Kinh tế   Nông thôn mới

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thành phố Tây Ninh:

Tập trung xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao 

Cập nhật ngày: 15/10/2021 - 00:48

BTN - Trong thời gian tới, cấp uỷ, chính quyền và nhân dân xã Tân Bình đặt mục tiêu giai đoạn 2021-2026 hoàn thành các tiêu chí nâng cao theo quy định của UBND tỉnh; giai đoạn 2026-2030, phấn đấu trở thành xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu theo quy định của Chính phủ.

Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 5 tham gia xây dựng nông thôn mới tại xã Tân Bình, thành phố Tây Ninh.

Thành phố Tây Ninh có 38.216 hộ với 135.254 nhân khẩu (khu vực nông thôn 23.599 nhân khẩu); thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn đạt 59,83 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo 48,18%; tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh là 99,2%, tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn quốc gia là 70,2%.            

Những năm qua, công tác xây dựng nông thôn mới được thành phố Tây Ninh đẩy mạnh, huy động sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, cải thiện đời sống nhân dân; kết cấu hạ tầng khu vực nông thôn ngày càng được đầu tư cơ bản, đồng bộ; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội.

Thành phố triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (gọi tắt là chương trình) với sự vào cuộc quyết liệt của cấp uỷ, chính quyền các cấp; sự hưởng ứng, đoàn kết, chung sức, tích cực tham gia của các tầng lớp nhân dân; vai trò tiên phong, gương mẫu của các cấp uỷ chi bộ, Ban Phát triển nông thôn mới ở ấp, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc tổ chức thực hiện chương trình. Đây chính là điều kiện thuận lợi, quyết định kết quả xây dựng nông thôn mới của Thành phố trong những năm qua. 

Kết quả, qua 10 năm thực hiện chương trình, đời sống, thu nhập người dân có bước phát triển; hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư, bảo đảm các nhu cầu cơ bản của người dân nông thôn. Đến nay, Thành phố đã đạt được kết quả khả quan, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố đề ra, xây dựng 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới. 

Từ năm 2011, Thành phố bắt đầu thực hiện chương trình giai đoạn 2010-2020. Mức độ đạt trung bình là 3,33 tiêu chí/xã, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn một số ngành kinh tế chủ yếu 10.839,27 tỷ đồng; hộ nghèo chiếm tỷ lệ 1,01% (62/6.148 hộ).

Thành phố xác định xây dựng nông thôn mới liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, được phân cấp triệt để cho cơ sở; trong khi đó, năng lực, trình độ của một bộ phận cán bộ, công chức xã còn hạn chế, kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ nên lúng túng trong triển khai thực hiện. Giai đoạn đầu thực hiện chương trình, một bộ phận cán bộ, đảng viên và người dân chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của chương trình, còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại, thụ động hoặc nóng vội.

Bên cạnh đó, nhu cầu vốn cho xây dựng nông thôn mới rất lớn, nhưng kinh phí đầu tư từ ngân sách còn hạn chế, kết quả huy động nguồn lực ngoài ngân sách thấp. Tư tưởng sản xuất nhỏ, tự cấp, tự túc trong nông thôn còn nặng nề; sản xuất nông nghiệp lợi nhuận thấp, rủi ro cao nên khó thu hút doanh nghiệp về đầu tư sản xuất nông nghiệp.

Công tác triển khai chương trình gắn với thực hiện đề án cơ cấu lại nông nghiệp thực hiện còn chậm so với yêu cầu. Liên kết sản xuất giữa nông dân với doanh nghiệp và nhà khoa học chậm phát triển, thiếu bền vững.

Tuy nhiên, với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Thành phố vượt qua thách thức, khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, tiến đến xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu gắn với xây dựng đô thị văn minh. 

Năm 2011, Thành phố triển khai thực hiện chương trình giai đoạn 2010-2020, có 3/3 xã thực hiện chương trình, mức độ đạt Bộ tiêu chí trung bình là 3,33 tiêu chí/xã. Đến năm 2014, xã Bình Minh (xã điểm) đạt 19/19 tiêu chí, được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (một trong số những xã đầu tiên của tỉnh). Đến tháng 12.2020, có 3/3 xã (100%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (xã Bình Minh năm 2014, xã Thạnh Tân năm 2019, xã Tân Bình năm 2020).

10 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới tại thành phố Tây Ninh, cảnh quan nông thôn khang trang, vệ sinh môi trường, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, các tuyến giao thông, trường học, trạm y tế, chợ được nâng cấp, đầu tư đạt chuẩn; 100% hộ dân được sử dụng điện an toàn, 99,2% hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh, 70,2% hộ được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn 02-2009/BYT,…

Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến cuối năm 2020 đạt 59,83 triệu đồng/người/năm; không còn hộ nghèo. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng cao, khoảng cách giữa thành thị và nông thôn dần thu hẹp. Từ đó, công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý đi vào nền nếp và được thực hiện khá chặt chẽ, phát huy sức mạnh cộng đồng, thay đổi nhận thức của người dân trong tham gia thực hiện Chương trình.

Trong thời gian tới, Thành phố tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, giá trị gia tăng cao, bền vững, làm thay đổi nhanh khu vực nông thôn.

Thực hiện đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu về kinh tế - xã hội nông thôn gắn với phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn. Xây dựng môi trường văn hoá - xã hội lành mạnh, văn minh, dân chủ, bình đẳng, ổn định; môi trường nông thôn theo hướng xanh - sạch - đẹp; quốc phòng và an ninh, trật tự được giữ vững.

Trong đó, 3/3 xã nông thôn mới được duy trì, nâng cao chất lượng theo tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Phấn đấu năm 2022, có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (xã Bình Minh), năm 2023 là xã Thạnh Tân và năm 2024 là xã Tân Bình đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; năm 2025 có 2/3 xã (Bình Minh, Thạnh Tân) đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Thành phố Tây Ninh cũng chú trọng đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ; phát triển mở rộng các nghề phục vụ du lịch và tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Tập trung vận động, khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư thực hiện nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch; xây dựng mô hình liên kết giữa chính quyền địa phương với các nhà khoa học, doanh nghiệp và người nông dân, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm trong nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân.

Đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 1,8 lần so với năm 2020; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 90%; tỷ lệ hộ sử dụng nước đạt chuẩn quốc gia (QCVN 02/2009/BYT) trên 75%. 

Theo lãnh đạo xã Bình Minh, với mục tiêu được UBND thành phố Tây Ninh đặt ra, xã phấn đấu năm 2023 đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao theo Bộ tiêu chí quy định tại Quyết định số 192/QĐ-UBND ngày 22.1.2019 của UBND tỉnh.

Qua 10 năm xây dựng nông thôn mới, năm 2020, xã Tân Bình đã hoàn thành 19/19 tiêu chí và trở thành xã thứ 3 của thành phố Tây Ninh đạt chuẩn “xã nông thôn mới”. Từ đó, Tân Bình tiếp tục thực hiện các tiêu chí nâng cao trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Trong thời gian tới, cấp uỷ, chính quyền và nhân dân xã Tân Bình đặt mục tiêu giai đoạn 2021-2026 hoàn thành các tiêu chí nâng cao theo quy định của UBND tỉnh; giai đoạn 2026-2030, phấn đấu trở thành xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu theo quy định của Chính phủ.

Tấn Hưng


Liên kết hữu ích