Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Tạp văn: Chiếc lồng đèn lon bia
Thứ ba: 10:55 ngày 14/09/2010

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Nghe người lớn kể lại, Trung thu ngày xưa… nghèo nhưng mà vui. Trời cũng dường như thương đám trẻ nên khô ráo, ánh trăng tròn vành vạnh, soi sáng mọi chốn ở trần gian.

Nghe người lớn kể lại, Trung thu ngày xưa… nghèo nhưng mà vui. Trời cũng dường như thương đám trẻ nên khô ráo, ánh trăng tròn vành vạnh, soi sáng mọi chốn ở trần gian. Từ thành thị đến thôn quê, trong tiếng trống múa lân rộn ràng, thôi thúc, đám trẻ con rồng rắn nối đuôi nhau, xếp hàng đi lãnh bánh và rước đèn. Đèn phần nhiều là tự chế, cây nhà lá vườn nên không được đẹp, nhưng cũng lung linh kỳ ảo với nhiều màu sắc, hình dạng. Đèn ông sao, đèn bánh ú, đèn giấy xếp, một vài cái lồng đèn con bướm, con thỏ và… xe tăng! Còn lại, một số rước đuốc, đẩy xe bằng đèn lon sữa bò.

Gần đến rằm tháng Tám, Tết Trung thu bây giờ đã thấy bày la liệt các hàng, các sạp, các tủ kính, lộng lẫy, choáng ngợp, chất đầy các loại bánh trung thu, từ chất lượng bình dân rẻ tiền đến cao cấp, dân dã bình thường chỉ biết nhìn thèm thuồng mà không dám mơ tới! Bên cạnh các loại bánh trung thu là đèn lồng. Buồn là có quá nhiều đèn lồng của Trung Quốc, những cái đèn dán bằng vải, lụa, hoặc bằng nhựa, sử dụng pin nên không sợ… bị cháy. Đèn Việt Nam hình như lép vế, chỉ bày bán cho có lệ, hoặc là những cái lồng đèn làm kiểu cọ, kỳ công, giá bán cao chất ngất. Chỉ để ngắm, ít người dám mua.

Trong bản tin thời sự VTV3 mới đây thôi. Một “làng nghề” làm lồng đèn truyền thống của Việt Nam ở quận 11, thành phố Hồ Chí Minh có… nguy cơ bị xoá sổ, bởi lẽ ít người đặt làm lồng đèn. Thương lái chạy theo các loại lồng đèn Trung Quốc, bởi nhiều mẫu mã tân tiến, hiện đại lại có lãi nhiều hơn loại lồng đèn thủ công của người xứ mình làm. Chợt rưng rưng buồn với câu khẩu hiệu: “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”.

Cái vui buồn bất chợt ấy, thêm cái suy tư về những mẫu mã, chất lượng của hàng Việt Nam có lẽ chỉ diễn ra ở thành thị, các thành phố lớn. Trung thu chăm lo cho con trẻ được “bằng chị bằng anh” còn thêm cái lo cho… người lớn. Việc lễ lạt, hiếu hỉ, kính biếu… cho cấp trên, họ hàng, người ơn, cha mẹ, thầy cô… Trăm mối lo ràng buộc con người bởi “lễ nghĩa” khó có thể từ chối! Phải vậy chăng mà Trung thu nghiêng nhiều về phía người lớn?

 Chỉ ở phố huyện, thôn xã, nơi vùng xa, vùng sâu… trung thu là niềm mong đợi của trẻ. Cái bánh trung thu đơn giản, cái bánh dẽo, bánh nướng, cũng làm khuôn mặt trẻ thơ rạng rỡ, thèm thuồng! Quà trung thu còn là những cây trái trong vườn: quả cam, quả bưởi, quả bòng, mãng cầu, đu đủ, mía… Tất cả đều có thể làm nên một mâm cổ trung thu đón “Ánh trăng trắng ngà” để làm quen với “Cây đa to, thằng Cuội già” thân tình mà rộn rã.

Còn những cái đèn lồng được làm bằng nan trúc, nan tre… tự nhiên và hồn nhiên như trẻ mà ai cũng có thể làm được một cái để biểu thị tấm lòng trìu mến với tuổi thơ dù năm cánh ngôi sao có thể là chưa cân xứng, cái bánh ú còn méo góc, hoặc con bướm, con thỏ có thể giống một con gì đó… đại loại, nhưng khi phết lên lớp hồ, lớp mủ cao su, thậm chí là cơm nguội và dán lên đó những tờ giấy đủ màu, đủ hình thù, vui mắt. Cuối cùng cắm vào đó một ngọn đèn là đủ “thắp sáng ước mơ” và ấm áp lắm rồi. Không mơ ước gì hơn.

 Có khi là để tránh… cháy, tránh mưa, vì thời tiết thất thường. Hay có khi là vì không có sẵn tre, trúc trong vườn và cũng có khi vì… nghèo, không đủ tiền mua tre, trúc, giấy màu, hay sót vì sự… hoang phí, mà lòng không nỡ để tuổi thơ của con trẻ kém vui, kém náo nhiệt vì một năm chỉ có một lần “Tết Trung thu”, ai đó đã nghĩ ra cách làm một cái lồng đèn bằng những thứ bỏ đi, đó là lon sữa bò, lon bia… được coi là phế thải! Chỉ cần hai lon sữa bò đã dùng hết sữa và chỉ mất vài tiếng đồng hồ là có ngay một chiếc lồng đèn vừa đẩy, vừa xoay một cách tài tình. Lon sữa bò, một lon bỏ nắp, một lon để nguyên hai nắp, súc rửa sạch sẽ, dùng một cọng kẽm cứng, xuyên qua chính giữa hai nắp, một đầu kẽm bẻ cong lên, để ngang lon sữa bỏ nắp nằm ngang. Cọng kẽm đầu kia cột vào một cái que nhỏ, vậy là có một chiếc đèn lồng khiến trẻ phải reo lên sung sướng.

Đơn giản và nhanh hơn là chiếc đèn lồng bằng vỏ lon bia. Đó là “ngón nghề” thiện nghệ của bác Năm cuối xóm. Chỉ với vỏ lon bia (hoặc nước ngọt), một cái kìm nhỏ, con dao nhíp sắc nhọn. Lon bia được khui bỏ nắp. Cầm con dao nhíp rọc từ trên thân vỏ bia xuống mươi đường, dùng tay nhún cái vỏ lon xuống vừa phải, là đã có ngay một cái lồng đèn gọn, nhẹ và đẹp nữa. Bác Năm kể, ngày xưa làm cho… sáu đứa con mà bác “quen tay”. Năm nào đến Tết Trung thu bác cũng làm vài chục cái, phát không cho lũ trẻ có cái cầm trong tay mà đi rước đèn “tùng dinh dinh, cắc tùng dinh dinh, em rước đèn này đến cung trăng…”.

Bác Năm còn cười móm mém và cho biết một bí mật: “Năm đó cái lồng đèn bằng vỏ lon bia của bác được chấm giải… nhất vì độc đáo và sáng tạo”. Ấy là những năm xửa năm xưa. Mà nghĩ cho cùng cái đèn cũng độc đáo thật, bây giờ lại càng… thân thiện với môi trường, có thể tận dụng hết các vỏ lon bia, nước ngọt bỏ đi, mà có thể mang lại thật nhiều niềm vui cho trẻ em nghèo, mồ côi, cơ nhỡ… Ngần ấy công lao không lẽ không đáng giải nhất?...

N.S.T

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục