Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tạo lập nhãn hiệu chứng nhận “Bò Tây Ninh”, nâng cao giá trị, vị thế sản phẩm
Thứ sáu: 06:00 ngày 26/05/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Chất lượng thịt bò Tây Ninh luôn được thị trường đánh giá cao, thịt mềm, màu đỏ tươi, lâu biến màu... Nhiều hàng quán sử dụng thịt bò Tây Ninh và đã nổi tiếng trên toàn quốc như Năm Sánh, Sáu Tâm, Tèo Phan…

Các món ăn từ bò Tây Ninh được chế biến tại nhà hàng Năm Sánh.

Chăn nuôi bò thương phẩm: Nhiều lợi thế phát triển

Tổng đàn bò toàn tỉnh có khoảng 97.000 con, được nuôi nhiều ở thị xã Trảng Bàng (trên 28.300 con), huyện Châu Thành (11.700 con), huyện Dương Minh Châu (9.400 con) và thị xã Hoà Thành (trên 2.700 con).

Riêng bò sữa chỉ nuôi chủ yếu ở thị xã Trảng Bàng (4.800 con) và huyện Bến Cầu (Trang trại Vinamilk 8.000 con). Sản lượng thịt bò khoảng 7.500 tấn/năm, tiêu thụ trong tỉnh chiếm 40% và tiêu thụ ngoài tỉnh chiếm 60%, chủ yếu tại TP. Hồ Chí Minh.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, chăn nuôi bò thương phẩm Tây Ninh có nhiều lợi thế để phát triển: tỉnh có quỹ đất nông nghiệp lớn, nguồn nước dồi dào, phù hợp để phát triển chăn nuôi tập trung, công nghiệp; nông dân có tập quán chăn nuôi bò lâu đời.

Bên cạnh đó, đàn bò cái nền có tỷ lệ máu Zebu cao nên tầm vóc lớn, thuận lợi để lai cải tiến giống tạo con lai hướng thịt năng suất cao. Chất lượng thịt bò, nhất là thịt bò tơ rất thơm ngon, được thị trường ưa chuộng, sức tiêu thụ khá lớn.

Bò thịt cũng là một trong những vật nuôi chủ lực trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh, được đưa vào chương trình xoá đói giảm nghèo, phát triển nông thôn mới nhằm cải thiện, nâng cao thu nhập của người dân của địa phương nên chính quyền luôn quan tâm, có nhiều chủ trương, định hướng phát triển ngành chăn nuôi bò thịt.

Phương thức chăn nuôi hiện nay bên cạnh việc sử dụng phụ phẩm cây trồng như rơm, cây đậu phộng, cây bắp… làm thức ăn thì chăn thả để tận dụng nguồn cỏ tự nhiên là chủ yếu. Lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y đánh giá, phương thức chăn nuôi thủ công truyền thống, tận dụng, ít đầu tư của hộ gia đình đối với bò có nhiều nhược điểm, năng suất thấp, lợi nhuận thấp đang dần được thay thế bởi phương thức chăn nuôi bán công nghiệp và chăn nuôi công nghiệp có nhiều thuận lợi, phù hợp với xu thế mới.

Trong thời gian qua, phong trào nuôi bò thịt phát triển mạnh, đặc biệt là việc phát triển gieo tinh nhân tạo một số giống bò hướng thịt như Charolais, Angus, Droughtmaster, BBB và Brahman với bò cái nền lai Zebu để lai tạo bò F1 hướng thịt (1/2 máu bò ngoại chuyên thịt).

Tuy nhiên, phát triển chăn nuôi bò thịt vẫn còn một số tồn tại, khó khăn như: việc lai tạo bò thịt theo hướng chuyên thịt chưa nhiều; còn hạn chế do quá trình lai cải tiến giống phải thực hiện từng bước; giá thành sản xuất cao, do thiếu nguồn thức ăn tự nhiên, diện tích đồng cỏ ngày càng thu hẹp bởi quá trình đô thị hoá và phụ, phế phẩm công nghiệp, nông nghiệp chưa được nông hộ chú trọng chế biến làm thức ăn cho bò; việc tăng đàn cơ học còn chậm do thiếu các chính sách thu hút đầu tư trang trại chăn nuôi bò thịt tập trung; dịch bệnh vẫn còn xảy ra, việc chăn thả trâu bò qua lại biên giới còn tồn tại nên dịch bệnh luôn là mối đe doạ cho việc phát triển chăn nuôi bò thịt trong tỉnh; ngoài ra, đang có sự cạnh tranh mạnh mẽ với các loại thịt bò đông lạnh nhập khẩu.

Toàn tỉnh hiện có 17 cơ sở giết mổ trâu, bò với công suất 135 con/ngày. Nhu cầu giết mổ bò trong tỉnh với sản lượng khoảng 12.300 tấn/năm, bao gồm: 7.400 tấn xuất ra thị trường ngoài tỉnh và 4.900 tấn cung cấp cho người tiêu dùng trong tỉnh.

Trên địa bàn tỉnh cũng đã hình thành 3 mô hình chuỗi giá trị: chuỗi thịt bò tươi cung cấp cho thị trường ngoài tỉnh (chủ yếu TP. Hồ Chí Minh); chuỗi chăn nuôi, giết mổ, pha lóc, chế biến sản phẩm thịt bò của Công ty TNHH Pacow International theo công nghệ thịt mát; chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ giữa các nông hộ chăn nuôi bò thịt theo chuỗi liên kết ngang và chỉ liên kết trong khâu chăn nuôi và bán con giống; chưa gắn kết với các khâu chế biến, giết mổ và tiêu thụ sản phẩm.

Bê lai chuyên thịt của một hộ nông dân ở phường An Tịnh, thị xã Trảng Bàng.

Tạo lập nhãn hiệu chứng nhận “Bò Tây Ninh”

Để nâng cao chất lượng giống bò thịt tại Tây Ninh, thời gian qua, ngành Nông nghiệp đã triển khai một số đề tài, dự án khoa học công nghệ về chăn nuôi bò thịt; dự án lai, cải tạo, nâng cao chất lượng đàn bò cái nền của tỉnh... và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Đáng chú ý, hiện nay, tỉnh đang thực hiện đề tài “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm và dịch vụ từ con bò được nuôi, thả trên địa bàn tỉnh Tây Ninh”, có nhiều ý nghĩa quan trọng trong việc tạo lập nhãn hiệu chứng nhận “Bò Tây Ninh”.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu chứng nhận (NHCN) là nhãn hiệu mà chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng trên hàng hoá, dịch vụ của tổ chức, cá nhân đó để chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hoá, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ chính xác, độ an toàn hoặc các đặc tính khác của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu.

Chính vì vậy, khi được tạo lập thành công, NHCN “Bò Tây Ninh” sẽ giúp thống nhất quản lý việc sử dụng, quảng bá thương hiệu cho sản phẩm và dịch vụ từ con bò được nuôi thả trên địa bàn của tỉnh. Mặt khác, tạo điều kiện để các cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ bò có nguồn gốc từ tỉnh Tây Ninh có uy tín, đáp ứng các điều kiện do chủ sở hữu NHCN - Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh được sử dụng hợp pháp nhãn hiệu “Bò Tây Ninh” đã được bảo hộ.

NHCN được tạo lập sẽ là công cụ pháp lý hữu hiệu để ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm quyền sở hữu trí tuệ đối với NHCN, cụ thể như các hành vi: Sử dụng dấu hiệu chữ “Bò Tây Ninh” hoặc logo NHCN “Bò Tây Ninh” cho các sản phẩm bò không có nguồn gốc từ tỉnh Tây Ninh hoặc sản phẩm thịt bò không bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm; sử dụng NHCN khi chưa được Chi cục Chăn nuôi và Thú ý tỉnh Tây Ninh cho phép; sử dụng NHCN làm nhãn hiệu riêng…

Ngoài ra, còn giúp bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong việc lựa chọn, sử dụng sản phẩm thịt bò đúng nguồn gốc từ Tây Ninh, bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm; kiểm soát và nâng cao giá trị của sản phẩm thịt bò Tây Ninh, qua đó, nâng cao thu nhập cho nông dân và lợi ích kinh tế của các chủ thể sản xuất, kinh doanh sản phẩm; góp phần quảng bá uy tín, hình ảnh, danh tiếng của địa phương.

Đề tài được phê duyệt thực hiện trong thời gian 24 tháng (từ tháng 12.2020 đến tháng 11.2022), gia hạn thực hiện đến tháng 11.2023, do Trung tâm Nghiên cứu công nghệ và Sở hữu trí tuệ CIPTEK chủ trì thực hiện.

Về tiến độ, hiện NHCN “Bò Tây Ninh” đang chờ Cục SHTT ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ để triển khai các công việc cuối cùng của đề tài bao gồm tập huấn công tác quản lý và sử dụng NHCN, thí điểm cấp quyền sử dụng NHCN, tổ chức hội nghị công bố kết quả tạo lập và đề xuất phương án phát triển NHCN trong thời gian sắp tới.

Theo Kế hoạch số 3625/KH-UBND của UBND tỉnh ngày 18.10.2021 về thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 và Kế hoạch số 2826/KH-UBND ngày 26.8.2022 về phát triển chuỗi giá trị chăn nuôi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025, tỉnh định hướng phát triển đàn bò theo hướng hiệu quả, an toàn dịch bệnh và an toàn vệ sinh thực phẩm; tạo điều kiện ổn định và phát triển các cơ sở chăn nuôi theo hình thức trang trại, công nghiệp tập trung.

Năm 2025, đàn bò thịt ổn định ở quy mô 105.500 con, trong đó khoảng 15% được nuôi trang trại. Năm 2030, đàn bò thịt ổn định ở quy mô 121.200 con, trong đó khoảng 30% được nuôi trang trại. Quy hoạch vùng trọng tâm phát triển bò thịt tại các huyện có lợi thế về đất đai, mật độ chăn nuôi thấp như: Bến Cầu, Tân Châu, Châu Thành… Tăng cường thu hút đầu tư trong chăn nuôi bò thịt vỗ béo, giết mổ và chế biến tiêu thụ sản phẩm.

Thời gian tới, để nâng cao giá trị, vị thế sản phẩm “Bò Tây Ninh” trên thị trường, tỉnh sẽ tăng cường đầu tư khoa học công nghệ và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, đưa các giống mới, công nghệ canh tác, bảo quản, chế biến vào sản xuất.

Tiếp tục thực hiện chương trình cải tiến nâng cao tầm vóc đàn bò, nâng cao tỷ lệ thịt xẻ trên cơ sở phát triển nhanh mạng lưới gieo tinh nhân tạo và sử dụng bò đực giống tốt đã qua chọn lọc cho nhân giống ở những nơi chưa có điều kiện triển khai biện pháp thụ tinh nhân tạo.

Thực hiện có hiệu quả chính sách trong lĩnh vực chăn nuôi bò thịt nhằm tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học hoặc cơ sở giết mổ, bảo quản chế biến gia súc, gia cầm tập trung, phát triển chăn nuôi công nghệ hiện đại, toàn diện.

Mặt khác, nâng cao năng lực vận chuyển, giết mổ tập trung theo hướng hiện đại, bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và đối xử nhân đạo với vật nuôi; phát triển thêm công nghiệp chế biến, đa dạng hoá sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, do mật độ chăn nuôi của tỉnh sắp đạt ngưỡng theo quy định (1,5 đơn vị vật nuôi/ha) nên trong thời gian tới, để có thể phát triển đàn bò với sản phẩm thịt bò chất lượng cao nói riêng cũng như tiếp tục phát triển ngành chăn nuôi nói chung, Chi cục sẽ tham mưu, đề xuất Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND tỉnh kiến nghị Bộ NN&PTNT và Chính phủ tăng mật độ chăn nuôi của toàn tỉnh.

Trúc Ly

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục