BAOTAYNINH.VN trên Google News

BQL rừng phòng hộ Dầu Tiếng:

Tập trung phòng cháy chữa cháy rừng mùa khô 2019-2020 

Cập nhật ngày: 18/02/2020 - 16:02

BTNO - Để công tác phòng cháy chữa cháy rừng đạt hiệu quả, Ban quản lý rừng phòng hộ Dầu Tiếng đã chủ động xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy rừng trong mùa khô.

Theo Ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ Dầu Tiếng, trên địa bàn khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng có đồng bào dân tộc Chăm và Khmer sống tập trung (chủ yếu ở ấp Con Trăn, xã Tân Hòa, huyện Tân Châu). Hoạt động kinh tế của đồng bào chủ yếu là làm rẫy, chăn thả gia súc và trồng lúa nước.

Những thói quen, tập tục phát nương làm rẫy (kiểu du canh, du cư) của đồng bào ít nhiều vẫn còn ảnh hưởng cho đến ngày nay. Đặc biệt là vào mùa khô, họ thường phát dọn đất rừng và chờ cây khô thì châm lửa đốt để lấy đất sản xuất.

Tháp canh lửa tại BQL rừng phòng hộ Dầu Tiếng.

Bên cạnh đó, phần lớn người dân đến khu vực này sinh sống, lập nghiệp đều có đời sống khó khăn, không có việc làm ổn định, ít hiểu biết về vai trò của rừng và tác hại của việc cháy rừng, mất rừng. Ngoài thời gian làm thuê, trong mùa khô họ thường xuyên vào rừng trộm cắp lâm sản, rà sắt, bắt ong, hút thuốc vứt tàn hoặc sử dụng lửa bừa bãi... Một số hộ nhận khoán hợp đồng trồng rừng thực hiện xử lý thực bì (phát dọn, cày chống cháy...) chưa đạt hoặc chậm xử lý, khi bước vào mùa khô dễ gây ra cháy rừng lây lan.

Các khu vực có trảng ngập nước theo mùa, khi đến mùa khô không còn nước, các loại cỏ ở đây chết dần tạo nên một lớp thực bì khô; các khu vực có le, bụi rậm, dây leo... khi nắng nóng thì khô héo dần và rụng lá, tạo thành một lớp thực bì khô dưới đất, cũng là những nguyên nhân gây cháy rừng lây lan.

Đây là một trong những nguy cơ có thể gây ra cháy rừng; bên cạnh đó  còn nguy cơ khác có thể gây ra cháy rừng là do con người cố ý đốt nhằm mục đích phá hoại hoặc ác cảm đối với lực lượng bảo vệ rừng.

Những năm qua (từ 2014-2018) tại rừng phòng hộ Dầu Tiếng xảy ra 44 vụ/90,5 ha cháy rừng. Trong đó, đối với rừng trồng vật liệu cháy chủ yếu là lá khô rụng xuống đất, lẫn một ít cỏ tranh, cỏ mỹ khô. Còn đối với rừng tự nhiên và KNTS, vật liệu cháy chủ yếu là các trảng cỏ, le; cây bụi, dây leo, cỏ tranh, cỏ mỹ, lá khô, cây mục... 

Các khu vực cháy xảy ra ven theo đường giao thông, do ảnh hưởng thói quen hút thuốc, vứt tàn thuốc, sử dụng lửa bừa bãi của người đi đường. Những khu vực gần dân cư sinh sống, nhất là khu vực ấp Con Trăn, thường xảy ra cháy rừng, do tình trạng phá rừng để làm nương rẫy kéo dài nhiều năm chưa ngăn chặn triệt để. Các hiện tượng đốt lửa để bắt ong, rà sắt, chăn thả gia súc trong rừng cũng là nguyên nhân, đặc điểm gây ra cháy rừng trong mùa khô.

Theo thống kê, trong khoảng thời gian 5 năm (từ 2014 – 2018), khu vực thường xảy ra cháy rừng thuộc các tiểu khu 36, 37, 43, 44, 47, 48, 49 và khu vực 522 (thuộc ấp Con Trăn và ấp Cây Khế, xã Tân Hòa), nơi có nhiều dân cư sinh sống ven rừng. Thời điểm cháy rừng thường tập trung vào khoảng thời gian từ 13-16 giờ chiều. Thời gian gần đây có khi xảy ra cháy rừng vào khoảng 20 giờ đêm.

Để công tác phòng cháy chữa cháy rừng mùa khô 2019-2020 đạt hiệu quả, giảm thiểu các vụ cháy rừng có thể xảy ra, BQL rừng phòng hộ Dầu Tiếng đã chủ động xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy rừng mùa khô. Phương án được xây dựng dựa vào địa hình và thực tế địa bàn, nguồn nhân lực cho công tác tổ chức lực lượng phòng cháy chữa cháy rừng, xây dựng các công trình phòng cháy, xây dựng các giải pháp làm giảm vật liệu cháy, xây dựng bản đồ phân vùng trọng điểm cháy, dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng, trang bị phương tiện, thiết bị phục vụ…

BQL cũng đưa ra phương án xử lý một số tình huống cháy rừng để lực lượng phòng cháy chữa cháy rừng áp dụng hiệu quả khi có cháy rừng xảy ra trong mùa khô 2019 -2020.

Thế Nhân