Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Ngày 22.11, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tây Ninh tổ chức tập huấn công tác phòng, chống bệnh cúm gia cầm và bệnh dịch tả heo Châu Phi năm 2019 cho cán bộ Phòng Nông nghiệp, Trạm Chăn nuôi và Thú y các huyện, thành phố, các doanh nghiệp và hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, thực hiện xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh cúm gia cầm và Niu-cat-xơn, từ năm 2016-2019, bên cạnh công tác tuyên truyền, hàng năm, đơn vị tổ chức từ 3- 4 đợt tiêu độc khử trùng tại các hộ chăn nuôi gia đình, chợ buôn bán gia cầm sống ở nông thôn, cơ sở giết mổ và nơi công cộng, qua đó đã tổ chức tổng cộng 13 đợt với 21.395 lít thuốc sát trùng.
Quang cảnh buổi tập huấn.
Gia đoạn 2016-2019, đã tổ chức tiêm phòng miễn phí 6.183.500 liều vắc xin cúm gia cầm và 911.000 liều vắc xin Niu-cat-xơn cho gà, vịt, ngan (vịt xiêm) ở hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, có quy mô nuôi dưới 1.000 con và cút có quy mô dưới 5.000 con. Đối với chăn nuôi trang trại, vận động chủ trang trại tự lo kinh phí tiêm phòng cho đàn gia cầm, dưới sự giám sát của cán bộ thú y địa phương.
Hạn chế hiện nay là việc chủ động đăng ký, tham gia xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh chủ yếu tập trung ở các công ty, doanh nghiệp lớn; các trang trại tư nhân chưa thực sự quan tâm đến việc xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh.
Kết quả giám sát cúm gia cầm cho thấy, vi rút cúm gia cầm H5N1 vẫn còn lưu hành trong đàn gia cầm nhỏ lẻ; tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn đan xen với cơ sở tập trung, nguy cơ dịch bệnh cao.
Nhận định tình hình các tháng cuối năm 2019 và đầu năm 2020, tổng đàn gia cầm tăng cao và việc vận chuyện, giết mổ, tiêu thụ thịt gia cầm sẽ tăng mạnh do nhu cầu thực phẩm các tháng trước và sau Tết Nguyên đán.
Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh xảy ra là rất cao, ảnh hưởng đến phát triển chăn nuôi gia cầm, nhất là trong điều kiện thời tiết thay đổi chuyển mùa, làm giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi và tạo điều kiện cho mầm bệnh tồn tại, phát tán rộng.
Kiểm tra gia cầm vận chuyển từ biên giới vào- Ảnh minh họa
Đối với tình hình bệnh dịch tả heo châu Phi, từ ngày 6.7 đến ngày 11.11.2019, bệnh đã xảy ra tại 1.896 hộ thuộc 76/95 xã. Số heo chết và tiêu hủy 31.904 con với tổng trọng lượng tiêu hủy khoảng 1.825.310 kg.
Tại buổi tập huấn, các đại biểu đã được thông tin các nội dung về kế hoạch duy trì vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đối với gà hướng tới xuất khẩu trên địa bàn tỉnh năm 2019; sự lưu hành của chủng vi rút cúm gia cầm; vắc xin phòng bệnh và một số yêu cầu cơ bản về phòng chống bệnh cúm gia cầm, bệnh dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh, thực hiện an toàn sinh học trong chăn nuôi…
Trúc Ly