Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tập trung phát triển thương mại chất lượng cao
Thứ sáu: 05:59 ngày 04/11/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tây Ninh tạo thuận lợi trong thu hút đầu tư, xây dựng hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại theo hướng văn minh gắn với việc phát triển thương mại điện tử và nâng cao tỷ lệ thanh toán không sử dụng tiền mặt; nâng cao chất lượng dịch vụ, hiệu quả hoạt động...

Người tiêu dùng mua hàng tại cửa hàng Bách Hoá Xanh

Với định hướng phát triển hệ thống phân phối hàng hoá theo hướng văn minh, hiện đại, tiện ích trên cơ sở kết hợp hài hoà với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh tạo thuận lợi trong thu hút đầu tư, xây dựng hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại theo hướng văn minh gắn với việc phát triển thương mại điện tử và nâng cao tỷ lệ thanh toán không sử dụng tiền mặt; nâng cao chất lượng dịch vụ, hiệu quả hoạt động góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ hàng hoá, nông sản và nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Thu hút đầu tư chất lượng cao

Đối với chợ, tỉnh định hướng phát triển mạng lưới chợ sắp xếp, phân bổ phù hợp nhu cầu tiêu dùng từng khu vực. Sửa chữa, nâng cấp, bổ sung các hạng mục cơ sở hạ tầng - vật chất thiết yếu như bãi xe, hệ thống cấp, thoát nước, nhà vệ sinh, bãi thu gom, trung chuyển và xử lý rác. Bố trí, sắp xếp các điểm kinh doanh trong chợ. Cung cấp đầy đủ dịch vụ bốc xếp, đo lường, thực hiện ghi nhãn hàng, niêm yết và bán đúng giá niêm yết.

Thực hiện nghiêm chỉnh, đầy đủ quy định pháp luật về vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự, an toàn thực phẩm, cân, đong, đo, đếm chính xác, công tác an ninh trật tự; đoàn kết, tương trợ trong ngành hàng và những hộ kinh doanh lân cận... tiến tới xây dựng chợ văn minh thương mại.

Đối với siêu thị, trung tâm thương mại, tỉnh định hướng phát triển hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, số lượng mặt hàng kinh doanh và phân khu chức năng; mở rộng việc cung ứng các dịch vụ tiện ích như: giao hàng tận nhà, bảo trì sản phẩm…

Các trung tâm thương mại tập trung kinh doanh hàng tiêu dùng cao cấp, phục vụ nhu cầu tham quan, vui chơi, mua sắm của người dân Thành phố và khách du lịch. Phấn đấu đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh có 106 chợ, (chiếm 79,79%) xã, phường, thị trấn có chợ; có 5 trung tâm thương mại và 13 siêu thị. Trong đó, giai đoạn 2021-2025, đầu tư xây dựng mới 28 chợ (trong đó xây dựng mới 6 chợ, di dời, xây dựng mới: 6 chợ, xây dựng mới trên nền chợ cũ: 16 chợ), cải tạo, nâng cấp 13 chợ và đầu tư xây dựng mới 2 siêu thị và 3 trung tâm thương mại.

Có 100% các siêu thị, trung tâm thương mại, các cơ sở mua sắm lớn hiện đại phải bảo đảm được việc thanh toán máy MPOS và cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt. Có 48 chợ (chiếm 45%) được trang bị máy MPOS hỗ trợ thanh toán không dùng tiền mặt.

Để phát triển thương mại theo hướng hiện đại, trong những năm qua, UBND tỉnh và chính quyền các địa phương đã quan tâm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng hệ thống bán buôn, bán lẻ đáp ứng một phần yêu cầu của cuộc sống. Số lượng người tham gia hoạt động kinh doanh bán buôn, bán lẻ trên địa bàn ngày càng tăng. Số lượng cũng như chủng loại hàng hoá phục vụ người tiêu dùng thông qua mạng lưới bán buôn, bán lẻ ngày càng phong phú và đa dạng.

Mạng lưới cơ sở bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh có khả năng phát triển nhanh, hình thành diện mạo mới của thương mại trên thị trường. Tại các cơ sở bán buôn, bán lẻ, chủ cơ sở quan tâm hơn đến công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, quan tâm đến việc tìm hiểu, thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước trong hoạt động kinh doanh thương mại nên hoạt động bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến tích cực.

Hoạt động của mạng lưới bán buôn, bán lẻ đã góp phần giải quyết việc làm cho lao động trên địa bàn, trong tương lai sẽ mang lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách địa phương, tạo dựng cơ sở ban đầu cho sự phát triển các mô hình hiện đại trong hoạt động kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh theo hướng văn minh hiện đại.

Nhân viên bách hóa xanh sơ chế thức ăn.

Xây dựng mô hình điểm bán hàng Việt Nam năm 2023

Qua nhiều năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, người tiêu dùng trong tỉnh đã nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của hàng hoá mang thương hiệu Việt, đã mang lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp sản xuất trong nước nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa, nâng cao sức cạnh tranh. Hệ thống phân phối hàng Việt từng bước được tạo lập ở các địa phương, hình thành được các kênh phân phối hàng Việt đến tay người tiêu dùng và tác động tích cực đến thói quen mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam.

Tuy nhiên, hệ thống phân phối hàng Việt chưa được quan tâm đúng mức và thiếu tính bền vững, người tiêu dùng khó phân biệt giữa hàng Việt Nam đạt chất lượng với các hàng hoá trôi nổi trên thị trường. Do đó, Sở Công Thương tiếp tục xây dựng dự án mô hình về điểm bán hàng Việt tại các cửa hàng tiện lợi với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh Tây Ninh năm 2023, nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp tổ chức kênh phân phối hàng hoá từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng trong tỉnh, nhất là các vùng nông thôn. Qua đó, tạo cơ hội cho doanh nghiệp sản xuất trong nước giới thiệu sản phẩm và cung cấp những mặt hàng thiết yếu phục vụ người tiêu dùng. Thông qua các điểm bán hàng Việt, các doanh nghiệp cũng như thương nhân phân phối hàng Việt sẽ góp phần thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Ngoài ra, giúp người tiêu dùng trong tỉnh tiếp cận các mặt hàng do Việt Nam sản xuất với chủng loại hàng hoá phong phú, chất lượng bảo đảm và giá cả hợp lý, Sở Công Thương xây dựng dự án xây dựng mô hình về điểm bán hàng Việt Nam tại 2 cửa hàng tiện lợi với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh năm 2023, thuộc chương trình hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối hàng Việt Nam cố định và bền vững trên địa bàn huyện Bến Cầu và huyện Tân Biên với tổng kinh phí thực hiện là gần 200 triệu đồng/2 điểm.

Xây dựng mô hình điểm bán hàng Việt Nam tại chợ, cửa hàng tiện lợi với tên gọi “Tự hào hàng Việt” giúp người tiêu dùng nhận thức đúng khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam. Đáp ứng nhu cầu của sản xuất và tiêu dùng trong nước; đẩy mạnh phát triển hệ thống phân phối tạo điều kiện đưa hàng hoá thiết yếu là hàng Việt đến tay người tiêu dùng nhằm nâng cao sức mua, bình ổn thị trường và cải thiện đời sống người dân.

Để mô hình được nhân rộng, tỉnh huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực của các chủ thể sản xuất kinh doanh hàng Việt Nam thuộc các thành phần kinh tế. Thu hút sự quan tâm và tham gia của các tổ chức, cá nhân có liên quan, đặc biệt là doanh nghiệp và người tiêu dùng ở các vùng nông thôn của tỉnh. 

Siêu thị Co.opMart TP Tây Ninh.

Theo Sở Công Thương, thời gian qua, số lượng doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường tăng lên hằng năm với lượng hàng hoá phong phú, đa dạng. Trong đó, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần phát triển thị trường hàng hoá, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh… Hàng hoá Việt Nam chiếm thị phần lớn và đã tạo được sự tin cậy đối với người tiêu dùng về chất lượng, mẫu mã, giá cả.

Điểm bán hàng Việt cố định góp phần mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp, đồng thời giúp người dân có cơ hội tiếp cận được nhiều mặt hàng Việt phong phú với giá cả hợp lý, chất lượng bảo đảm. Góp phần thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Nhi Trần

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục