Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Vừa qua, Văn phòng UBND tỉnh có thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng tại buổi khảo sát thực tế tiến độ thực hiện các dự án: đường liên tuyến đoạn ĐT.787B - ĐT.789, đường Đất Sét - Bến Củi.
Thi công tuyến đường 787 trên địa bàn phường Trảng Bàng, thị xã Trảng Bàng (ảnh minh hoạ).
Trước đó, ngày 5.4.2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng có chuyến khảo sát thực tế cùng lãnh đạo các đơn vị: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng ngành Giao thông, UBND huyện Dương Minh Châu, UBND thị xã Trảng Bàng và các đơn vị có liên quan về tiến độ thực hiện các dự án: đường liên tuyến đoạn ĐT.787B - ĐT.789, đường Đất Sét - Bến Củi.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất kết luận, hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm là nhiệm vụ quan trọng, mang ý nghĩa rất lớn, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh nói chung và bảo đảm lưu thông cho các phương tiện tham gia giao thông nói riêng. Lãnh đạo UBND tỉnh đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của các ngành chức năng, các địa phương thời gian qua trong công tác: thi công thực hiện dự án, đền bù giải phóng mặt bằng...
Để bảo đảm tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm của tỉnh trong thời gian tới, đề nghị các đơn vị, địa phương triển khai một số nhiệm vụ.
Giao UBND thị xã Trảng Bàng, tại khu vực đường ĐT.787B, ĐT.789: khẩn trương bàn giao toàn bộ mặt bằng cho đơn vị thi công chậm nhất ngày 30.6.2023. Tiếp tục thông báo, tuyên truyền vận động người dân đã nhận tiền bồi thường chủ động tháo dỡ, di dời nhà cửa, vật kiến trúc để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công chậm nhất ngày 30.4.2023.
Riêng về vấn đề các hộ dân móc đất hai bên đường 787B, đề nghị UBND thị xã Trảng Bàng tập trung chỉ đạo chấn chỉnh ngay, tuyệt đối không cho các hộ dân tiếp tục móc đất.
Về cách làm, tiếp tục vận động, tuyên truyền người dân không móc đất gây nguy cơ mất an toàn giao thông, có chế tài đối với các phương tiện vận tải và có biện pháp xử lý đối với tập thể, cá nhân tại địa phương khi để tái lập thực trạng trên (về mặt bình xét thi đua, đánh giá xếp loại nhiệm vụ hằng năm...); đồng thời, nếu còn tình trạng đào lấy đất, đề nghị Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng ngành giao thông (BQL DA ĐTXD ngành giao thông) và nhà thầu thi công trực tiếp phản ánh thông tin cho Chủ tịch UBND thị xã Trảng Bàng. Trường hợp vẫn tái diễn, Chủ tịch UBND tỉnh sẽ xử lý trách nhiệm người đứng đầu đơn vị.
Tổ chức di dời hàng cây phượng tại khu vực đường ĐT.789 chậm nhất ngày 5.5.2023 để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Liên quan đến 46 hộ tại khu vực Khu công nghiệp Phước Đông - Bời Lời: đề nghị địa phương kiểm kê các hộ này vào trong phương án đền bù giải phóng mặt bằng đường ĐT.789 để thực hiện chi trả theo quy định.
Đối với huyện Dương Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kết luận, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng trên địa bàn huyện Dương Minh Châu triển khai còn chậm. Do đó, đề nghị UBND huyện Dương Minh Châu chỉ đạo các đơn vị có liên quan tiếp tục phê duyệt phương án đền bù, sớm chi trả tiền và thực hiện bàn giao toàn bộ mặt bằng cho đơn vị thi công đường ĐT.789 chậm nhất ngày 30.6.2023.
Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan nghiên cứu, xử lý các kiến nghị của UBND huyện Dương Minh Châu theo thẩm quyền; đồng thời, đề xuất UBND tỉnh xem xét, cho ý kiến đối với những nội dung thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh.
Về tiến độ thi công, đề nghị BQL DA ĐTXD ngành giao thông tăng cường tần suất kiểm tra, giám sát hiện trường của các dự án để chấn chỉnh ngay các tồn tại, bất cập (nếu có). Riêng dự án đường Đất Sét - Bến Củi: UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cho chủ đầu tư đến ngày 30.11.2023 phải hoàn thành dự án.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị BQL DA ĐTXD ngành giao thông triển khai đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện; phân công lãnh đạo phụ trách trực tiếp từng khâu thực hiện dự án. Trường hợp phát sinh chậm trễ so với thời hạn đã cam kết, Ban Giám đốc BQL DA ĐTXD ngành giao thông phải chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND tỉnh.
Về vấn đề khan hiếm vật liệu xây dựng san lấp (cát, đất, đá, sỏi...) phục vụ cho nhu cầu đầu tư các công trình (dự án giao thông trọng điểm, dự án trong khu công nghiệp, khu đô thị...) trên địa bàn tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Xây dựng khẩn trương xây dựng đề án khai thác vật liệu xây dựng san lấp bảo đảm theo tiến độ đặt ra.
Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và các đơn vị, địa phương có liên quan kiểm tra toàn diện tình trạng hoạt động của các mỏ vật liệu xây dựng san lấp trên địa bàn tỉnh; đặc biệt khu vực tại thị xã Trảng Bàng và huyện Gò Dầu.
Báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xem xét, cho ý kiến về việc thăm dò khai thác khoáng sản, đất san lấp (phún, sỏi đỏ...) đối với những khu vực có thể cấp phép khai thác trữ lượng sâu hơn. Thời gian gửi về UBND tỉnh trong tháng 4.2023.
Tại dự án đường 789, các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công (ảnh chụp ngày 3.5.2023)
Trước mắt, trong khi chờ UBND tỉnh ban hành quyết định điều chỉnh Quyết định 3172/QĐ-UBND ngày 26.12.2018 về việc phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn tỉnh Tây Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với đơn vị có liên quan nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh xin chủ trương Thường trực Tỉnh uỷ, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ việc rút ngắn quy trình cấp phép khai thác các mỏ khoáng sản để giải quyết vấn đề khan hiếm nguyên liệu, tăng năng lực cung ứng vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh. Thời gian báo cáo UBND tỉnh trong tháng 4.2023.
Theo ghi nhận vào sáng 3.5, tại các công trình đường 789, 787, các nhà thầu khẩn trương thi công những đoạn có mặt bằng. Tình trạng người dân móc đất hai bên đường đã không còn xảy ra như trước đây.
Một doanh nghiệp xây dựng trong lĩnh vực giao thông cho rằng, trước những chỉ đạo quyết liệt của Phó Chủ tịch UBND tỉnh, hy vọng những vướng mắc sẽ được các ngành, các địa phương tập trung tháo gỡ, trong đó quan trọng nhất là vấn đề giải phóng mặt bằng và khan hiếm nguồn đất, sỏi đỏ san lấp.
Thiên Tâm