Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tập trung chấn chỉnh hoạt động khai thác cát trong khu vực hồ Dầu Tiếng
Thứ hai: 06:28 ngày 11/06/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Sau một số thông tin của các cơ quan báo chí phản ánh liên quan đến hoạt động khai thác cát trong khu vực hồ Dầu Tiếng thuộc địa bàn các tỉnh Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh, để bạn đọc hiểu rõ hơn công tác quản lý và hoạt động này trong khu vực hồ thuộc phạm vi của tỉnh, Báo Tây Ninh có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thanh Ngọc- Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.

Tàu khai thác cát trái phép bị Phòng Cảnh sát môi trường- Công an tỉnh bắt giữ ở địa bàn giáp ranh xã Tân Thành, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh và xã Minh Hoà, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương, ngày 21.4.2018. Ảnh: Minh Nhật

KHAI THÁC HIỆU QUẢ VÀ BỀN VỮNG

Phóng viên (PV): Ông có thể đánh giá một cách khái quát công tác quản lý nhà nước của tỉnh trong hoạt động khai thác khoáng sản cát khu vực hồ Dầu Tiếng thời gian qua?

PCT Nguyễn Thanh Ngọc: Với phương châm “Phát triển bền vững”, chúng tôi chủ trương khai thác và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của hồ Dầu Tiếng để phát triển kinh tế - xã hội, song phải bảo đảm phát triển bền vững, nhất là cảnh quan môi trường sinh thái và an toàn tuyệt đối hồ đập; không để diện tích, tiềm năng nào trong khu vực hồ Dầu Tiếng không được quản lý.

Chúng tôi đặc biệt chú trọng việc phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương Bình Dương, Bình Phước bảo đảm môi trường sinh thái, điều tiết nguồn nước, an toàn hồ đập- nhất là quản lý và khai thác tốt tài nguyên cát.

Hồ Dầu Tiếng là công trình thuỷ nông nhân tạo, được tích nước từ sông Sài Gòn, diện tích rộng nên lượng phù sa, cát bồi lắng hằng năm lớn. Đây là nguồn khoáng sản quan trọng cần quản lý và khai thác hiệu quả, phục vụ phát triển kinh tế của các địa phương có liên quan.

Để bảo đảm việc xử lý cát bồi lắng và tích nước ổn định, tỉnh đã chủ động khảo sát quy hoạch khoáng sản cát trong khu vực hồ. Trên cơ sở quy hoạch này, tỉnh xem xét việc cấp giấy phép thăm dò, khai thác cát theo quy định của pháp luật.

Hiện tại, tỉnh đã cấp 15 giấy phép cho 13 doanh nghiệp, tổng trữ lượng khai thác trên 9 triệu m3 trên tổng trữ lượng 12 triệu m3 cát quy hoạch.

Việc giao doanh nghiệp tham gia khai thác cát vừa góp phần quản lý, bảo vệ khoáng sản, không để xảy ra tình trạng khai thác trái phép, đáp ứng nhu cầu về vật liệu xây dựng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; vừa góp phần điều hoà lượng cát bồi lắng hằng năm, bảo đảm việc tích nước cho hồ Dầu Tiếng theo công suất thiết kế.

Chủ trương này đã và đang mang lại hiệu quả tích cực, tình trạng khai thác cát trái phép không còn xảy ra trong khu vực tỉnh quản lý.

Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động khai thác khoáng sản của các doanh nghiệp vẫn còn xảy ra một số vi phạm, tập trung chủ yếu vào các vấn đề như: khai thác chưa bảo đảm tần suất, công suất, sản lượng theo đề án được duyệt, chưa bảo đảm tập kết khoáng sản đúng bến bãi; còn tình trạng hợp đồng khoán khai thác với tổ chức, cá nhân không đúng quy định, sử dụng phương tiện chưa qua đăng ký, đăng kiểm…

Các vi phạm đã được các ngành chức năng phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm theo quy định. Từ năm 2017 đến nay, UBND tỉnh đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 3 doanh nghiệp, với tổng số tiền 350.000.000 đồng, rút giấy phép có thời hạn 1 doanh nghiệp.

Quan điểm của tỉnh là không có “vùng miễn trừ”, bất kỳ ai vi phạm đều bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. UBND tỉnh cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, kiểm tra, chấn chỉnh các hoạt động khai thác thuộc phạm vi quản lý của tỉnh, thành lập tổ liên ngành để tăng cường và xử lý, kiểm tra giám sát hoạt động khai thác cát trong khu vực hồ Dầu Tiếng.

KHÔNG CÓ “VÙNG MIỄN TRỪ” TRONG XỬ LÝ VI PHẠM

PV: Vừa qua, có một số thông tin trên báo chí phản ánh khá gay gắt vấn đề liên quan đến công tác quản lý và hoạt động khai thác cát khu vực hồ Dầu Tiếng, ông nhìn nhận như thế nào về những thông tin đó?

Quan điểm của tỉnh là không có “vùng miễn trừ”, bất kỳ ai vi phạm đều bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

PCT Nguyễn Thanh Ngọc: Thời gian gần đây, một số báo, đài đưa tin, phản ánh về công tác quản lý nhà nước cũng như hoạt động khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng liên quan đến địa bàn quản lý của các tỉnh Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh. Bên cạnh những thông tin xác đáng, cũng còn một số thông tin chưa phản ánh khách quan, đúng thực trạng quản lý nhà nước. Ở đây, tôi xin nói cụ thể từng vấn đề.

khai thac cat 1.jpg

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc.

Về ý kiến cho rằng có sự buông lỏng công tác quản lý nhà nước về hoạt động khai thác khoáng sản cát trong khu vực hồ Dầu Tiếng, tôi khẳng định, đối với tỉnh Tây Ninh, không có sự buông lỏng quản lý trong lĩnh vực này.

Trong những năm qua, tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, đề ra nhiều biện pháp quản lý chặt chẽ, đồng bộ- nhất là đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực. Mọi hoạt động từ công tác quy hoạch, cấp phép đến kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác cát, cũng như xử lý vi phạm trong khu vực hồ Dầu Tiếng thuộc phạm vi địa phương quản lý được thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc, đúng quy định, bảo đảm gắn kết giữa phát triển kinh tế với bảo vệ cảnh quan môi trường và an toàn hồ đập.

Về thông tin cho rằng tỉnh Tây Ninh cấp nhiều giấy phép khai thác cát hơn Bình Phước, Bình Dương, theo tôi, để đánh giá việc cấp nhiều hay ít không thể chỉ căn cứ vào sự so sánh về số lượng hay suy luận cảm tính, mà cần xem xét cụ thể các yếu tố như không gian, phạm vi quản lý, tiềm năng, nhu cầu- nhất là căn cứ vào quy hoạch khoáng sản hiện có.

Về không gian, phạm vi diện tích hồ Dầu Tiếng thuộc trách nhiệm quản lý của Tây Ninh rất lớn (20.000 ha), trong khi, 2 tỉnh Bình Dương, Bình Phước quản lý 7.000 ha.

Trong phạm vi hồ do tỉnh quản lý, lượng phù sa cát bồi lắng hằng năm nhiều, ước tính trữ lượng cát trên 50 triệu m3, như vậy, tiềm năng khoáng sản cát của hồ rất lớn, nếu không khai thác sẽ gây lãng phí về khoáng sản, thất thu ngân sách; đồng thời khó quản lý nạn “cát tặc”.

Mặt khác, nếu không khai thác, hằng năm ngân sách cũng phải bỏ ra một khoản kinh phí không nhỏ để nạo vét, xử lý bồi lắng, bảo đảm việc tích nước ổn định của hồ.

Nhu cầu về cát xây dựng hiện nay của tỉnh rất lớn, do đó, việc quy hoạch và tổ chức khai thác cát trong hồ để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội là cần thiết, đồng thời đóng góp một phần ngân sách địa phương.

Theo quy hoạch khoáng sản cát khu vực hồ Dầu Tiếng thuộc địa bàn tỉnh giai đoạn 2013-2015, định hướng 2020 của tỉnh, tổng trữ lượng quy hoạch gần 12 triệu m3 và hiện tỉnh mới cấp phép cho 15 dự án, với tổng trữ lượng 9 triệu m3.

Như vậy, việc cấp phép khai thác cát của tỉnh đến nay chưa vượt, vẫn bảo đảm công suất và sản lượng theo quy hoạch. Mặt khác, yếu tố không kém phần quan trọng là việc cấp phép cho doanh nghiệp tham gia khai thác khoáng sản cát có thể xem là giải pháp thiết thực và hiệu quả, góp phần quản lý và bảo vệ khoáng sản tốt hơn, có thể phòng, chống hành vi khai thác cát trái phép.

Phương châm của chúng tôi là: giao, cấp phép để quản lý; quản lý thông qua hoạt động đầu mối của doanh nghiệp.  Thực tế những năm qua cho thấy, khu vực nào đã giao cho doanh nghiệp quản lý, khai thác thì không còn hiện tượng khai thác cát trái phép mà địa phương không thể quản lý triệt để như trước đây.

Về thông tin phản ánh nước hồ có biểu hiện đục, không xanh và cho rằng có ô nhiễm từ việc khai thác cát, thực chất, việc nước hồ có màu đục hay xanh là do nhiều yếu tố. Nước đục không có nghĩa là đã ô nhiễm, nước màu xanh không hẳn đã an toàn.

Như vậy, nếu căn cứ vào yếu tố màu sắc bằng trực quan để suy luận cảm tính và đánh giá ô nhiễm hay không là chưa có cơ sở, mà phải kiểm nghiệm thực tế, từ đó mới có cơ sở kết luận về mức độ ô nhiễm cũng như làm rõ nguyên nhân, tác nhân gây ô nhiễm.

Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh đang tổ chức đánh giá tác động môi trường nước khu vực hồ. Kết quả sơ bộ, về cơ bản, các chỉ số liên quan đến nguồn nước đang ở mức cho phép, đồng thời tỉnh đang đánh giá cụ thể yếu tố khai thác cát tác động đến môi trường nước như thế nào để có biện pháp quản lý, chấn chỉnh, bảo đảm không tác động xấu đến môi trường nước.

Ngoài ra, tỉnh cũng đang nghiên cứu, đánh giá tác động môi trường nước của hồ từ các yếu tố khác như chất lượng nước khu vực đầu nguồn đổ vào hồ, đồng thời phân tích yếu tố đặc thù của hồ nhân tạo: lượng nước tích không đồng đều ở từng khu vực, vào mùa khô, lòng hồ chia thành các vùng tích nước khác nhau, có nơi tạo thành các ao tù nên màu nước cũng bị tác động nhất định theo yếu tố vùng tích nước này.

PV: Có ý kiến đề xuất “để khỏi phức tạp và nhạy cảm trong quản lý hoạt động khai thác cát, nên chăng tính đến biện pháp cấm hoặc rút hết giấy phép đã cấp cho doanh nghiệp như hiện nay”. Quan điểm của ông về ý kiến này?

PCT Nguyễn Thanh Ngọc: Đây là ý kiến cá biệt. Trong nguyên tắc quản lý nhà nước, không thể áp dụng quản lý theo kiểu “cái nào không quản được thì cấm”, hoặc “khi có vấn đề nhạy cảm thì “không cấp”, “không cho” hoạt động, mà phải có biện pháp quản lý cho bằng được; còn muốn “cấm” hay “rút giấy phép” phải căn cứ theo quy định pháp luật để thực hiện, không thể quyết định theo suy luận chủ quan của người quản lý.

khai thac cat 3.jpg

Một bãi tập kết cát trong lòng hồ Dầu Tiếng.

THÀNH LẬP “TỔ ĐẶC NHIỆM”

PV: Ông có thể cho biết, để nâng cao hơn nữa trách nhiệm quản lý trong hoạt động khai thác cát khu vực hồ Dầu Tiếng thuộc trách nhiệm của địa phương, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung vào những giải pháp gì?

PCT Nguyễn Thanh Ngọc: Để khắc phục và phòng ngừa các sai phạm trong hoạt động khai thác cát, cũng như bảo đảm hoạt động hồ Dầu Tiếng theo đúng mục tiêu định hướng, UBND tỉnh đã chỉ đạo thành lập “tổ đặc nhiệm” liên ngành do Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường làm tổ trưởng, có nhiệm vụ kiểm tra thường xuyên và đột xuất các hoạt động khai thác cát trong khu vực hồ Dầu Tiếng thuộc địa bàn tỉnh, đồng thời tham mưu xử lý các sai phạm.

Bên cạnh đó, tỉnh đề ra các biện pháp cụ thể như yêu cầu các doanh nghiệp phải cam kết thực hiện đúng, đủ các nội dung nêu trong đề án mỏ được duyệt, bảo đảm khai thác đúng tần suất, công suất, sản lượng theo kế hoạch đăng ký; tập kết khoáng sản đúng vị trí bến bãi; thực hiện phân loại cát theo quy định; đăng ký cụ thể số lượng tàu, thuyền khai thác cát trong lòng hồ và phương tiện vận chuyển, không ký hợp đồng gia công khai thác với tổ chức, cá nhân không được được phép khai thác; bảo đảm cắm mốc, khai thác đúng vị trí; bảo đảm tần suất phương tiện ra vào bến bãi trong ngày không làm ảnh hưởng đến an toàn giao thông và an toàn hồ đập…

Các doanh nghiệp vi phạm cam kết sẽ bị xử lý nghiêm, vi phạm nhiều lần sẽ bị xem xét rút giấy phép theo quy định. Hiện UBND tỉnh đã tạm dừng việc xem xét cấp giấy phép thăm dò khoáng sản mới từ ngày 1.6.2018 để kiểm tra, chấn chỉnh.

Ngoài ra, diện tích hồ Dầu Tiếng rộng, liên quan đến trách nhiệm quản lý của nhiều bộ, ngành, địa phương. Vì vậy, để công tác quản lý mọi hoạt động trong hồ Dầu Tiếng thuận lợi, chặt chẽ, hạn chế thấp nhất những vi phạm trong hoạt động khai thác cát, bảo đảm môi trường sinh thái và an toàn hồ đập- nhất là thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Luật Thuỷ lợi- có hiệu lực từ ngày từ ngày 1.7.2018, tỉnh Tây Ninh kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì xây dựng quy chế phối hợp quản lý, khai thác hồ Dầu Tiếng với các bộ, ngành địa phương có liên quan, làm cơ sở thực hiện công tác quản lý nhà nước một cách đồng bộ, chặt chẽ và hiệu quả hơn.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi thẳng thắn này.

LÊ DUY (thực  hiện)

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh