Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Hiện nay, tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm đang diễn biến phức tạp, đã xuất hiện một số ổ dịch bệnh lở mồm long móng, cúm gia cầm, dịch tả heo Châu Phi... tại một số tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Ngoài ra, do đang bước vào giai đoạn mưa nhiều, ẩm độ cao, sức đề kháng gia súc, gia cầm giảm, mầm bệnh vẫn còn tồn tại ngoài môi trường, trên các loài động vật cảm nhiễm, do vậy nguy cơ dịch bệnh phát sinh thời gian tới là rất cao.
Tiêm vắc xin Cúm gia cầm cho gà con
Theo số liệu thống kê của Cục Thống kê tổng đàn trâu, bò toàn tỉnh năm 2020 là 102.661 con. Trong khi đó, việc tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng đợt 1.2020 bắt đầu từ ngày 6.2.2020, chỉ có 50.000 liều.
Do đó, có một lượng lớn trâu, bò chưa được tiêm vắc xin này trong đợt 1 và một số trâu, bò mang thai, bê, nghé dưới 2 tháng tuổi cũng chưa được tiêm phòng trong đợt chính. Ngoài ra, theo hướng dẫn của nhà sản xuất nhằm tạo miễn dịch cho đàn trâu, bò khoảng cách giữa 2 lần tiêm đối với vắc xin aftopor là 4 tháng.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, để chủ động tổ chức kiểm soát tốt dịch bệnh Lỡ mồm long móng, giảm thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi, ngân sách nhà nước, bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, đồng thời chủ động ứng phó với dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch tiêm phòng bệnh Lở mồm long móng trên đàn trâu, bò đợt 2 năm 2020, bắt đầu từ ngày 20.6.2020 đến ngày 20.10.2020. Vắc xin tiêm phòng bệnh Lở mồm long móng cho trâu, bò là type O. Tổng số 64.500 liều cung ứng cho các huyện, thị xã, thành phố thực hiện.
Bên cạnh đó, cúm gia cầm là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, không những ảnh hưởng đến sự phát triển chăn nuôi gia cầm, thiệt hại về kinh tế mà còn là mối lo ngại về sức khỏe cộng đồng. Hiện nay, điều kiện thời tiết diễn biến thất thường gây ảnh hưởng đến sức khỏe vật nuôi đòi hỏi sự tích cực, tập trung thực hiện các biện pháp phòng bệnh.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú ý, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, năm 2017 đã xảy ra 1 ổ dịch Cúm gia cầm tại huyện Bến Cầu; năm 2018 xảy ra 1 ổ dịch tại huyện Châu Thành. Đây là 2 ổ dịch xuất phát tại 2 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm và đã được cơ quan chuyên môn phối hợp với chính quyền địa phương phát hiện, xử lý kịp thời, không để lây lan ra diện rộng.
Năm 2019, bệnh không xảy ra nhưng kết quả giám sát chủ động cho thấy có 44/84 mẫu dương tính type A chiếm 52,38%; trong đó, 3 mẫu dương tính với cúm A/ H5N1, chiếm 3,57% cao hơn bình quân của cả nước. Như vậy, nguy cơ phát sinh dịch bệnh Cúm gia cầm luôn tồn tại trong quá trình chăn nuôi.
Nhằm mục đích chủ động phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia cầm, ngăn chặn dịch bệnh phát sinh và lây lan trên địa bàn tỉnh, mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cso kế hoạch tiêm phòng vắc xin Cúm gia cầm và Niu-cát-xơn đợt 2 năm 2020 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Theo kế hoạch, thời gian tiêm phòng bắt đầu từ ngày 31.7.2020 và kết thúc ngày 15.11.2020. Loại vắc xin sử dụng là vắc xin Cúm tái tổ hợp vô hoạt A/H5N1 chủng Re6. Sau đợt tiêm phòng định kỳ, các huyện, thị xã, thành phố cần rà soát và tổ chức tiêm phòng bổ sung cho đàn vật nuôi phát sinh chưa được tiêm phòng hoặc hết thời hạn miễn dịch.
Theo đó, sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo lực lượng thú y và các ban, ngành có liên quan khẩn trương tiêm phòng cho đàn gia cầm chăn nuôi nông hộ nuôi có quy mô từ 1.000 con trở xuống, đặc biệt gia cầm ở các vùng có ổ dịch cũ, vùng nguy cơ cao.
Đối với các hộ chăn nuôi gia cầm có quy mô trên 1.000 con phải tự túc chi phí mua vắc xin cúm gia cầm và tự tổ chức tiêm phòng cho đàn gia cầm của gia đình. Số lượng vắc xin cúm gia cầm sử dụng trong đợt 2. 2020 là 700.000 liều, được cung cấp làm 2 lần để bảo đảm chất lượng vắc xin. Số lượng vắc xin Niu-cát-xơn sử dụng là 140.000 liều, tiêm phòng cho gà chăn nuôi nông hộ dưới 1.000 con trên địa bàn huyện Dương Minh Châu để duy trì vùng an toàn dịch bệnh.
Chăn nuôi vịt trên sàn.
Ngay sau khi nghe thông tin về tình hình dịch cúm gia cầm, gia súc đang diễn biến phức tạp nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã chủ động mua vắc xin tiêm phòng cho đàn gia cầm, gia súc ở mọi lứa tuổi để phòng dịch bệnh. Đồng thời, phun thuốc khử trùng, vệ sinh chuồng trại bằng vôi bột và các dung dịch sát khuẩn; cho gà, chim cút, heo, bò uống nước sạch, tăng cường chế độ dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại vắc xin phòng bệnh cúm gia cầm, do đó người chăn nuôi cần lựa chọn loại vắc xin phù hợp, có hiệu lực với chủng vi rút đang lưu hành trên địa bàn tỉnh.
Theo khuyến cáo của Cục Thú y, hiện nay loại vi rút cúm gia cầm đang lưu hành trên địa bàn tỉnh Tây Ninh là vi rút cúm A/H5N1 thuộc nhánh 2.3.2.1.c. Vì vậy, người chăn nuôi cần lựa chọn loại vắc xin đã được cấp giấy chứng nhận lưu hành, phù hợp điều kiện dịch tễ đảm bảo cho công tác tiêm phòng an toàn, hiệu quả như: vắc xin Navet-Vifluvac; H5N1 Re-6; K-New H5…
Sau nhiều đợt tiêm vắc xin phòng bệnh cúm gia cầm, hiện nay đội ngũ thú y viên và những người tham gia tiêm phòng của tỉnh đã có kinh nghiệm. Việc tiêm phòng không còn xa lạ với người chăn nuôi; đa số người dân đã tích cực hưởng ứng và có ý thức hợp tác trong việc tiêm phòng để bảo vệ đàn gia cầm. Với những điều kiện thuận lợi đó, ngành Thú y có thể chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật bảo đảm chăn nuôi an toàn.
Nhi Trần