Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tạo động lực để du khách muốn đến và trở lại Tây Ninh
Thứ bảy: 18:19 ngày 02/12/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Du lịch tiếp tục là điểm sáng trong tăng trưởng kinh tế khi có bước phát triển khá ấn tượng, tăng cả về lượng khách tham quan và doanh thu.

Du khách ngoài tỉnh thích thú chụp ảnh “check in” tại Toà thánh Cao Đài Tây Ninh.

Năm 2023, kinh tế tỉnh Tây Ninh tăng trưởng ước đạt 5,5% so với kế hoạch, cao hơn mức tăng trưởng bình quân chung của cả nước. Đặc biệt, du lịch tiếp tục là điểm sáng trong tăng trưởng kinh tế khi có bước phát triển khá ấn tượng, tăng cả về lượng khách tham quan và doanh thu.

Theo thống kê của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, tổng doanh thu du lịch cả năm ước đạt 2.000 tỷ đồng (kế hoạch 1.800 tỷ đồng), vượt 11,1%, tăng 36,5% so cùng kỳ; với hơn 5,1 triệu lượt khách tham quan tại các khu, điểm du lịch, đạt 102% so kế hoạch, tăng 13,2% so cùng kỳ. Lượng khách tham quan tăng thúc đẩy tăng trưởng các ngành như dịch vụ lưu trú, ăn uống và dịch vụ khác.

Trong năm 2023, tỉnh Tây Ninh có những định hướng phát triển ngành “công nghiệp không khói”. Từ tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến với trọng tâm là Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen, lan toả đến các điểm du lịch lân cận đến việc nâng cao chất lượng các điểm tham quan, cơ sở lưu trú.

Ngoài ra, Tây Ninh đăng cai nhiều sự kiện thể thao cấp quốc gia, khu vực, góp phần tạo sân chơi và thúc đẩy phong trào thể dục thể thao của tỉnh, thu hút lượng lớn khách du lịch đến Tây Ninh. Điều này tạo nên những hiệu ứng tích cực. Đồng thời, với sự kiện Ngày Tây Ninh tại Hà Nội năm 2023 đã góp phần đưa những tiềm năng, lợi thế đầu tư, phát triển thương mại dịch vụ, sản phẩm du lịch của Tây Ninh lan toả, tạo sức hút mạnh mẽ.

Ngoài ra, Tây Ninh đang triển khai kế hoạch thực hiện chương trình hợp tác liên kết phát triển du lịch với các tỉnh vùng Đông Nam bộ; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền xúc tiến du lịch trong nước và ngoài nước. Từ đó, góp phần tạo dấu ấn và cơ hội liên kết hợp tác giữa các doanh nghiệp, nhằm thu hút đầu tư nhiều hơn nữa cho Tây Ninh.

Tây Ninh có điểm nhấn ấn tượng là loại hình du lịch tâm linh ở núi Bà Đen.

Trong những tháng tới, các địa điểm du lịch tỉnh Tây Ninh bắt đầu có sự chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng đón tiếp một lượng khách rất lớn đến Tây Ninh trong mùa lễ hội, nhất là Khu du lịch núi Bà Đen.

Theo bà Đào Thị Việt- Phó Giám đốc Khu du lịch SunWorld Bà Đen Tây Ninh (SunWorld BaDen Mountain), từ nay đến cuối năm, đỉnh núi Bà Đen sẽ tiếp tục được đầu tư về cảnh quan để trở thành một thiên đường về hoa. Nhiều đại cảnh, tiểu cảnh sẽ được chăm chút, đầu tư để du khách cảm nhận không gian an yên, thư thái khi đến chiêm ngưỡng các công trình Phật giáo độc đáo ở độ cao 986m.

Tận dụng thế mạnh của tỉnh thuần nông, Tây Ninh đang triển khai Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2023-2025. Qua đó, hướng đến đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế nông nghiệp, làng nghề, văn hoá và môi trường sinh thái của các địa phương, nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững.

Theo kế hoạch của UBND tỉnh Tây Ninh, mục tiêu đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh có ít nhất một điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hoá, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương; 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn được công nhận, số hoá và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số; 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá; 50% điểm du lịch nông thôn ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch.

Ngoài ra, phấn đấu mỗi huyện nông thôn mới có tiềm năng du lịch xây dựng ít nhất một mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc thù trên địa bàn huyện; xây dựng cơ sở dữ liệu và bản đồ số các điểm du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh; ít nhất 70% chủ cơ sở du lịch nông thôn được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch; 80% lao động du lịch nông thôn được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch, trong đó ít nhất 50% là lao động nữ.

Tuy nhiên, để du lịch phát triển bền vững trong tương lai, những người trực tiếp làm công tác về du lịch cần liên tục đổi mới từ tư duy cho đến hành động thực tiễn để mang đến những sản phẩm du lịch mới mẻ nhất, đáp ứng được nhu cầu cao nhất của du khách đến Tây Ninh và giúp họ có động lực để trở lại.

Tường Linh

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục