Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Cung cấp dịch vụ công trực tuyến là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi trong phát triển chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số, lấy người dân làm trung tâm, là đối tượng phục vụ.
Bên cạnh việc hoàn thành các chỉ tiêu năm 2024, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính, chuyển đổi số tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương cần tăng cường thực hiện hai khâu đột phá, đó là: thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình và tạo lập dữ liệu, tích hợp về Trung tâm điều hành thông minh (IOC) tỉnh.
Trung tâm IOC thị xã Hoà Thành (Ảnh: Tâm Giang)
Tiếp tục đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến
Việt Nam nói chung, tỉnh Tây Ninh nói riêng, đã trải qua 2 giai đoạn phát triển về dịch vụ công trực tuyến tính từ năm 2011 đến nay. Giai đoạn 1 là giai đoạn khởi động khi số lượng dịch vụ công trực tuyến mức cao được triển khai rất ít trên phạm vi cả nước. Giai đoạn 2 (đang thực hiện) là giai đoạn phát triển theo chiều rộng, số lượng thủ tục hành chính (TTHC) được đưa lên trực tuyến tăng nhanh (bao gồm cả dịch vụ công trực tuyến một phần và trực tuyến toàn trình).
Tính đến nay, tổng số TTHC được cung cấp dạng dịch vụ công trực tuyến do tỉnh công bố là 1.622 thủ tục, đạt khoảng 98% (đã tích hợp lên cổng dịch vụ công quốc gia khoảng 73%). Tổng số dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ là 324/1.622 thủ tục, đạt tỷ lệ 19,97%, trong đó, 83,02% dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình (trung bình cả nước đạt 55,5%).
Theo đánh giá của Sở Thông tin và Truyền thông, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến đã có thành công nhất định nhưng không đồng đều giữa các sở, ngành, địa phương. Một số sở, ngành, địa phương đã triển khai rất tốt như Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (có trên 80% số dịch vụ công trực tuyến toàn trình phát sinh hồ sơ trực tuyến); các huyện, thị xã: Gò Dầu, Hoà Thành, Dương Minh Châu (có trên 60% số dịch vụ công trực tuyến toàn trình phát sinh hồ sơ trực tuyến); 87 địa phương cấp xã có 100% số dịch vụ công trực tuyến toàn trình phát sinh hồ sơ trực tuyến.
Người dân làm thủ tục cấp thẻ căn cước công dân tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.
Tuy nhiên, chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh nhìn chung chưa đồng đều, vẫn còn những cơ quan, đơn vị đạt rất thấp và chưa có nhiều chuyển biến rõ nét. Kết quả giải quyết TTHC được số hoá mới đạt 87,2% (chỉ tiêu năm 2025 là 100%). Nhiều dịch vụ công trực tuyến người dân, doanh nghiệp sử dụng còn thấp hoặc chưa đáp ứng yêu cầu cung cấp mức độ toàn trình. Tỷ lệ thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình của tỉnh mới chỉ đạt 32% (mục tiêu năm 2025 là tối thiểu 80%). Việc tái sử dụng dữ liệu để người dân cung cấp thông tin một lần còn thấp. Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh vẫn còn chưa đạt yêu cầu; cơ sở vật chất đầu tư cho thực hiện TTHC và số hoá, cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở một số nơi còn rất khiêm tốn. Công tác cắt giảm và thực hiện TTHC nội bộ trên môi trường điện tử chưa được quan tâm, chú trọng. Một số nơi không quan tâm ưu tiên xử lý hồ sơ TTHC nộp trực tuyến dẫn tới người dân không muốn nộp trực tuyến…
Để bước vào giai đoạn 3 - giai đoạn dịch vụ công trực tuyến phát triển theo chiều sâu, cần có sự đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, tái cấu trúc quy trình thành phần hồ sơ trong TTHC, đào tạo nhân lực số (nhân lực khu vực công và người dân, doanh nghiệp)…
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo cải cách hành chính, chuyển đổi số tỉnh vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc- Trưởng Ban Chỉ đạo đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin, nâng cấp phần mềm, cải thiện giao diện để ngày càng đơn giản, tiện ích, thân thiện với người dùng. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh số hoá, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC, thanh toán trực tuyến; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp, người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; rà soát, đơn giản hoá TTHC; củng cố nhân sự bộ phận Một cửa, tăng cường kiểm tra công vụ đột xuất, định kỳ… Các đơn vị, địa phương ưu tiên giải quyết TTHC trực tuyến đối với những bộ thủ tục đã đủ điều kiện. Đối với những bộ thủ tục chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện thì thông báo thực hiện thí điểm tiếp nhận TTHC trực tuyến, thời gian bắt đầu từ ngày 1.12.2024 đến quý I năm 2025.
Giao dịch hành chính tại bộ phận Một cửa UBND huyện Tân Châu.
Không nóng vội trong triển khai xây dựng IOC
Thời gian vừa qua, một số sở, ngành, UBND cấp huyện trên địa bàn tỉnh xây dựng kế hoạch, đề án hoặc thí điểm xây dựng Trung tâm điều hành thông minh (IOC).
Theo lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông, điều này thể hiện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương đã có sự quan tâm thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh. Tuy nhiên, hệ thống IOC các ngành, địa phương chủ yếu tiếp nhận, chia sẻ dữ liệu thống kê từ IOC tỉnh và bổ sung thêm việc quản lý, giám sát hệ thống camera giám sát giao thông, an ninh trật tự ở địa phương và một số ít dữ liệu riêng của ngành, địa phương. Do đó, để tránh lãng phí khi đầu tư xây dựng trung tâm IOC các ngành, địa phương khi chưa có nguồn dữ liệu lớn, Sở Thông tin và Truyền thông khuyến cáo không nên nóng vội. Theo đó, không triển khai đầu tư xây dựng Trung tâm IOC khi chưa xác định rõ sự cần thiết, mục tiêu, yêu cầu cụ thể, chưa bảo đảm sẵn sàng các yếu tố cần thiết cho việc duy trì, vận hành và chưa có nguồn dữ liệu đủ lớn để tích hợp về IOC.
Dữ liệu là yếu tố cốt lõi của IOC. Các chức năng thông minh như phân tích dữ liệu lớn để hỗ trợ ra quyết định sẽ được thực hiện trên nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu mà tỉnh đang đầu tư phục vụ dùng chung. Các ngành, địa phương chỉ nên chú trọng tạo lập dữ liệu để hình thành nên các trung tâm điều hành của ngành, địa phương (OC), tích hợp dữ liệu về trung tâm IOC của tỉnh để phân tích, chia sẻ kết quả về lại cho ngành và địa phương quản lý, điều hành. Khi nào dữ liệu ngành, địa phương đủ lớn thì mới tính đến việc xây dựng IOC riêng.
Theo Sở Thông tin và Truyền thông, trong giai đoạn 2024-2025, các địa phương chỉ nên tập trung vào tạo lập dữ liệu phục vụ quản lý điều hành như nền tảng số để thu thập, tổng hợp các dữ liệu ở địa phương; đầu tư các hệ thống giám sát thông minh, camera giám sát các hoạt động, hạ tầng giao thông, đèn chiếu sáng, an ninh trật tự, y tế, giáo dục, nông nghiệp, du lịch… hình thành OC chuyên ngành, địa phương. Giai đoạn 2026-2030, tiếp tục tạo lập dữ liệu cho trung tâm OC và khi dữ liệu đủ lớn mới hình thành các trung tâm IOC ngành, địa phương.
Bên cạnh đó, các ngành, địa phương cần chủ động xác định nội dung đặt hàng với doanh nghiệp công nghệ để xây dựng Trung tâm OC giải quyết các vấn đề đặc thù, đặc trưng của ngành, địa phương mình; cân nhắc việc có nên triển khai phòng giám sát, điều hành với hệ thống màn hình hiển thị lớn (dashboard) chỉ để hiển thị các thông tin, dữ liệu mang tính thống kê, tổng hợp.
Tuệ Lâm