường.

Công tác xử lý hoàn thuế được thực hiện kịp thời theo đúng quy định của Luật quản lý thuế, đúng quy trình, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp quay vòng vốn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Đến nay, hệ thống khai báo thuế điện tử đã được triển khai tại 100% Chi cục thuế khu vực trực thuộc Cục Thuế tỉnh.

Đã có 96,01% doanh nghiệp đang hoạt động hoàn thành đăng ký nộp thuế điện tử trên tổng số doanh nghiệp đang hoạt động; 92,05% chứng từ nộp thuế điện tử trên tổng số chứng từ nộp thuế và 97,03% số tiền nộp thuế điện tử trên tổng số tiền nộp thuế. Công khai cơ sở dữ liệu về hoàn thuế, bảo đảm 100% hồ sơ hoàn thuế được kiểm tra và 100% hồ sơ khiếu nại của người nộp thuế được giải quyết đúng thời gian quy định của pháp luật.

Về mặt công nghệ, tỉnh triển khai dự án Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp giai đoạn 2018 - 2020, theo đó, phê duyệt hỗ trợ 12 lượt tổ chức, doanh nghiệp với 16 lượt nội dung hỗ trợ gồm 9 hệ thống quản lý tiên tiến, 5 công cụ cải tiến năng suất chất lượng và 2 sản phẩm chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy với tổng kinh phí hỗ trợ là 840 triệu đồng.

Ngoài ra, hướng dẫn 39 tổ chức, cá nhân đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (bao gồm 25 tổ chức, cá nhân đăng ký bảo hộ nhãn hiệu; 4 tổ chức, cá nhân đăng ký bảo hộ giải pháp hữu ích); cấp 39 giấy xác nhận tham gia chương trình phát triển tài sản trí tuệ; hỗ trợ 1 doanh nghiệp về đổi mới công nghệ với kinh phí 365 triệu đồng; cấp 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Bà Đen” cho sản phẩm trái mãng cầu.

Giai đoạn 2018 - 2020, chương trình khuyến công Quốc gia hỗ trợ thực hiện 6 đề án với tổng kinh phí trên 2.863 triệu đồng; chương trình khuyến công địa phương hỗ trợ thực hiện 21 đề án với tổng kinh phí khoảng 2.863 triệu đồng. Nội dung các đề án tập trung chủ yếu vào hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao công nghệ và tiến bộ khoa học kỹ thuật, hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia hội chợ triển lãm trong nước.

Hiện nay, tỉnh chưa thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV, do Tây Ninh là địa phương chưa tự cân đối ngân sách, còn nhận trợ cấp từ ngân sách Trung ương nên chưa cân đối ngân sách để bảo đảm vốn điều lệ tối thiểu 100 tỷ đồng khi thành lập Quỹ theo quy định.

Ngoài ra, nguồn vốn địa phương để hỗ trợ DNNVV còn hạn chế, thường lồng ghép vào các chương trình hỗ trợ chung của tỉnh. Do đó, tỉnh đã kiến nghị Chính phủ sửa đổi khoản 1, Điều 5 Nghị định số 34/2018/NĐ-CP về quy định vốn điều lệ tối thiểu khi thành lập quỹ như sau: “Vốn điều lệ thực có tối thiểu tại thời điểm thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng là 20 tỷ đồng do ngân sách cấp tỉnh cấp”, nhằm phù hợp với tình hình thực tế của các địa phương trong cân đối ngân sách khi thành lập quỹ, đồng thời, trong quá trình thực hiện căn cứ vào nhu cầu vốn của quỹ trong từng năm, bổ sung vốn để bảo đảm thực hiện.

Ông Ngô Trần Ngọc Quốc- Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ cho biết, tỉnh đã có những bước đột phá như có cổng thông tin điện tử, Cổng dịch vụ công trực tuyến, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ 4.0 trong công tác quản lý nhà nước…

Một doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo trên địa bàn thị xã Hoà Thành.

Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, điều này mang lại nhiều tiện ích khi giúp ít tốn thời gian về thủ tục hành chính pháp lý và tạo sự công bằng, minh bạch, thông thoáng. Ông Quốc nhận định, hiện nay, doanh nghiệp đang gặp khó khăn do tình hình dịch Covid-19, Nhà nước đã có nhiều cố gắng, hỗ trợ doanh nghiệp dựa trên nền tảng chính sách phát triển chung mà trong đó Tây Ninh là một trong những tỉnh đang trên đà phát triển với hai thế mạnh là nông nghiệp và du lịch. Trong thời gian qua, du lịch đã có những bước phát triển rất tốt, kêu gọi, thu hút đầu tư với những tập đoàn lớn, góp phần tạo tiền đề, cú hích cho doanh nghiệp địa phương, doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển dịch vụ. 

Trong giai đoạn dịch Covid-19, nước ta thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch, vừa tập trung phục hồi và phát triển KT - XH. Theo ông Quốc, kinh tế muốn phát triển thì doanh nghiệp phải sống, doanh nghiệp muốn sống được thì phải có chính sách hỗ trợ, do đó, chính sách phải đi vào thực tế, doanh nghiệp cọ xát được và địa phương cùng đồng hành với doanh nghiệp, tạo động lực để doanh nghiệp phát triển đi lên. 

“Doanh nghiệp cũng cần có hành động thực tế, tự liên kết với nhau, thay đổi tư duy, áp dụng công nghệ 4.0… để tồn tại. Bản thân doanh nghiệp phải rút ra những bài học sau trận đại dịch này để thay đổi phương thức bán hàng, thay đổi tư duy của người lãnh đạo… Điều đó đòi hỏi độ nhạy bén của từng doanh nghiệp, thay đổi để phù hợp với tình hình thực tế, với xu hướng mới”, ông Quốc chia sẻ.

Qua đánh giá chung của tỉnh, trong công tác hỗ trợ khoa học công nghệ, số lượng cơ sở, doanh nghiệp tham gia còn thấp, chưa đạt kỳ vọng đề ra. Nguyên nhân do các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đa phần là DNNVV, khả năng tài chính và quản lý còn hạn chế, một số doanh nghiệp chỉ chú trọng đến việc sản xuất kinh doanh, chưa quan tâm, nhận thức hết tầm quan trọng của việc đổi mới công nghệ trong sản xuất; doanh nghiệp còn khó đáp ứng tiêu chí, điều kiện khi tham gia một số chương trình hỗ trợ. Mặt khác, chưa đánh giá được hiệu quả mang lại cho doanh nghiệp từ việc áp dụng các nội dung hỗ trợ của dự án do không có cơ chế quy định thực hiện hậu kiểm các doanh nghiệp sau khi đã được cấp kinh phí hỗ trợ, hoặc hình thức xử lý nếu doanh nghiệp không tiếp tục duy trì việc áp dụng các nội dung đã hỗ trợ.

TRÚC LY

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục