Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Mới đây, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tây Ninh tổ chức Lớp tập huấn tiêm bổ sung vắc xin uốn ván - bạch hầu giảm liều và hướng dẫn cập nhật phần mềm Hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia.
Trong giai đoạn 2004 – 2010, trên toàn quốc ghi nhận 173 trường hợp mắc bệnh bạch hầu với số mắc trung bình hằng năm khoảng 25 trường hợp. Trong giai đoạn tiếp theo, từ năm 2011-2018 ghi nhận 110 trường hợp với số mắc trung bình hằng năm 14 trường hợp, giảm so với giai đoạn trước đó.
BS.Biện Văn Tư- Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tây Ninh phát biểu khai mạc lớp tập huấn.
Tuy nhiên, kết quả giám sát hàng năm cho thấy, các ổ dịch bạch hầu vẫn liên tục xảy ra ở các địa phương. Trong 5 năm (2014-2018), mỗi năm nước ta đều ghi nhận trường hợp tử vong do bệnh bạch hầu sau nhiều năm liên tục không có ca tử vong. Phân tích tình hình mắc bệnh cho thấy, nhóm trẻ lớn từ 5-14 tuổi chiếm đa số ca mắc bệnh (70,5%); trong khi đó nhóm dưới 5 tuổi chỉ chiếm 4,8%. Tuy nhiên, hiện nay vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho nhóm trẻ 5-14 tuổi chưa được triển khai trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Hiện nay, trên toàn quốc tiếp tục duy trì thành quả loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh đã đạt được từ năm 2005. Những năm gần đây, bệnh uốn ván sơ sinh xuất hiện rải rác tại nhiều địa phương. Trong 3 năm (từ 2015-2017), trên toàn quốc ghi nhận 126 trường hợp mắc uốn ván sơ sinh, trong đó có 61 trường hợp tử vong.
Khám sức khoẻ cho học sinh THCS- Ảnh minh hoạ
Riêng bệnh bạch hầu, vắc xin phòng bệnh được triển khai trong chương trình Tiêm chủng mở rộng từ năm 1985; lịch tiêm 3 mũi vắc xin phòng bệnh bạch hầu được áp dụng cho trẻ 2, 3 và 4 tháng tuổi cho đến năm 2010. Tỷ lệ tiêm chủng vắc xin DPT3 (bạch hầu, ho gà, uốn ván mũi 3) đạt trên 90% từ năm 1990 và liên tục duy trì ở mức cao trong nhiều năm qua. Từ năm 2011, lịch tiêm nhắc vắc xin DPT4 được triển khai cho trẻ từ 18-24 tháng tuổi và duy trì tỷ lệ cao trên 90% trong những năm gần đây.
Tuy nhiên, Việt Nam mới triển khai lịch tiêm 3 mũi vắc xin chứa thành phần bạch hầu, ho gà, uốn ván cho trẻ dưới 1 tuổi và tiêm nhắc lại khi trẻ 18 tháng tuổi. Do vậy, để chủ động phòng bệnh bạch hầu và uốn ván cho trẻ lớn, trong thời gian tới ngành Y tế Tây Ninh sẽ sớm triển khai tiêm vắc xin uốn ván - bạch hầu giảm liều, đồng thời giúp củng cố miễn dịch của trẻ để chủ động phòng bệnh uốn ván và bạch hầu.
Đình Tiến