Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Luật Thanh niên (sửa đổi):
Tạo hành lang pháp lý để thanh niên phát huy sức trẻ
Chủ nhật: 23:10 ngày 24/05/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho thanh niên thực hiện sứ mệnh của mình, Dự thảo đưa ra những quy định về chính sách, trách nhiệm của Nhà nước, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, nhà trường, gia đình đối với thanh niên.

Khởi động Tháng Thanh niên 2020 tại Tân Châu.

Thời gian qua, Luật Thanh niên 2005 được thực thi đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng, tác động tích cực đến công tác Đoàn và phong trào thanh niên. Việc ban hành Luật Thanh niên đã tạo hành lang pháp lý cho việc xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật đối với  thanh niên, nhằm phát huy vai trò xung kích, tình nguyện, sức sáng tạo và tiềm năng to lớn của tuổi trẻ, góp phần vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện Luật Thanh niên vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, việc sửa đổi lần này là điều rất cần thiết, nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật đối với thanh niên phù hợp với tình hình mới.

Dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) xác định thanh niên là lực lượng xã hội hùng hậu, có tiềm năng to lớn, xung kích, đi đầu trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; thanh niên có các quyền và nghĩa vụ của công dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Theo đó, Dự thảo gồm có 6 chương, 44 điều, rút gọn gần 1/3 tổng số điều so với dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8. Dự thảo được xây dựng theo hướng luật khung, quy định nguyên tắc chung nhất về những vấn đề liên quan tới quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của thanh niên.

Bên cạnh đó, để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho thanh niên thực hiện sứ mệnh của mình, Dự thảo đưa ra những quy định về chính sách, trách nhiệm của Nhà nước, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, nhà trường, gia đình đối với thanh niên.

Với cách tiếp cận này, Dự thảo đã thể chế hoá trách nhiệm của thanh niên thành các quy định pháp luật. Đây là những trách nhiệm pháp lý của mỗi cá nhân thanh niên, giúp thanh niên chủ động, sẵn sàng xung kích, đi đầu trên mọi lĩnh vực trong cuộc sống.

Dự thảo dành cả Chương II quy định cụ thể trách nhiệm của thanh niên đối với Tổ quốc, Nhà nước, gia đình, xã hội và đối với bản thân. Đây là các trách nhiệm đặc thù của thanh niên.

Bằng cách thiết kế này, Dự thảo vừa thể chế hoá được nội dung, tinh thần của Hiến pháp năm 2013, vừa giúp từng cá nhân thanh niên thấy được vai trò đặc biệt quan trọng của mình, từ đó tạo động lực tự thân để phát triển, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng với sứ mệnh thiêng liêng của lực lượng thanh niên trong thời đại mới.

Dự thảo đã được bổ sung quy định nguồn lực để xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên; bổ sung quy định về các nguồn quỹ ủng hộ, tài trợ cho việc thực hiện chính sách.

Trong dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi), Tháng Thanh niên được đưa vào nhằm phát huy vai trò của thanh niên, đồng thời, thể hiện trách nhiệm của Nhà nước, cộng đồng xã hội đối với thanh niên. Theo đó, Tháng Thanh niên do Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện.

Dự thảo dành một chương gồm 14 điều với nội dung quy định về các định hướng chính sách cũng như trách nhiệm của Nhà nước đối với thanh niên trong các lĩnh vực như: học tập và nghiên cứu khoa học; lao động và việc làm; khởi nghiệp; bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ; văn hoá, thể dục, thể thao, bảo vệ Tổ quốc.

Những quy định này thể hiện cam kết pháp lý của Nhà nước trong việc triển khai xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách đối với thanh niên, tạo điều kiện cho thanh niên thực hiện quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình.

Trên cơ sở kế thừa quy định của Luật Thanh niên 2005, căn cứ vào yêu cầu của tình hình mới và để phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững, chính sách dành cho các nhóm thanh niên đặc thù trong Dự thảo được xây dựng bao gồm các chính sách dành cho thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; thanh niên dân tộc thiểu số; thanh niên xung phong; thanh niên tình nguyện; thanh niên có tài năng; thanh niên làm việc tại khu công nghiệp; thanh niên khuyết tật; thanh niên nhiễm HIV, thanh niên sau cai nghiện ma tuý, chấp hành xong án phạt tù, chấp hành xong biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng.

Các nhóm chính sách này được thiết kế theo hướng nhấn mạnh chính sách phát hiện, trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng nhóm thanh niên tinh hoa; khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện về tài chính, cơ sở vật chất, bảo đảm chế độ, chính sách cho nhóm thanh niên xung kích; đồng thời, không bỏ nhóm thanh niên yếu thế, dễ bị tổn thương ở lại phía sau.

Việc quy định chính sách của Nhà nước đối với thanh niên như Dự thảo giúp thanh niên nhận thức và tin tưởng Nhà nước luôn cam kết hỗ trợ, tạo điều kiện cho thanh niên thực hiện vai trò, sứ mệnh của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ đó, họ tiếp cận với tâm thế đảm nhận trọng trách chứ không phải là gánh nặng. Mặt khác, các nhóm thanh niên đặc thù nhận thức được sự quan tâm của Nhà nước đối với họ.

Bên cạnh đó, để các tổ chức thanh niên hoạt động hiệu quả, dự thảo Luật dành 1 điều quy định các chính sách của Nhà nước hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức thanh niên trong việc huy động, đoàn kết, tập hợp thanh niên và thực hiện các nhiệm vụ được Nhà nước giao và theo quy định của Điều lệ.

Tại Tây Ninh, lực lượng đoàn viên, thanh niên đã có nhiều góp ý cho Luật Thanh niên (sửa đổi), đa phần đều thống nhất với vai trò, quyền và nghĩa vụ của thanh niên; đồng thời, đề nghị cần có chế tài để bảo đảm thực hiện đúng luật.

Một số ý kiến đóng góp xoay quanh việc đề xuất tăng độ tuổi thanh niên từ 16 đến 35 tuổi và cần quy định rõ nội dung về chính sách đãi ngộ, ưu tiên cho thanh niên khi làm tình nguyện; bổ sung vào dự thảo Luật các điều khoản liên quan đến thanh niên tôn giáo, các nội dung hỗ trợ, chăm lo cho đối tượng thanh niên công nhân, thanh niên đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự, chính sách đối với thanh niên ở biên giới, hải đảo...

Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV, Luật Thanh niên (sửa đổi) là một trong những dự án Luật được các đại biểu xem xét, thông qua. Luật Thanh niên (sửa đổi) được kỳ vọng không chỉ góp phần giải quyết nguyện vọng, yêu cầu của thanh niên mà còn tiếp sức khơi dậy trong thanh niên tinh thần không ngừng nỗ lực rèn luyện và cống hiến.

Hoà Khang

Tin cùng chuyên mục