Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Vì miếng cơm manh áo của gia đình, những người phụ nữ tảo tần, lam lũ ấy sẵn sàng chấp nhận sự vất vả, và lắm khi cả sự hiểm nguy trong lúc bươn chải mưu sinh giữa đêm hôm khuya khoắc, chỉ mong đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân và những người thân yêu của mình.

|
Những người phụ nữ nhọc nhằn lo việc mưu sinh ngoài chợ lúc đêm hôm.
3 giờ sáng, nhiều người vẫn đang chìm trong giấc ngủ sâu sau một ngày dài lao động. Đường sá còn thưa vắng, cả không gian yên ắng tĩnh mịch trong tiết trời se lạnh. Thế nhưng, ở những khu chợ như chợ Tây Ninh, chợ Dương Minh Châu thì hoàn toàn khác. Những tiếng cười nói, tiếng gọi nhau í ới, tiếng xe cộ ì ầm cứ vang lên, như muốn xoá tan đi màn đêm. Lúc này, nhiều bà, nhiều chị cũng kéo nhau ra chợ.
Tại chợ Tây Ninh, nhiều chị em tiểu thương đã sớm có mặt, mỗi người nhanh chóng chọn cho mình những mớ rau, củ, trái cây vừa được các đầu mối đưa đến. Sau đó, các chị bắt tay vào việc phân phối hàng lại cho những người bán lẻ hoặc những người đi chợ khuya.
Khu chợ nhộn nhịp tiếng nói cười nhưng dường như không nghe tiếng mặc cả, bởi nhiều năm buôn bán với nhau, mọi người đều đã thông thạo giá cả và tin tưởng nhau, không cần phải “cò kè bớt một thêm hai”. Những người phụ nữ đến chợ lúc đêm khuya có độ tuổi khác nhau, hoàn cảnh riêng cũng khác nhưng hầu hết đều thuộc diện gia đình khó khăn, quen cảnh làm ăn lam lũ.
Phương tiện của các bà, các chị mua bán chợ khuya thường là chiếc xe ba gác hoặc xe thồ để chở các loại hàng hoá rau củ. Dù trời mưa hay nắng, họ chẳng bao giờ vắng mặt ở chợ, có người kể: cả khi bị bệnh mà thấy mình còn cố được là vẫn phải cố để ra chợ như một thói quen khó bỏ.
4 giờ sáng, khu chợ càng trở nên ồn ào náo nhiệt hơn, người mê mải bán mua, người lo chất những túi rau củ lên xe ba gác để còn kịp đem đến các chợ khác.
Những túi hàng dường như quá nặng so với sức vóc của phụ nữ, vậy mà các chị vẫn cố sức bưng, bê, khiêng, vác từng túi, từng túi một. Rồi những chiếc xe bắt đầu lăn bánh, rời khỏi khu chợ này để đến một khu chợ khác trong khi những chị em bán hàng tại chỗ thì lo dọn dẹp và chuẩn bị mọi thứ cho công việc của một ngày mới ở chợ.
Theo chân chị Nhung (22 tuổi), tôi đến chợ Dương Minh Châu. Đến nơi, chị Nhung nhanh tay khuân vác tất cả những túi rau, củ xuống trên cái sạp nhỏ của mình. Rồi chị lại nhanh chân đưa một mớ rau củ đến giao cho các sạp bán lẻ khác trong chợ. Gần 1 tiếng đồng hồ tất bật chạy qua, chạy lại giao hàng, chị Nhung mới bắt đầu bày dọn hàng tại sạp của mình.
Gạt những giọt mồ hôi lăn trên khuôn mặt, đưa tay đấm nhẹ lên lưng, chị Nhung cho biết: nhà chị ở Châu Thành, hằng ngày chị phải thức dậy từ 2 giờ sáng để chuẩn bị sổ sách hàng họ, hối hả hái một ít rau ở nhà, rồi ra chợ Tây Ninh lấy mối rau củ đem bỏ mối hoặc bán lẻ lại cho các chị em bạn hàng ở chợ Dương Minh Châu.
Hiện tại dù đang mang thai, chị Nhung vẫn cứ ra chợ, chỉ khi nào quá mệt mới dám nghỉ. Bởi không ra chợ thì còn biết làm gì để có tiền trang trải cuộc sống gia đình. Thời gian đầu ra chợ giữa đêm khuya, chị cũng lo sợ điều bất trắc cho mình và từng bị va quẹt trên đường làm cho gãy cả tay nhưng đi riết thành quen, đến nay chị Nhung đã gắn bó với công việc ấy hơn 5 năm trời.
Chồng chị Nhung thương vợ phải thức đêm hôm vất vả lo việc mưu sinh nhưng đành phải chấp nhận vì hoàn cảnh gia đình còn khó khăn. Có vẻ vì công việc cực nhọc, thức đêm nhiều nên nhìn chị Nhung già hơn nhiều so với tuổi. Hiện chị đã mang thai đến tháng thứ 6, chị cho biết sẽ tiếp tục công việc mua bán ngoài chợ cho đến cận ngày sinh mới nghỉ.
Chị Thuý, 46 tuổi, đã có 18 năm bán bún và rau củ tại chợ Dương Minh Châu kể rằng, gia đình chị quen sống dựa vào nghề buôn bán ở chợ. Hồi sinh đứa con đầu chỉ vừa được 3 ngày là chị đã ẵm con ra chợ lo việc buôn bán, vì sợ nếu nghỉ lâu sẽ bị mất mối làm ăn.
Hằng ngày, hai vợ chồng chị ra chợ từ 4 giờ sáng, riêng những ngày chay thì phải đi sớm hơn từ 2 giờ để chọn rau do đầu mối đem về từ chợ khác. Những ngày buôn may bán đắt từ 3, 4 giờ sáng cho đến 6 giờ chiều, vợ chồng chị có thể kiếm lời được 400.000 - 500.000 đồng.
Bù cho việc dậy sớm, mỗi đêm anh chị phải đi ngủ vào khoảng 20 - 21 giờ để giữ sức khoẻ. Vậy mà cũng có ngày quá mệt, cả hai đành phải nghỉ bán, nghỉ rồi lại động viên nhau cố gắng chăm chỉ làm ăn để kiếm tiền lo cho con cái ăn học.
Trong số những “thân cò” lặn lội lúc đêm khuya ngoài chợ, có những chị không làm công việc buôn bán mà chuyên khuân vác, chuyển hàng, như chị Sáu (45 tuổi) ở chợ Dương Minh Châu. Chị Sáu cho biết, đã gần 1 năm nay, hằng ngày cứ khoảng 3 giờ 30 là chị có mặt ngoài chợ để chuyển trái cây, hoa quả cho người em gái bán hàng trong chợ. Làm đến 6 giờ sáng chị Sáu về nhà nghỉ ngơi, xong tranh thủ làm việc nhà rồi đi bán vé số dạo.
Chị Minh (59 tuổi) ngụ tại xã Suối Đá, cũng là người bám chợ để kiếm sống. Mỗi ngày, chị thức từ 4 giờ sáng để làm đậu hũ đem ra chợ bán. Ngày chay, đậu hũ bán được nhiều hơn chị phải thức từ 1, 2 giờ mới làm kịp. Nhà không có ruộng vườn, chị chỉ biết chăm chỉ làm ăn buôn bán, kiếm chừng 150.000 đồng mỗi ngày.
Vì miếng cơm manh áo của gia đình, những người phụ nữ tảo tần, lam lũ ấy sẵn sàng chấp nhận sự vất vả, và lắm khi cả sự hiểm nguy trong lúc bươn chải mưu sinh giữa đêm hôm khuya khoắc, chỉ mong đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân và những người thân yêu của mình.
Vũ Nguyệt