Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tạo sân chơi tiếng Anh cho học sinh 

Cập nhật ngày: 13/04/2018 - 06:30

BTN - Năm học 2017-2018, Phòng Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) huyện Hoà Thành triển khai mô hình CLB tiếng Anh trong trường học. Mô hình đã phát huy được những hiệu quả tích cực trong việc nâng cao trình độ tiếng Anh, rèn luyện kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sống cho học sinh.

Các em học sinh Trường THCS Mạc Ðĩnh Chi hào hứng tham gia một trò chơi trong buổi sinh hoạt CLB tiếng Anh.

Trên địa bàn huyện hiện có 9 CLB tiếng Anh dành cho học sinh ở khối tiểu học, THCS và một CLB cấp huyện. Theo đó, huyện từng bước sẽ thực hiện mục tiêu mỗi trường trên địa bàn huyện đều có 1 CLB tiếng Anh, nhằm tạo sân chơi kiến thức bổ ích cho học sinh. Trong những buổi sinh hoạt của các CLB này, các giáo viên của tổ chức Teach For Vietnam đang cộng tác giảng dạy tại một số trường trên địa bàn huyện sẽ tham gia hỗ trợ chuyên môn.

Các em học sinh yêu thích tiếng Anh đều có thể tham gia hoạt động của CLB. Mỗi tháng, Ban chủ nhiệm CLB duy trì một buổi sinh hoạt định kỳ. Ðể hoạt động trở nên cuốn hút, hấp dẫn, chủ đề của những buổi sinh hoạt CLB luôn được thay đổi theo những sự kiện nổi bật hay những đề tài quen thuộc gắn với cuộc sống hằng ngày.

Bên cạnh đó, trong buổi sinh hoạt, các em học sinh còn tham gia những hoạt động như: đố vui, ca hát, trò chơi tập thể, diễn kịch, hùng biện, làm thơ… Các thành viên hoàn toàn sử dụng tiếng Anh để giao tiếp khi sinh hoạt.

Em Phạm Huỳnh Quốc Thịnh- học sinh lớp 9B, Trường THCS Mạc Ðĩnh Chi cho biết, thông qua những buổi sinh hoạt của CLB, em đã được rèn luyện thêm nhiều kỹ năng nghe, nói tiếng Anh, và nhất là trải nghiệm việc học tiếng Anh một cách thú vị bằng những phương pháp mới mẻ.

Thịnh cho rằng, việc học tiếng Anh từ những buổi sinh hoạt CLB như thế này giúp em dễ tiếp thu kiến thức và cảm thấy đỡ nhàm chán so với các buổi học chính thức trên lớp. Thịnh nói: “Em thích nhất là nghe các bạn hát và thi nhau phần làm thơ bằng tiếng Anh. Em rất mong CLB duy trì, tổ chức thường xuyên các buổi sinh hoạt để chúng em có thêm những kiến thức mới và được trải nghiệm nhiều hơn với môn học mà mình yêu thích”.

Với hình thức sinh hoạt phong phú, thành viên tham gia CLB không những được rèn luyện khả năng nghe, nói, mở rộng vốn từ vựng mà còn được rèn luyện cả kỹ năng diễn đạt, trình bày trước đám đông. Có thể nói, CLB tiếng Anh đã trở thành sân chơi bổ ích, lành mạnh cho học sinh, nơi để các em trao đổi học hỏi kinh nghiệm, chia sẻ niềm yêu thích bộ môn tiếng Anh.

Ông Nguyễn Văn Khanh- Trưởng phòng GD&ÐT huyện Hoà Thành cho biết, việc thành lập CLB tiếng Anh trong trường học bước đầu đã đem lại những hiệu quả thiết thực, phát huy được phong trào dạy và học tiếng Anh ở các trường.

Các buổi sinh hoạt vui vẻ, sinh động này đã góp phần khơi dậy niềm đam mê học tiếng Anh trong học sinh, vốn kiến thức tiếng Anh của các em từng bước được cải thiện. Thực tế, học sinh đã mạnh dạn hơn trong giao tiếp, sinh hoạt tập thể, các em có sự gần gũi và giao tiếp nhiều hơn với giáo viên. Nhờ đó, việc dạy và học tiếng Anh trong nhà trường cũng đã có những bước chuyển biến, khởi sắc hơn trước.

Tiếng Anh là môn mũi nhọn của Trường THCS Mạc Ðĩnh Chi từ nhiều năm qua. Từ năm 2013, trường là một trong những đơn vị trường học đầu tiên trong tỉnh thành lập CLB này. Do điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực còn hạn chế nên hoạt động của CLB tiếng Anh Trường Mạc Ðĩnh Chi vẫn chưa được tổ chức thường xuyên và đạt hiệu quả như mong muốn.

Nhưng từ khi có chủ trương của huyện trong việc thành lập và đẩy mạnh hoạt động các CLB tiếng Anh trên địa bàn, CLB của trường có thêm nguồn lực để tập trung phát triển.

Cô Ðỗ Thị Diễm Trang- Phó Hiệu trưởng cho biết, đối với giáo viên bộ môn tiếng Anh, việc tham gia CLB góp phần nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ của bản thân trong giảng dạy. Cụ thể, giáo viên được áp dụng nhiều hơn các phương pháp giảng dạy thông qua trò chơi tương tác với bảng điện tử thông minh, trình chiếu Powerpoint...

Ngoài ra, khi tham gia CLB, giáo viên không bị gò bó trong tiết dạy, có thể thể hiện hết năng lực, sức sáng tạo, gần gũi hơn với học sinh; trao đổi, tương tác giữa người dạy và người học từ đó cũng phát huy tốt hơn. Cô Trang chia sẻ: “Ða phần giáo viên hiện nay chỉ sử dụng tiếng Anh với một số câu khẩu lệnh khi đứng lớp.

Nhiều người ít nói, ngại nói nên kỹ năng giao tiếp dần mai một. Việc tham gia CLB là cơ hội để giáo viên nâng cao trình độ, kỹ năng giao tiếp khi đứng ra tổ chức các hoạt động cho các em học sinh. Bên cạnh đó, khi các em học sinh trở nên hào hứng tham gia CLB, dành nhiều tình cảm cho môn học này, phụ huynh cũng sẽ quan tâm hơn, giáo viên từ đó cũng có nhiều thuận lợi trong giảng dạy”.

Thời gian tới, Phòng GD&ÐT huyện Hoà Thành sẽ chỉ đạo các trường nâng cao chất lượng sinh hoạt CLB, đa dạng hoá hình thức sinh hoạt nhằm đem lại hiệu quả cao nhất. Song song đó, Phòng cũng sẽ phối hợp các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương triển khai thực hiện mô hình CLB tiếng Anh ở các xã, mở rộng đối tượng thành viên là người dân, công nhân viên chức.

Qua đó, góp phần nâng cao khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh trong người dân, phục vụ cho nhu cầu đầu tư xúc tiến thương mại, du lịch của huyện nhà trong tương lai.

Hoà Khang