Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Xã Thái Bình:
Tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao
Thứ tư: 14:48 ngày 17/05/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Nhờ đạt chuẩn nông thôn mới nên đời sống của người dân xã Thái Bình, huyện Châu Thành ngày càng được nâng lên đáng kể. Từ đó, chính quyền và nhân dân xã Thái Bình đã nỗ lực tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao.

Chăn nuôi gà trại lạnh tại Công ty TNHH Hai thành viên Ba Nguyên (ấp Suối Dộp, xã Thái Bình, huyện Châu Thành)

Ông Hồ Sỹ Hiệp- Phó Chủ tịch UBND xã Thái Bình cho biết, xã Thái Bình đã thực hiện đạt 19/19 tiêu chí theo bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao và xã đang chờ hoàn tất thủ tục để được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trong năm 2023.

Trong các tiêu chí NTM nâng cao, tiêu chí Tổ chức hình thức sản xuất được địa phương quan tâm thực hiện. Ðảng bộ, chính quyền và các đoàn thể đã tập trung chỉ đạo vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình gắn với kinh tế hợp tác, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân ứng dụng vào sản xuất, xây dựng nhiều mô hình kinh tế làm ăn có hiệu quả.

Ðến nay, nông dân trên địa bàn tập trung sản xuất, chăn nuôi áp dụng khoa học kỹ thuật, cụ thể trên địa bàn xã có 2 khu chăn nuôi gà đông lạnh; trồng dưa lưới công nghệ cao; 100 ha cây bắp F1 để xuất khẩu; trên địa bàn xã còn có Tổ sản xuất rau theo chuỗi GlobalGAP bước đầu phát triển ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cho các tổ viên và người dân.

Ông Lương Quang Mai- Tổ trưởng tổ sản xuất rau GlobalGAP (ấp Bình Long, xã Thái Bình, huyện Châu Thành) cho biết, năm 2011, Tổ sản xuất rau an toàn được công nhận Tổ sản xuất rau GlobalGAP. Ðến nay, tổ có 9 hộ tham gia sản xuất rau đạt chuẩn GlobalGAP.

Ðược sự động viên của lãnh đạo địa phương bà con nông dân tích cực sản xuất theo quy trình, đúng với tiêu chí GlobalGAP, tạo ra sản phẩm chất lượng, đầu ra ổn định, giá bán ra thị trường cao hơn, giúp các tổ viên thu nhập khá hơn so với trước đây.

Tổ đề xuất ngành nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp thu mua sản phẩm sạch cho người dân trồng rau với giá ổn định, để người dân yên tâm sản xuất.

Bà Trần Thị Hạnh- Phó Giám đốc Công ty TNHH Hai thành viên Ba Nguyên (ấp Suối Dộp, xã Thái Bình, huyện Châu Thành) cho biết, công ty có 10 trại chăn nuôi gà lạnh, tổng đàn là 200.000 con. Trong quá trình chăn nuôi, công ty áp dụng công nghệ men vi sinh làm thức uống cho gà, từ đó phân gà không có mùi, bảo đảm môi trường.

Ngoài chăn nuôi, công ty còn kết hợp trồng dưa lưới theo hướng an toàn sinh học. Công ty tận dụng chất thải độn từ chăn nuôi gà ủ thành men vi sinh tưới dưa lưới, giúp cây phát triển theo hướng an toàn sinh học.

Công ty giải quyết công ăn việc làm cho 23 lao động tại địa phương, có thu nhập ổn định, từ 7-8 triệu đồng/người/tháng.

Ông Nguyễn Hồng Phúc- Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Thái Bình cho biết, thời gian qua, Hội Nông dân đã phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện mở các lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi, chuyển giao quy trình khoa học, kỹ thuật để người dân nắm bắt và áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi, giúp nâng cao năng suất, cải thiện thu nhập của gia đình, góp phần nâng cao chất lượng tiêu chí Tổ chức hình thức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh việc phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, xã đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển hệ thống điện, hạ tầng giao thông. Ðến nay, trên địa bàn xã, 100% người dân có điện sử dụng cho sinh hoạt và sản xuất an toàn.

Về hạ tầng giao thông, có 50% các tuyến đường được bê tông hoá. Hằng năm, xã đều có kế hoạch duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường; đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập cho người dân.

Mô hình sản xuất rau theo tiêu chuẩn GlobalGAP của người dân xã Thái Bình.

Trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn được chính quyền địa phương quan tâm thực hiện. Ông Hồ Sỹ Hiệp cho biết, để tạo bước đột phá trong việc phát triển kinh tế, xã Thái Bình xây dựng chợ nông thôn theo tiêu chí số 7, ban đầu chợ có 80 sạp, sau khi chợ được xây dựng mới khang trang, đầu tư thêm cơ sở hạ tầng thì sức chứa tăng lên 150 sạp. Chợ được sắp xếp ổn định, xã phối hợp Phòng Kinh tế - Hạ tầng, Viettel Tây Ninh triển khai cho người dân và tiểu thương thực hiện mua bán không dùng tiền mặt.

Xã Thái Bình đang tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao theo hướng nâng cao toàn diện chất lượng các tiêu chí, hướng tới mục tiêu không ngừng nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Chính vì vậy, trong năm 2023, địa phương tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sản xuất nông nghiệp và triển khai sản xuất theo quy hoạch. Ưu tiên phát triển chăn nuôi khép kín, ứng dụng công nghệ cao.

Ðẩy mạnh phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại; duy trì và nhân rộng các mô hình nhà vườn có hiệu quả kinh tế cao; gắn phát triển kinh tế vườn với chỉnh trang nhà vườn theo tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu. Ðẩy mạnh cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp; ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp; mở rộng việc liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm.

UBND xã Thái Bình phát triển khu công nghiệp công nghệ cao, hình thành khu chuyên canh gắn với phát triển du lịch nông nghiệp tại địa phương. Ðồng thời, địa phương phát triển tập trung các sản phẩm là thế mạnh như: sản xuất rau sạch, GlobalGAP, sản phẩm OCOP, hiện nay trên địa bàn xã chỉ có 1 sản phẩm OCOP muối ớt Thắng Lợi, trong thời gian tới, xã tiếp tục phát triển từ 1- 2 sản phẩm đạt chuẩn OCOP.

Ngoài ra, lãnh đạo xã tiếp tục vận động người dân cùng với chính quyền để từng bước nâng chất các tuyến đường nông thôn, ngõ hẻm như: các tuyến đường chưa được bê tông hoá thì xã sẽ vận động bê tông xi măng, xã hỗ trợ kinh phí mua vật tư, để đầu tư hệ thống giao thông tạo điều kiện thuận lợi cho người dân di chuyển và vận chuyển hàng hoá.

UBND xã củng cố, kiện toàn ban chỉ đạo, ban quản lý, cũng như bố trí cho công chức chuyên môn phụ trách các chỉ tiêu để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, từ đó có những đề xuất kịp thời, đưa ra những sáng kiến hay để áp dụng rộng rãi trong nhân dân, góp phần nâng chất của tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, phấn đấu đến năm 2025 đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Nhi Trần

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục