Kinh tế   Nông thôn mới

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Xây dựng nông thôn mới:

Tập trung ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập 

Cập nhật ngày: 08/09/2022 - 22:44

BTNO - Theo kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) năm 2022 vừa được UBND tỉnh ban hành, năm nay, thành phố Tây Ninh, thị xã Trảng Bàng sẽ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và huyện Gò Dầu đạt chuẩn NTM.

Thu hoạch lúa ở Châu Thành.

Phấn đấu có 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu

Tỉnh sẽ duy trì 55/71 xã đã đạt chuẩn NTM và 8 xã đã đạt chuẩn NTM nâng cao. Tất cả các xã đã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao giai đoạn 2010-2021 sẽ tiếp tục thực hiện nâng chất lượng tiêu chí, đáp ứng đầy đủ mức đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia giai đoạn 2021-2025.

Tỉnh phấn đấu tăng thêm 6 xã đạt chuẩn NTM (nâng tổng số xã đạt chuẩn đến cuối năm 2022 là 61/71 xã, chiếm 86%), gồm các xã: Tân Phú (huyện Tân Châu), Lộc Ninh (huyện Dương Minh Châu), Đồng Khởi và Trí Bình (huyện Châu Thành), Long Giang (huyện Bến Cầu), Thạnh Tây (huyện Tân Biên). 10 xã còn lại, trung bình mỗi xã tăng ít nhất 1 tiêu chí. Số tiêu chí bình quân/xã là 18,4 tiêu chí.

  Dự kiến tỉnh sẽ tăng thêm 9 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (luỹ kế đến cuối năm 2022 có 17/71 xã, chiếm 24%), gồm các xã: Bình Minh (thành phố Tây Ninh), Trường Hoà (thị xã Hoà Thành), Hưng Thuận (thị xã Trảng Bàng), Tân Lập (huyện Tân Biên), Tân Hưng (huyện Tân Châu), Chà Là (huyện Dương Minh Châu), Thái Bình (huyện Châu Thành), Phước Đông (huyện Gò Dầu), Long Chữ (huyện Bến Cầu).

Tỉnh cũng phấn đấu có 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (tính đến cuối năm 2022 có 2/71 xã, chiếm 3%), gồm các xã: Thanh Điền (huyện Châu Thành), Bàu Đồn (huyện Gò Dầu).

Nông dân gieo sạ bằng cơ giới ở Trảng Bàng

Phát triển sản xuất gắn với cơ cấu lại nông nghiệp

Để đạt được các mục tiêu trên, năm 2022, tỉnh tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng cơ bản phục vụ sản xuất và dân sinh ở nông thôn; chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn theo chuẩn NTM giai đoạn 2021-2025.

Tỉnh đặc biệt quan tâm phát triển sản xuất gắn với cơ cấu lại nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân. Trong đó, tập trung đầu tư, phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá tập trung, quy mô lớn, gắn với công nghiệp chế biến nông sản theo hình thức liên kết chuỗi giá trị bền vững; đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp theo định hướng phù hợp quy hoạch gắn với xây dựng NTM; xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh.

Song song đó, tỉnh tập trung phát triển mạnh các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, phù hợp với điều kiện sản xuất của nông dân; phát huy vai trò của các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, đầu mối tiêu thụ sản phẩm cho nông dân nhằm tạo đột phá về năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi; bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và nâng cao khả năng cạnh tranh, hiệu quả của ngành; phát triển các hình thức sản xuất nông nghiệp đạt tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm, hướng tới đáp ứng yêu cầu xuất khẩu (VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ); ưu tiên hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao liên kết chuỗi giá trị, thu hút, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy thực hiện bảo hiểm trong nông nghiệp.

Đáng chú ý là trong quá trình xây dựng NTM, tỉnh quan tâm duy trì lễ hội nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng; phát triển du lịch nghỉ dưỡng, tìm hiểu đa dạng sinh học, phát huy tối đa lợi thế Vườn di sản ASEAN - Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát; triển khai sản phẩm du lịch gắn với lễ hội và tín ngưỡng; gắn với các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh và các công trình văn hoá; sinh thái; nông nghiệp...

Tỉnh cũng tiếp tục củng cố, phát triển, nâng cấp hạng sao các sản phẩm OCOP đã được công nhận trong năm 2021; hoàn thiện, nâng cấp các sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP năm 2022; phấn đấu có từ 10-15 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có từ 2-3 sản phẩm OCOP đạt 4 sao.

Hệ thống thuỷ lợi rộng khắp đã tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn

Theo kế hoạch, toàn hệ thống chính trị trong tỉnh tập trung ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập; triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ nhà ở, xoá nhà tạm, dột nát; nâng cao chất lượng nhà ở dân cư; duy trì 71/71 xã đạt tiêu chí 11- nghèo đa chiều; xã hội hoá giáo dục, nâng cao chất lượng đào tạo nghề lao động nông thôn; tăng cường chất lượng dịch vụ của mạng lưới y tế cơ sở; nâng cao chất lượng, đời sống văn hoá của người dân nông thôn.

Về vệ sinh môi trường nông thôn, về khắc phục xử lý ô nhiễm và cải thiện môi trường tại các làng nghề: các địa phương trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thu gom, tái chế, tái sử dụng các loại chất thải (phụ phẩm nông nghiệp, chất thải chăn nuôi, bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, chất thải nhựa...) theo nguyên lý tuần hoàn; tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa trong hoạt động sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp; xây dựng cộng đồng dân cư không rác thải nhựa; xử lý, khắc phục ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường tại những khu vực tập trung nhiều nguồn thải, những nơi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và các khu vực mặt nước bị ô nhiễm; triển khai hiệu quả Chương trình “Tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025”; tập trung triển khai công tác quản lý môi trường tại các làng nghề truyền thống, ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh; tăng cường quản lý an toàn thực phẩm tại các cơ sở, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh thực phẩm; bảo đảm vệ sinh môi trường tại các cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, cải thiện vệ sinh hộ gia đình.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đề ra yêu cầu tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện dịch vụ hành chính công nhằm nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính theo hướng minh bạch, công khai và hiệu quả ở các cấp; tiếp tục tăng cường nâng cao năng lực nhận thức, chuyển đổi nhận thức, tư duy cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng NTM các cấp, đặc biệt là cán bộ cơ sở; tiếp tục triển khai rộng khắp phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”.

Bên cạnh đó, tỉnh xác định giải pháp đa dạng hoá các nguồn vốn đầu tư, không yêu cầu nhân dân đóng góp và huy động quá sức dân; bổ sung, hoàn thiện hệ thống các cơ chế chính sách có liên quan xây dựng NTM; thường xuyên kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện ở tất cả các xã trên địa bàn tỉnh.

An Khang


Liên kết hữu ích