BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tạo việc làm cho phụ nữ lúc nhàn rỗi 

Cập nhật ngày: 03/12/2018 - 15:09

BTN - Gần 2 năm qua, Tổ Phụ nữ gia công bánh tráng của ấp Bàu Vừng do Hội LHPN xã Phước Trạch (huyện Gò Dầu) thành lập ngày càng phát huy hiệu quả, thu hút nhiều phụ nữ trên địa bàn tham gia. Tổ không chỉ tạo việc làm cho các thành viên mà còn giúp cho nhiều phụ nữ trên địa bàn tăng thu nhập trong thời gian nhàn rỗi.


Các thành viên trong tổ gia công bánh tráng.

Chị Nguyễn Thị Lệ, Tổ trưởng Tổ phụ nữ gia công bánh tráng cho biết, trước đây, do điều kiện, hoàn cảnh chị em phải ở nhà, có nhu cầu tìm việc phù hợp để có thu nhập phụ giúp gia đình. Qua tìm hiểu, chị Lệ biết một số cơ sở sản xuất bánh tráng đang cần nhân công gia công bánh tráng vụn, bánh tráng bị lỗi thành bánh tráng trộn đem bán. Chị Lệ đã tham mưu Hội LHPN xã tập hợp những chị em có nhu cầu để gia nhập tổ, chị tự nguyện làm đầu mối nhận và giao hàng. Tổ phụ nữ gia công bánh tráng được ra đời từ đó.

Tổ ban đầu có 9 thành viên, chủ yếu là những phụ nữ lớn tuổi, có con nhỏ, bị bệnh, sức khoẻ yếu không làm việc nặng nhọc được phải ở nhà. Ðịnh kỳ 2 lần/tuần, chị Lệ đến cơ sở sản xuất bánh tráng nhận hàng đem về nhà, khi có thời gian rỗi, các thành viên sẽ tập trung tại nhà chị để làm việc.

Bánh tráng đã được cơ sở cắt thành từng sợi nhỏ, dài. Nhiệm vụ của các thành viên là phân bánh tráng và nguyên liệu như trái tắc, muối ớt, hành phi… để làm bánh tráng trộn, sau đó giao lại cho cơ sở. Mỗi túi ni-lông hoàn thành được cột lại thành từng xâu, mỗi xâu gồm 70 bịch. Hoàn thành mỗi xâu bánh, các chị được 4.000 đồng tiền công. Chiều thứ sáu hằng tuần, chị Lệ sẽ đi giao hàng và lấy tiền công về chi trả cho chị em.

Theo chị Lệ, tuỳ theo hoàn cảnh của mỗi người, các thành viên có thể làm bất cứ khi nào rảnh, có chị bắt đầu lúc 9 giờ sáng, có chị thì làm lúc nghỉ trưa, có chị làm vào buổi chiều, buổi tối. Lúc đầu do không quen tay và chưa có kinh nghiệm, mỗi ngày các thành viên chỉ có thể kiếm được từ 90.000 - 120.000 đồng. Hiện nay, mỗi ngày các chị làm quen tay kiếm được từ 100.000 - 150.000 đồng, để phụ giúp gia đình.

Chị Lệ cho biết thêm, ngoài việc gia công bánh tráng, các thành viên còn được Hội LHPN xã tuyên truyền những quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm trong chế biến, sản xuất thực phẩm; các tiêu chí của cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”. Ngoài ra, khi đến làm, các chị có dịp gặp nhau trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm trong việc chăm sóc gia đình và nuôi dạy con, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Bà Trần Thị Cộng (65 tuổi) cho biết, bà bị bệnh, sức khoẻ yếu nên không thể làm việc nặng được. Thấy các con đi làm vất vả mưu sinh mà còn phải nuôi mình nên bà muốn làm việc gì phù hợp giảm gánh nặng cho các con. Bà rất vui khi tham gia tổ. Hằng ngày, sau khi quét dọn, đi chợ, chuẩn bị cơm nước cho cả nhà, bà tranh thủ đến nhà chị Lệ làm việc.

Công việc không bó buộc thời gian nên những lúc mỏi mệt, cứ nghỉ ngơi. Mỗi ngày, bà Cộng có thể kiếm được cả trăm ngàn đồng tiền công. Chị Phong Thị Tuyền (30 tuổi) cũng rất vui khi tham gia vào tổ. Chị Tuyền có con nhỏ nên chỉ ở nhà trông con. Nhờ có tổ gia công bánh tráng, chị có thể tranh thủ thời gian rảnh rỗi để làm việc, vừa phụ giúp chồng kiếm thêm thu nhập, vừa giúp chị được nâng cao kiến thức, kinh nghiệm nuôi dạy con, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Chị Trịnh Thị Út- Chủ tịch Hội LHPN xã cho biết, công việc này là không cần có nhiều kinh nghiệm, không cần vốn liếng, lại không bị ràng buộc thời gian, chỉ cần chị em chịu khó là có thể làm được. Ngoài những thành viên trong tổ, chị em phụ nữ khác ở địa phương cũng tham gia ngày càng nhiều, nhất là vào buổi trưa, buổi tối. Trong thời gian tới, Hội sẽ liên kết thêm nhiều cơ sở sản xuất bánh tráng để tạo việc làm cho những chị em khác có thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.

T. Tr