BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tập thơ chứa chan tâm tình nhà giáo

Cập nhật ngày: 14/11/2011 - 01:31

Tập thơ “Tấm lòng nhà giáo Tây Ninh” (Nhà XB Văn hoá Văn nghệ TP.HCM- 10.2011) được hình thành đúng theo nguyện vọng tha thiết của cố nhà giáo Lê Hà Châu, nguyên giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo Tây Ninh, nguyên Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Tây Ninh lúc sinh thời. Trong những tháng ngày vất vả chống chọi lại căn bệnh nan y, ý định thực hiện một tập thơ về nhà giáo luôn nằm trong suy nghĩ của ông. Nhưng Hội Cựu giáo chức còn nhiều khó khăn về nhân lực lẫn tài chính, việc thực hiện và hoàn thành tập thơ không phải dễ. Cuối cùng thì tập thơ cũng đã ra đời. Đây là một sự nỗ lực lớn của Hội.

“Tấm lòng nhà giáo Tây Ninh” tập hợp hơn 50 tác phẩm của gần 30 tác giả, phần lớn là các nhà giáo đã nghỉ hưu, trong đó có người chưa từng có tác phẩm xuất hiện trên báo chí. Một số tác giả là hội viên Hội Nhà báo, Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Văn học Nghệ thuật Tây Ninh đã có được vị trí riêng trong lĩnh vực sáng tác văn học nghệ thuật như Trần Hoàng Vy Nguyệt Quế, Nguyễn Thị Kim Liên… Bên cạnh đó tập thơ còn giới thiệu những bài thơ đã được giải của các thầy cô trong cuộc thi báo và nội san mừng xuân do Công đoàn Giáo dục Tây Ninh tổ chức vào đầu năm 2011.

Hà Trung là bút danh của thầy giáo Lê Hà Châu. Là một cán bộ lãnh đạo dù rất bề bộn với công việc thường ngày nhưng ông rất yêu thơ và thường dành thời gian cho thơ. Thơ Hà Trung nói chung khá mộc mạc và giản dị như con người của tác giả. Bài “Thương bạn” của ông là nỗi đau day dứt, là niềm thương tiếc khôn nguôi đối với thầy giáo Nguyễn Văn Tả một đồng nghiệp, đồng chí đã hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ trên chiến trường Tây Ninh khốc liệt. Thầy Tả, quê Trảng Bàng, hiệu trưởng Trường Hoàng Lê Kha, ông bị bọn lính biệt kích bắn chết tại xã Long Khánh (Bến Cầu) vào tháng 12 năm 1970. Hà Trung đã viết trong bài thơ này:

“Khi đi đủ năm đứa/ Nay trở về vắng anh/ Chim chẳng hót trên cành/ Hoàng hôn mờ sắc lửa…”.

Tham gia trong tập thơ, cô giáo Nguyệt Quế trải lòng mình trong một chiều về thăm thầy giáo năm xưa:

“Bông giấy ơi/ Tím nói sao vừa/ Lay phay gió/ Lơ thơ chùm cánh mỏng/ Thầy như ánh mặt trời sắp lặn/ Con cũng xế chiều thấp thoáng áng mây trôi…” (Bông giấy).

Riêng thầy giáo-nhà thơ Trần Hoàng Vy trong “Về thăm thầy gặp giấc ngủ trưa” cho ta một cảm xúc bình yên mà sâu lắng:

“Hương hoa nhài thoảng đầy vơi/ Lặng im trưa nắng vắng lời thầy xưa/ Về thăm thầy đã ngủ trưa/ Bình yên, sâu lắng câu thưa, ngập ngừng…”.

Thầy giáo Thiên Huy thì chỉ “Xin gọi tiếng thầy ơi” để nhớ mãi:

“Năm tháng qua đi vai thầy gầy guộc/ Chở đã bao nhiêu ước vọng xa xăm”.

Bên cạnh nhiều bài thơ lắng sâu niềm suy tư về hình ảnh cao đẹp của người thầy, còn có những bài thơ mang tâm sự của chính các thầy cô đang đứng trên bục giảng. Cô giáo văn Nguyễn Thị Kim Liên qua “Giọt nắng” đã thể hiện khá sinh động tình cảm của người thầy dành cho đàn học trò thân yêu:

“Giọt nắng lung linh đậu trên tay em/ Một chút ấm lan vào tim nhè nhẹ/ Em sẽ mang hơi ấm nầy chia sẻ/ Cho đàn em chờ đợi ngoài kia..”.

Cô giáo Nguyễn Thị Chuyên bộc bạch sự trăn trở, suy nghĩ về trách nhiệm người thầy:

“Cây viết đỏ là cuộc đời nhà giáo đó/ Kiến thức, cái tâm, cái đức quý như vàng”.

Còn nhiều bài thơ khác của nhiều tác giả khác mà vì khuôn khổ bài báo có hạn, không thể kể hết ra đây. Nhìn chung “Tấm lòng nhà giáo Tây Ninh” như một đoá hoa tinh thần chứa đựng tâm tình của thầy cô giáo dành tặng cho các thầy cô giáo, đặc biệt trong thời điểm hướng đến chào mừng Ngày nhà giáo Việt Nam 20.11.

PHAN KỶ SỬU