Kinh tế   Nông - lâm - thủy sản

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tập trung đổi mới cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp 

Cập nhật ngày: 25/02/2020 - 22:55

BTN - Thời gian qua, tỉnh đã tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi các chính sách đã ban hành cho phù hợp với tình hình thực tế và tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách khuyến khích thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Thu hoạch mãng cầu tại HTX nông nghiệp mãng cầu Thạnh Tân (TP. Tây Ninh).

Bên cạnh đó, tỉnh đã hoàn chỉnh Đề án sắp xếp đất các công ty nông nghiệp, đưa vào quản lý sử dụng hiệu quả, nhất là sử dụng đất công bảo đảm đúng quy định; thu hút nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật các vùng nông nghiệp công nghệ cao.

Các chính sách từng bước đi vào thực tế

Thời gian qua, việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả như: hỗ trợ xây dựng cánh đồng lớn đã triển khai thực hiện các mô hình thâm canh lúa hiệu quả và bền vững theo hướng VietGAP và cánh đồng lớn với tổng kinh phí thực hiện gần 8,4 tỷ đồng. Trong đó có 5 dự án hỗ trợ nông dân chi phí 30% mua giống cây trồng; tham gia xây dựng cánh đồng lớn tại các huyện, thị Tân Châu, Trảng Bàng, Tân Biên; kinh phí hỗ trợ giống cây trồng khoảng 3,7 tỷ đồng.

Ngoài ra, nhằm nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020, tỉnh đã triển khai hỗ trợ các hộ gia đình mua con giống, xử lý chất thải trong chăn nuôi và hỗ trợ gieo tinh nhân tạo cho gia súc với số tiền hơn 8 tỷ đồng. Các đề án, dự án, chính sách hỗ trợ sản xuất được xây dựng, ban hành, từng bước thúc đẩy phát triển nông nghiệp. Liên kết sản xuất - tiêu thụ xúc tiến thương mại đạt được những kết quả tích cực, một số nhà đầu tư sản xuất - tiêu thụ nông sản, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh quan tâm, đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

 Giai đoạn 2013-2019, tỉnh đã thu hút 24 dự án đầu tư vào nông nghiệp trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, tổng vốn 1.652 tỷ đồng, nâng tổng số dự án nông nghiệp trên địa bàn là 70 dự án với vốn đầu tư trên 4.040 tỷ đồng… Đồng thời, các ngân hàng thương mại Việt Nam - chi nhánh Tây Ninh ký kết quy chế phối hợp thực hiện chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết số 30/NQ-CP, ngày 7.3.2017 của Chính phủ.

Ngoài ra, tỉnh đã cụ thể hoá 2 chính sách của Trung ương và ban hành 5 chính sách của tỉnh: khuyến nông; hỗ trợ thuỷ lợi phí; hỗ trợ chăn nuôi nông hộ; hỗ trợ đầu tư hệ thống xử lý nước hộ gia đình nông thôn; và hỗ trợ đầu tư công trình cấp nước sạch nông thôn và gần đây đã ban hành chính sách hỗ trợ lãi vay phát triển thực hành nông nghiệp tốt, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp và người sản xuất đăng ký mã số vùng trồng đối với nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc thời gian qua; hỗ trợ phần mềm truy xuất nguồn gốc... đã từng bước tạo động lực thúc đẩy và hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp.

Phát triển toàn diện sản phẩm lợi thế

Tây Ninh là tỉnh có vườn mãng cầu lớn nhất cả nước với diện tích đạt khoảng 4.848 ha, tập trung chủ yếu ở các xã ven chân núi Bà Đen và các vùng phụ cận. Hằng năm, Tây Ninh cung cấp cho thị trường nội địa khoảng 35.000 đến 40.000 tấn mãng cầu ta. Khi thu hoạch vụ chính (tháng 8-9), sản lượng mãng cầu Bà Đen đạt khoảng 3.000 - 3.500 tấn/tháng. Vào dịp tết nguyên đán, sản lượng mãng cầu đạt khoảng 3.000 tấn/tháng. Theo quyết định số 44/2012/QĐ-UBND về quy hoạch phát triển nông nghiệp tỉnh Tây Ninh thì sản lượng mãng cầu ta theo kế hoạch đến năm 2020 là 62.027 tấn.

Ông Hà Chí Mãng - Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX nông nghiệp mãng cầu Thạnh Tân (TP. Tây Ninh) cho biết, từ hàng chục năm qua, trái mãng cầu Tây Ninh đã được đưa đi tiêu thụ khắp nơi trong nước và có tiềm năng xuất khẩu sang một số nước lân cận rất cao. Tuy nhiên, do đặc điểm của loại trái cây này là mau chín, khó bảo quản được lâu trong điều kiện tự nhiên nên việc xuất khẩu hoặc vận chuyển đi xa gặp nhiều khó khăn, bất tiện.

Bên cạnh đó, hiện nay việc đầu tư phát triển tập trung chủ yếu vào công đoạn “trước thu hoạch”. Công nghệ sau thu hoạch, sơ chế, bảo quản và chế biến trái mãng cầu ta vẫn còn chưa được đầu tư nhiều. Trong mùa vụ chính, tỷ lệ trái không đạt xuất khẩu cũng như không được thương lái chấp nhận cho tiêu thụ nội địa khá cao. Trên thị trường, các sản phẩm chế biến từ trái mãng cầu ta rất hiếm.

Chỉ có một vài sản phẩm rượu, nước ép do người dân tự chế biến ở dạng nhỏ và manh mún. Do đó, để nâng cao giá trị sử dụng, giá trị gia tăng, góp phần đa dạng sản phẩm từ trái mãng cầu của Tây Ninh, HTX thực hiện dự án xây dựng nhà máy sơ chế, đóng gói, bảo quản; sản xuất, chế biến sản phẩm từ trái mãng cầu và xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất.

Ông Mãng cho biết thêm, những sản phẩm chế biến của dự án bao gồm: mãng cầu xay/nghiền nhuyễn, nước mãng cầu lên men; kem tươi mãng cầu. Trong đó, kem tươi mãng cầu phục vụ nhu cầu khách du lịch tiêu dùng tại chỗ. Nước mãng cầu lên men có thể sử dụng tại chỗ làm nước giải khát hoặc đem về làm quà.

Để phát triển toàn diện sản phẩm là đặc sản của tỉnh, mới đây, UBND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Hỗ trợ xây dựng nhà máy xử lý bảo quản chậm chín, nhà máy sản xuất, đóng hộp nước mãng cầu và cơ sở hạ tầng tại HTX nông nghiệp mãng cầu Thạnh Tân, sử dụng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2019-2020 với tổng mức đầu tư hơn 13,2 tỷ đồng.

Dự án gồm các hạng mục chính như: ứng dụng công nghệ cao trong phân loại và sơ chế mãng cầu, nâng cao chất lượng trái mãng cầu tươi và đa dạng hoá sản phẩm chế biến từ trái mãng cầu; xây dựng xưởng phân loại và sơ chế, chế biến thực phẩm theo tiêu chuẩn HACCP, công suất 2-5 tấn/ ngày; sản xuất một số sản phẩm mới từ trái mãng cầu; xây dựng nhà xưởng, dây chuyền phân loại tự động, sơ chế, bảo quản mãng cầu và chế biến các sản phẩm mãng cầu; xây dựng cửa hàng giới thiệu sản phẩm.

Bên cạnh đó, Tây Ninh có tiềm năng rất lớn để phát triển vùng nguyên liệu cá tra. Nếu việc nuôi cá tra ở các vùng trũng ven sông Vàm Cỏ Đông được thực hiện, nguồn nguyên liệu sẽ đủ cung cấp cho nhà máy chế biến với tổng công suất thiết kế 80 tấn cá nguyên liệu/ngày.

Ngoài ra, các hình thức nuôi thuỷ sản khác vẫn có cơ hội phát triển nhanh. Do đó, dự kiến định hướng tái cơ cấu lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản của tỉnh như sau: phát triển nuôi trồng thuỷ sản với nhiều loại hình nuôi trên các vùng sinh thái, đa dạng hoá với các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế và giá trị xuất khẩu cao, góp phần tạo ra nguồn nguyên liệu ngày càng chủ động hơn cho chế biến và tiêu thụ; tiếp tục phát triển mạnh nuôi trồng thuỷ sản theo chiều sâu.

Từ lợi thế đó, vừa qua, UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, hỗ trợ xây dựng hệ thống nuôi trồng thuỷ sản tập trung tại HTX dịch vụ nông nghiệp Phước Ninh (huyện Dương Minh Châu) phù hợp với mục tiêu khuyến khích, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển HTX mới, tăng cường năng lực cạnh tranh của kinh tế hộ gia đình, đặc biệt kinh tế nông dân và các cơ sở sản xuất kinh doanh quy mô nhỏ trong điều kiện cơ chế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế.

Dự án có quy mô đầu tư hạ tầng vùng nuôi tại khu đất 30.753,2m2 tại ấp Phước Lễ, xã Phước Ninh (huyện Dương Minh Châu) để nuôi thuỷ sản với tổng mức đầu tư hơn 3 tỷ đồng. Thời gian thực hiện là 2019-2020.

Nhi Trần

Theo Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp, năm 2020, tổng diện tích nuôi thuỷ sản dự kiến trên địa bàn tỉnh đạt 1,2 triệu ha, tổng sản lượng thuỷ sản nuôi 24-25 ngàn tấn. Quy mô và địa bàn nuôi thuỷ sản phân bố chủ yếu ở các huyện, thị xã Châu Thành, Bến Cầu, Dương Minh Châu và Trảng Bàng, sử dụng cả hai nguồn nước hồ Dầu Tiếng và sông Sài Gòn. Dự kiến, sản lượng khai thác thuỷ sản trên địa bàn tỉnh năm nay đạt 3.000 tấn.