BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tập trung phát triển rừng bền vững 

Cập nhật ngày: 08/08/2022 - 14:37

BTNO - Đẩy mạnh chế biến sâu các sản phẩm gỗ, nâng cao giá trị các sản phẩm, hướng tới xuất khẩu, gắn với phát triển các vùng trồng rừng nguyên liệu tập trung thâm canh theo chuỗi liên kết với các nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu.

Du khách tham quan rừng Quốc gia Lò Gò - Xa Mát.

Diện tích rừng và đất lâm nghiệp của tỉnh là 73.301,37 ha, chiếm 18,04% diện tích tự nhiên. Tuy nhiên, lâm nghiệp là ngành không có nhiều cơ hội nâng cao giá trị do: thu từ dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) thấp hơn chi trả DVMTR, thu từ hoạt động khai thác gỗ và lâm sản ngoài gỗ đạt thấp do công nghiệp chế biến gỗ chưa phát triển; trong giai đoạn 2017-2020 tập trung vào các hoạt động quy hoạch ba loại rừng và triển khai Đề án quản lý, phát triển rừng sản xuất, nên cơ hội nâng cao giá trị của các hoạt động này chưa rõ rệt.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh đã định hướng phát triển lâm nghiệp theo hướng nâng cao giá trị của rừng bằng các biện pháp chuyển đổi từ cây có giá trị thấp sang trồng cây có năng suất cao hơn, chất lượng gỗ tốt hơn, mang lại thu nhập cao hơn; trồng xen dưới tán rừng các cây dược liệu và các loại cây khác mang lại thu nhập cho người trồng; kết hợp kinh tế lâm nghiệp với các hoạt động kinh doanh khác như: du lịch, nghỉ dưỡng, chăn nuôi gia súc, nuôi ong, nuôi các động vật rừng.

Ngoài ra, định hướng đến năm 2030, tỉnh tập trung quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững hệ thống rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng tự nhiên, rừng phòng hộ đầu nguồn để tăng khả năng chống chịu biến đổi khí hậu, đồng thời khai thác hiệu quả các giá trị về bảo tồn đa dạng sinh học, du lịch sinh thái, DVMTR và các loại dịch vụ khác; phát triển các mô hình nông lâm kết hợp, gắn với khai thác rừng bền vững, du lịch sinh thái.

Đẩy mạnh chế biến sâu các sản phẩm gỗ, nâng cao giá trị các sản phẩm, hướng tới xuất khẩu, gắn với phát triển các vùng trồng rừng nguyên liệu tập trung thâm canh theo chuỗi liên kết với các nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu.

Cụ thể, đối với rừng phòng hộ, tập trung bảo vệ tốt diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn lưu vực các sông, các hồ đập, công trình thuỷ lợi ở các huyện Tân Biên, Tân Châu, Bến Cầu, Châu Thành, Dương Minh Châu và thị xã Trảng Bàng nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên nước và điều tiết dòng chảy, bảo vệ đất, hạn chế thiên tai, lũ lụt và hạn hán, điều hoà khí hậu, bảo đảm cân bằng sinh thái.

Phát triển phương thức nông lâm kết hợp, trồng xen cây nông nghiệp, cây dược liệu, cây lâm sản ngoài gỗ; chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản dưới tán rừng. Lựa chọn loài cây vừa có giá trị phòng hộ vừa có giá trị kinh tế để nhanh chóng mang lại lợi ích kinh tế cho người làm rừng. Sử dụng diện tích đất chưa có rừng để sản xuất nông - lâm - ngư kết hợp nhưng không làm ảnh hưởng khả năng phòng hộ của rừng.

Phát triển hệ thống rừng, vườn cây phòng hộ môi trường, cảnh quan cho các đô thị, khu công nghiệp và khu du lịch như: TP. Tây Ninh, Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen, vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát, Khu rừng văn hoá lịch sử Chàng Riệc, Khu di tích lịch sử cách mạng miền Nam…

Đối với rừng đặc dụng, thực hiện công tác phân vùng quản lý bảo vệ gắn với việc giao khoán quản lý bảo vệ rừng cụ thể cho từng đơn vị, hộ gia đình. Xác định diện tích rừng tại các phân khu chức năng bị suy thoái được phục hồi và bảo tồn. Quy hoạch vùng đệm tạo hành lang an toàn giảm áp lực xấu đến rừng đặc dụng; xây dựng quy chế quản lý, bảo vệ diện tích rừng thuộc vùng đệm các khu rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh.

Không khai thác lâm sản trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng; không khai thác tận thu cây gỗ đã chết, cây gãy đổ trong phân khu phục hồi sinh thái rừng đặc dụng. Được khai tận thu cây gỗ đã chết, cây gãy đổ trong phân khu dịch vụ, hành chính của rừng đặc dụng. Được thu thập mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, nấm, nguồn gen sinh vật theo nhiệm vụ khoa học và công nghệ sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Hình rừng sản xuất, xã Hòa Hội, Châu Thành.

Hằng năm tổ chức các đợt tuần tra, truy quét liên ngành tại các khu vực là những điểm nóng về tình trạng lấn chiếm đất rừng, săn bắt động vật rừng, khai thác lâm sản trái phép; áp dụng phần mềm quản lý cơ sở để theo dõi, đánh giá diễn biến tài nguyên rừng, các loại động thực vật, giám sát các dịch vụ môi trường rừng và các hoạt động sinh thái. Xây dựng cơ sở dữ liệu rừng tạo cơ sở điều chỉnh các chương trình bảo tồn và phát triển rừng đặc dụng cho hiệu quả hơn.

Ngoài ra, phát triển dịch vụ du lịch sinh thái góp phần tạo nguồn thu cho nhân dân địa phương và cho các khu rừng đặc dụng; tạo sự gắn kết giữa phát triển dịch vụ, du lịch sinh thái với công tác giáo dục bảo tồn dựa trên khai thác tiềm năng, lợi thế của từng khu rừng đặc dụng trong tỉnh; quy hoạch bảo vệ rừng, các công trình vệ sinh và thu gom phân loại xử lý rác thải trên các tuyến du lịch sinh thái.

Để thực hiện được điều đó, tỉnh đẩy mạnh triển khai các giải pháp về khoa học công nghệ trong lĩnh vực giống cây trồng lâm nghiệp, biện pháp kỹ thuật; trong lĩnh vực quản lý rừng bền vững; công nghệ chế biến gỗ và ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ viễn thám trong quản lý bảo vệ, phòng cháy chữa cháy, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về hiện trạng, quy hoạch 3 loại rừng và kết nối hệ thống từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm Lâm đến các Hạt Kiểm lâm và các đơn vị có liên quan nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý, giám sát hoạt động quản lý bảo vệ rừng.

Đồng thời, tỉnh đẩy mạnh thu hút các nguồn vốn đầu tư bảo vệ và phát triển rừng trong thời gian tới bằng phương thức xã hội hoá đầu tư cho lâm nghiệp. Ngoài các nguồn vốn ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh, chú trọng tăng cường thu hút các nguồn vốn viện trợ, vốn của các thành phần kinh tế, tổ chức doanh nghiệp, vốn tín dụng ưu đãi và nguồn lực của hộ gia đình; giảm dần sự đầu tư của ngân sách nhà nước.

Để tạo bước đột phá trong sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, tỉnh xây dựng hệ thống giao thông phục vụ sản xuất lâm nghiệp, phát triển rừng và tuần tra, bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng. Đầu tư mở mới đường vào các vùng trồng rừng tập trung; duy tu, nâng cấp các tuyến đường hiện có. Xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ hoạt động bảo tồn và phát triển rừng, bao gồm: nhà làm việc cho cán bộ quản lý bảo tồn và phát triển rừng, các trạm bảo vệ rừng kết hợp với điểm dừng chân của khách du lịch.

Giai đoạn 2021-2025, khoanh nuôi tái sinh rừng đạt khoảng 2.896 ha, trong đó năm 2021-2022 đạt 1.198 ha/năm. Trồng rừng phòng hộ, đặc dụng giai đoạn 2021-2025 đạt 1.100 ha, bình quân 220 ha/năm.

Mỗi năm trên địa bàn trồng thêm khoảng 500.000 cây phân tán. Thực hiện các biện pháp trồng rừng thâm canh, tăng năng suất và giá trị và cấp chứng chỉ rừng bền vững (FSC) đạt 4.000 ha.

Nhi Trần