Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nông nghiệp, nông thôn
Chủ nhật: 22:57 ngày 17/02/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tỉnh khẳng định luôn đồng hành và hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu đối với những nông sản có giá trị gia tăng cao.

Một số loại trái cây đang được nhà máy Tanifood thu mua.

Theo nhóm công tác đột phá về nông nghiệp, đến nay, cơ cấu cây trồng trên địa bàn tỉnh có sự chuyển biến rõ nét theo hướng tập trung, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh gắn với thị trường và công nghiệp chế biến. Cụ thể, tỉnh đang thực hiện chủ trương giảm diện tích mì, mía, cao su hiệu quả thấp để chuyển đổi sang trồng các loại rau và cây ăn trái có tiềm năng, có giá trị kinh tế cao như nhãn, mãng cầu, bưởi, sầu riêng, xoài, chuối... với quy mô tập trung.

Năm 2018, tổng diện tích chuyển đổi cây trồng toàn tỉnh là 2.642,6 ha từ các cây cao su, mì, mía sang trồng các loại cây như nhãn (897,7 ha), sầu riêng (760 ha), bưởi (104 ha), mít (125 ha)... nâng tổng diện tích chuyển đổi đến nay là 3.419,6 ha. Toàn tỉnh cũng đã hình thành 44 tổ liên kết sản xuất gắn với chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ.

Để phục vụ nhu cầu đất trồng cây ăn trái tập trung theo xu thế mới, tỉnh đang rà soát quỹ đất công diện tích 479,3 ha xây dựng tiêu chí kêu gọi đầu tư thực hiện dự án phát triển nông nghiệp công nghiệp cao. Đồng thời, tỉnh xây dựng và thực hiện phương án sử dụng đất thuộc các công ty nông nghiệp (Công ty mía đường Tây Ninh, Công ty cao su 1-5, Công ty Thiên Bích) để chuyển đổi cây trồng, đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Thời gian gần đây, tỉnh cũng đã tập trung các giải pháp phát triển nguyên liệu cho nhà máy chế biến rau quả, cây ăn trái Tanifood; thực hiện các bước chuẩn bị ban đầu để Công ty cổ phần Nafoods Group vào đầu tư lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao; xúc tiến kế hoạch hợp tác phát triển nông nghiệp với Tập đoàn FLC; ký kết thoả thuận hợp tác trong xây dựng chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ rau, quả cây ăn trái, thực phẩm (thịt bò, thịt heo, trứng) với Liên hiệp HTX thương mại TP. Hồ Chí Minh (Saigon Coop). Trong lĩnh vực chăn nuôi, Tây Ninh đã thu hút đầu tư 14 dự án chăn nuôi heo, gà và vịt thịt với vốn đầu tư gần 600 tỷ đồng.

 Để đầu tư hạ tầng phục vụ chuyển đổi cây trồng, tỉnh đã triển khai đầu tư 4 dự án nạo vét các kênh tiêu Tà Xia, huyện Tân Biên; Hội Thành, Hội Thạnh, Tân Hưng - Tân Phú, huyện Tân Châu. Từ đó, các tuyến kênh góp phần bảo đảm tiêu nước phục vụ cho việc chuyển đổi cây trồng trên địa bàn 2 huyện Tân Biên, Tân Châu gần 4.000 ha, tạo điều kiện để nông dân từng bước chuyển đổi sang trồng cây ăn trái.

Hiện ngành chức năng đang đề xuất chủ trương đầu tư dự án phát triển hạ tầng thuỷ lợi phục vụ cho việc chuyển đổi cây trồng trên địa bàn xã Bàu Đồn (huyện Gò Dầu) và các xã Lộc Ninh, Phước Ninh, Phước Minh, Truông Mít thuộc huyện Dương Minh Châu.

Trong năm 2018, Tây Ninh đã triển khai thực hiện 7 chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn với tổng kinh phí gần 98 tỷ đồng. Ngoài ra, cơ quan có liên quan đang tham mưu UBND tỉnh rà soát, điều chỉnh, sửa đổi các chính sách hỗ trợ lãi vay phát triển thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp công nghệ cao; chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Đồng thời, ngành chức năng cũng đang xây dựng chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh để thay thế chính sách hỗ trợ xây dựng cánh đồng lớn theo Quyết định số 15/2017/QĐ-UBND cho phù hợp quy định và sát hợp tình hình thực tế địa phương. Hiện tại, một số chính sách hỗ trợ nông nghiệp được triển khai chưa hiệu quả, giải ngân thấp do thay đổi về chủ trương. Mặt khác, mức hỗ trợ thấp, thủ tục phức tạp, khâu tuyên truyền còn hạn chế nên ít doanh nghiệp, nông dân tham gia.

Đáng chú ý là, trong năm 2018, UBND tỉnh đã phối hợp với Tiến sĩ Huỳnh Thế Du (Đại học Fulbright) xây dựng Đề án chuỗi giá trị và cụm ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh nhằm xác định những tồn tại, hạn chế, tiềm năng từng sản phẩm nông nghiệp để có giải pháp thúc đẩy phát triển phù hợp. Đề án này được xem như “kim chỉ nam” cho ngành nông nghiệp tỉnh nhà trong thời gian tới. Đồng thời, để thu hút nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, tỉnh đã tham gia dự án nâng cao năng lực chuỗi giá trị rau quả, cây ăn trái của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do ADB cho vay với kinh phí đề xuất 2.616 tỷ đồng. 

Một vấn đề khác là trong quá trình phát triển nông nghiệp theo xu thế mới đang cần quỹ đất sạch để phục vụ đầu tư, sản xuất. Tuy nhiên, việc xây dựng và thực hiện phương án sử dụng đất của các công ty nông nghiệp khi giao về địa phương quản lý đòi hỏi phải được thực hiện chặt chẽ, đúng quy trình nên mất nhiều thời gian. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đến tìm hiểu đầu tư, cần quỹ đất nông nghiệp đang trông chờ vào cơ chế ưu đãi để tiếp cận quỹ đất công.

Một hạn chế khác trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2018 là mặc dù đã ký kết thoả thuận hợp tác trong xây dựng chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ rau, quả cây ăn trái, thực phẩm (thịt bò, thịt heo, trứng) với Liên hiệp HTX thương mại TP. Hồ Chí Minh (Saigon Coop) nhưng sản phẩm nông nghiệp của địa phương vào hệ thống Co.op mart chưa nhiều, do chưa bảo đảm về số lượng lẫn chất lượng. Việc phát triển vùng nguyên liệu còn chậm do cơ chế chính sách Nhà nước và doanh nghiệp chưa cụ thể, nên chưa thu hút nông dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng. Ngoài ra, do tỉnh mới tiếp cận Đề án chuỗi giá trị và cụm ngành nông nghiệp nên tiến độ thực hiện còn chậm.

Trong khi đó, các dự án chăn nuôi trên địa bàn tỉnh chủ yếu là nuôi gia công, chưa đóng góp nhiều cho ngân sách tỉnh, chỉ giải quyết một phần nhỏ về lao động nhưng lại có xu hướng gây ô nhiễm môi trường nên hiện tỉnh đang rà soát kỹ trước khi cho chủ trương đầu tư.

Để khắc phục những hạn chế trên, năm 2019, tỉnh thực hiện các giải pháp cơ cấu lại nông nghiệp tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nông nghiệp, nông thôn, góp phần nâng cao giá trị gia tăng các nông sản phẩm. Tỉnh khẳng định luôn đồng hành và hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu đối với những nông sản có giá trị gia tăng cao.

Tỉnh thực hiện phương án sắp xếp lại các công ty nông nghiệp, rà soát quỹ đất công, định hướng chuyển đổi mô hình sản xuất gắn theo chuỗi giá trị nông nghiệp; triển khai Đề án chuỗi giá trị, cụm ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh; xây dựng, điều chỉnh các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp phù hợp hơn; đầu tư hạ tầng và chuyển đổi sản xuất một số dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển mô hình hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới...

BẢO TÂM

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục