Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tập trung phát triển chăn nuôi bò thịt theo hướng bền vững
Thứ hai: 10:04 ngày 16/04/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Mặc dù đàn bò địa phương phần lớn đã được “Sind hoá”, nhưng thực tế, giống bò trên địa bàn vẫn chưa được cải tiến, có tầm vóc nhỏ, bò thịt tăng trọng kém, chất lượng thịt không cao, tỷ lệ thịt xẻ thấp...

Chăn nuôi bò trên địa bàn xã Lộc Hưng, huyện Trảng Bàng.

Theo ông Nguyễn Văn  Mấy- Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y, Tây Ninh là một trong những tỉnh khu vực phía Nam có nhiều bò và có điều kiện thuận lợi để phát triển ngành chăn nuôi bò thịt.

Thời gian qua, ngành chăn nuôi bò thịt của tỉnh đã có thị trường tương đối, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở tỉnh, đồng thời còn giải quyết được tình trạng lao động nông nhàn ở khu vực nông thôn và tăng thu nhập cho người chăn nuôi.

Tuy nhiên, sự phát triển của ngành chăn nuôi bò thịt ở tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế do người dân còn sử dụng con giống tuỳ tiện; người chăn nuôi thiếu kiến thức về chăn nuôi bò thịt cao sản nên năng suất và chất lượng thịt thấp.

Bên cạnh đó, do quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ cao (chiếm 96,8%) nên người chăn nuôi chưa chủ động được con giống, chưa giải quyết triệt để dịch bệnh, chưa tận dụng được các phụ phẩm trong nông nghiệp, dẫn đến giá thành sản xuất cao.

Trong những năm gần đây, khi thu nhập của người dân tăng cao và mức sống được cải thiện thì nhu cầu tiêu dùng các loại thịt có giá trị dinh dưỡng cao, trong đó thịt bò chiếm thị phần không nhỏ, đòi hỏi ngành chăn nuôi bò thịt phải phát triển mạnh và bền vững mới có khả năng đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Mặc dù đàn bò địa phương phần lớn đã được “Sind hoá”, nhưng thực tế, giống bò trên địa bàn vẫn chưa được cải tiến, có tầm vóc nhỏ, bò thịt tăng trọng kém, chất lượng thịt không cao, tỷ lệ thịt xẻ thấp...

Ðối với bò vàng địa phương, khi bò trưởng thành nặng khoảng 210kg/con, tỷ lệ xẻ thịt khoảng 40%; đối với bò lai Sind, khoảng 270kg/con bò trưởng thành, tỷ lệ xẻ thịt khoảng 42%.

Theo anh Phạm Thanh Bình, một chủ trang trại chăn nuôi bò thịt tại xã Lộc Hưng (huyện Trảng Bàng), thời gian qua, để thụ tinh cho bò, người chăn nuôi vẫn áp dụng biện pháp thụ tinh truyền thống, chưa quen việc gieo tinh bò nhân tạo.

Theo đó, khi có nhu cầu thụ tinh cho bò cái, người chăn nuôi chỉ cần điện thoại đến những cơ sở gieo tinh bò giống. Sau đó, cơ sở gieo tinh bò giống sẽ chở bò đực giống đến trang trại hay hộ gia đình chăn nuôi để phối giống với giá từ 200.000 đến 300.000 đồng.

Trong khi đó, việc thụ tinh bò nhân tạo có giá tương đương nhưng sẽ tạo ra giống bò thế hệ mới có chất lượng cao hơn hẳn so với bò thế hệ cũ.

Ông Mấy cho biết, để phát triển chăn nuôi bò thịt có số lượng và chất lượng cao, đáp ứng một phần nhu cầu tiêu thụ trong nước, làm tăng giá trị gia tăng cho đàn bò, góp phần chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp và nông thôn, giữa năm 2017, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt Ðề án phát triển chăn nuôi bò thịt trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2016-2020.

Ðề án này đưa ra kế hoạch tạo nguồn bò thịt phù hợp nhu cầu thị trường và chăn nuôi; chú trọng đến việc thu hút đầu tư chăn nuôi, giết mổ, tiêu thụ...

Ðề án phát triển chăn nuôi bò thịt giai đoạn 2016-2017 được UBND tỉnh phê duyệt từ giữa năm 2017 nhưng đến đầu năm 2018, tỉnh mới cấp kinh phí thực hiện. Và đến ngày 18.4, ngành nông nghiệp đã triển khai công tác trang bị vật tư (tinh bò, ni-tơ, các bình chứa ni-tơ...) để phục vụ việc gieo tinh nhân tạo, tai tạo giống bò thịt chất lượng cao.

Ông Mấy cho biết thêm, trước khi thực hiện Ðề án trên, ngành chăn nuôi đã thực hiện dự án chăn nuôi bò thịt giai đoạn 2016-2017, lai tạo được 2.000 liều tinh. Kết quả đã có những giống bê con được sinh ra, cho năng suất cao và sinh trưởng rất tốt so với giống bò vàng địa phương.

Ðây sẽ là nền tảng để ngành nông nghiệp tiếp tục thực hiện Ðề án chăn nuôi bò thịt giai đoạn 2016-2020 theo hướng hàng hoá, bền vững và nâng cao giá trị gia tăng.

NHI TRẦN

Tin cùng chuyên mục