Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tập trung kéo giảm tội phạm về trật tự xã hội
Thứ bảy: 08:49 ngày 23/12/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Dự báo trong thời gian tới, tình hình tội phạm có chiều hướng tăng, phương thức, thủ đoạn tinh vi, các đối tượng lợi dụng triệt để công nghệ cao để hoạt động phạm tội

Phát tờ rơi tuyên truyền pháp luật cho tín đồ tôn giáo.

Bên cạnh việc bảo vệ an ninh quốc gia, công tác bảo đảm trật tự an toàn xã hội là vấn đề vô cùng quan trọng. Khi xã hội trật tự, mọi người sẽ yên tâm lao động sản xuất, cải thiện đời sống. Pháp luật có những quy định chặt chẽ về bảo đảm trật tự xã hội cũng như các mức xử phạt đối với hành vi xâm phạm đến trật tự xã hội, nhưng các hành vi vi phạm vẫn còn diễn ra. Số vụ phạm tội về trật tự xã hội chưa giảm so với cùng kỳ năm 2022, trong đó, đáng chú ý là tội phạm giết người, cướp tài sản, trộm cắp tài sản. Các băng nhóm thanh thiếu niên thích ăn chơi, thể hiện, sử dụng trái phép chất ma tuý.

Tính chất, mức độ ngày càng tinh vi

Trong buổi làm việc với Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc- Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an về công tác phòng, chống tội phạm năm 2023 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, Đại tá Lý Hồng Sinh- Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết, đối với tội phạm về trật tự xã hội, 11 tháng năm 2023 (từ ngày 15.12.2022 đến 14.11.2023), trên địa bàn tỉnh xảy ra 727 vụ, tăng 10,6% so với cùng kỳ, điều tra khám phá 637 vụ, đạt tỷ lệ 87,6%, tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng xảy ra 123 vụ, điều tra làm rõ 107 vụ.

Một số loại tội phạm được kiềm chế và kéo giảm so với cùng kỳ như: cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác; lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản; dâm ô đối với người dưới 16 tuổi... Tuy nhiên, có một số loại tội phạm tăng như: giết người, cướp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trộm cắp tài sản...

Nổi lên một số vấn đề đáng chú ý như: tội phạm giết người xảy ra 47 vụ làm chết 19 người, tăng 62% so với cùng kỳ. Nguyên nhân xảy ra giết người hầu hết là do người phạm tội sử dụng rượu bia, phát sinh mâu thuẫn bộc phát hoặc sau khi nhậu nhẹt bị kích thích nhớ lại mâu thuẫn từ trước kéo nhau đi trả thù. Người thực hiện hành vi chủ yếu là nam giới, không có nghề nghiệp ổn định. Xảy ra 2 trường hợp đối tượng “ngáo đá” sát hại mẹ ruột.

Cụ thể, ngày 16.2.2023, Nguyễn Hữu Quốc, sinh năm 2002 dùng thanh kim loại, lưỡi liềm giết mẹ ruột tại thị xã Trảng Bàng. Vụ thứ 2 xảy ra vào tháng 8.2023, sau khi sử dụng ma tuý, Nguyễn Chí Hiếu, sinh năm 1985 xin mẹ ruột số tiền 100.000 đồng nhưng không được, dùng kéo đâm nhiều nhát vào ngực, đầu của mẹ mình rồi lấy tiền.

Tội phạm cướp tài sản xảy ra 21 vụ, tăng 133% so với cùng kỳ. Trong đó, tài sản bị cướp chủ yếu là xe máy, điện thoại, tiền; 1 vụ cướp ngân hàng không thành, đã bắt được đối tượng. Thủ đoạn của đối tượng chủ yếu lợi dụng đêm khuya, khu vực vắng người để cướp tài sản. Qua điều tra, đa số các trường hợp phạm tội không có tính chất chuyên nghiệp, nhiều vụ mang tính bộc phát.

Tang vật thu giữ trong một vụ đá gà qua mạng.

Theo cơ quan Công an, trong 11 tháng, tội phạm trộm cắp tài sản xảy ra 270 vụ, tăng 29,7%, thiệt hại tài sản khoảng 3,8 tỷ đồng. Có dấu hiệu cho thấy đối tượng ngày càng chuyên nghiệp, tinh vi, chọn các gia đình giàu có để gây án nên thiệt hại tài sản lớn. Gần đây tái diễn hoạt động trộm cắp két sắt của hộ dân, công ty. Đối với loại tội phạm cờ bạc, Công an phát hiện 97 vụ. Tội phạm và tệ nạn cờ bạc theo phương thức “truyền thống” (tụ tập ở nơi vắng vẻ để đánh bạc) có xu hướng giảm; gia tăng hoạt động đánh bạc trực tuyến. Điển hình như trong tháng 3.2023, Công an tỉnh bắt, mời làm việc 79 đối tượng đá gà qua mạng tại quán cà phê, qua điều tra, số tiền đánh bạc gần 2 tỷ đồng.

Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra 59 vụ, thiệt hại hơn 327 tỷ đồng. Trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện tội phạm lừa đảo trên không gian mạng gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của người dân với phương thức, thủ đoạn tinh vi như: lừa làm cộng tác viên các sàn thương mại điện tử nhưng thực chất để chiếm đoạt tài sản; chiếm quyền điều khiển mạng xã hội Facebook nhắn tin người thân, bạn bè yêu cầu chuyển tiền; đầu tư trên các sàn tiền ảo đa cấp, sau nhiều lần nạp tiền, rút tiền thành công thì sàn đóng và không rút được tiền; thông báo trúng thưởng, yêu cầu nộp thuế để nhận thưởng; vay tiền qua ứng dụng và mạng xã hội Zalo, yêu cầu chuyển nhiều khoản phí...

Có trường hợp bị lừa làm thành viên trang thương mại điện tử, làm các nhiệm vụ do công ty đặt ra để được nhận tiền gốc và hoa hồng, sau nhiều lần chuyển và nhận tiền, bị hại được yêu cầu chuyển tiền thêm nhiều lần để nhận hoa hồng nhưng thực tế không nhận lại được tiền (số tiền bị lừa hơn 2,4 tỷ đồng).

Phòng ngừa xã hội kết hợp với phòng ngừa nghiệp vụ

Để ngăn chặn các loại tội phạm về trật tự xã hội, Công an và các lực lượng chức năng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, triển khai nhiều kế hoạch, biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ, thực chất, trọng tâm, trọng điểm. Cảnh sát cơ động, Cảnh sát hình sự, Công an cấp huyện, cấp xã xây dựng kế hoạch tuần tra, kiểm soát trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, nơi tập trung đông người và khu vực biên giới.

Nhắc nhở người thuê trọ nâng cao cảnh giác, phòng ngừa trộm cắp.

Sở, ngành, địa phương đẩy mạnh xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở; tổ chức nhiều hình thức, biện pháp và cách làm sáng tạo, phát động phong trào về phòng, chống tội phạm; duy trì và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến; phối hợp tổ chức hội nghị, hội thảo giao ban, tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ báo cáo viên, cán bộ ở cơ sở về các kỹ năng tuyên truyền phòng, chống tội phạm.

Đại diện Uỷ ban MTTQVN tỉnh cho biết, năm 2023, đơn vị xây dựng, ban hành nhiều công văn hướng dẫn, chỉ đạo MTTQ cấp huyện về công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; phối hợp với Công an tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng cho cán bộ Mặt trận các cấp, trưởng Ban công tác Mặt trận về phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự; cảm hoá, giáo dục, giúp đỡ người tái hoà nhập cộng đồng. Hằng năm, MTTQ các cấp trong tỉnh phối hợp với Công an và các tổ chức tôn giáo, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số vận động người dân chấp hành tốt pháp luật, tích cực tham gia phòng ngừa, đấu tranh tố giác tội phạm, giữ an ninh trật tự, bảo vệ an ninh Tổ quốc ở địa phương.

Công tác hoà giải ở cơ sở là một trong những nội dung quan trọng được MTTQ quan tâm thực hiện, góp phần giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, không để mâu thuẫn, bức xúc kéo dài. Hoạt động hoà giải ở cơ sở của hệ thống Mặt trận gắn liền với công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, lồng ghép vào các phong trào do Mặt trận chủ trì phát động như: phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Trong năm, đã đưa ra hoà giải 567 vụ, hoà giải thành 562 vụ, chiếm tỷ lệ hơn 92%.

 Huyện đoàn Dương Minh Châu với mô hình “Khu dân cư không có thanh thiếu niên mắc tệ nạn xã hội”.

MTTQ phối hợp với Công an, tổ chức chính trị - xã hội xây dựng nhiều mô hình, duy trì có hiệu quả như: phát huy vai trò tôn giáo trong vận động chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo, đồng bào dân tộc tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phòng chống tội phạm, ma tuý, mua bán người; nhà trọ văn minh không có tội phạm, tệ nạn xã hội ở huyện Bến Cầu; đồng bào dân tộc Khmer tự phòng, tự quản về an ninh trật tự; tham mưu cấp uỷ, phân công cán bộ, đảng viên tham gia hỗ trợ, giúp đỡ, cảm hoá, kéo giảm người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma tuý; vận động người bán vé số tham gia giữ gìn an ninh trật tự ở huyện Tân Biên… Các mô hình thường xuyên được kiểm tra, khi thực hiện tốt sẽ tiếp tục nhân rộng trên địa bàn tỉnh.

Dự báo trong thời gian tới, tình hình tội phạm có chiều hướng tăng, phương thức, thủ đoạn tinh vi, các đối tượng lợi dụng triệt để công nghệ cao để hoạt động phạm tội, nhất là tội phạm đánh bạc, lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Tội phạm giết người, cố ý gây thương tích, cờ bạc, tội phạm xâm phạm sở hữu với phương thức truyền thống; tội phạm “đường phố”, các nhóm thanh thiếu niên tụ tập, sử dụng hung khí giải quyết mâu thuẫn... tiếp tục diễn biến phức tạp.

Để bảo đảm bình yên cho nhân dân, Công an tỉnh tổ chức đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn- 2024. Đợt cao điểm diễn ra từ ngày 15.12.2023 - 29.2.2024. Công an các đơn vị, huyện, thành phố, thị xã huy động tối đa lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp; chủ động phân tích, đánh giá, nhận diện, dự báo chính xác tình hình nổi lên liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự trên từng địa bàn, lĩnh vực phụ trách. Đặc biệt là tội phạm giết người, cướp, cướp giật tài sản, trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, sử dụng công nghệ cao.

An Đông

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục