Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Với Thuỳ Dương- cô giáo có gần 20 năm giảng dạy và vẫn luôn tâm huyết với nghề giáo, những ý tưởng sáng tạo vẫn còn đang ở phía trước, đầy ắp và luôn thôi thúc cô hành động, vì những học sinh thân yêu...
Cô giáo Nguyễn Thị Thuỳ Dương.
Tại lễ tổng kết và trao giải Hội thi Sáng tạo khoa học và kỹ thuật tỉnh Tây Ninh lần thứ 11 (2018-2019), báo cáo tham luận của cô giáo Nguyễn Thị Thuỳ Dương, Phó Hiệu trưởng Trường TH-THCS-THPT Thành Thành Công (TP. Tây Ninh) đã để lại nhiều ấn tượng cho mọi người.
Với đề tài “Phát triển khả năng ứng dụng toán tiểu học vào thực tiễn thông qua hoạt động trải nghiệm cho học sinh khối 5” đoạt giải Ba, cô Thuỳ Dương không chỉ trình bày phương thức, kết quả mà còn là những suy nghĩ, lập luận mới, táo bạo và thuyết phục khi cho trẻ trải nghiệm, tiếp cận kỹ năng sống ngay khi còn bé, biến môn Toán khô khan thành một điều thú vị.
Nhiệt huyết của cô giáo trẻ vùng biên...
Tốt nghiệp cử nhân Sư phạm khoa Giáo dục tiểu học (Trường cao đẳng Sư phạm Tây Ninh liên kết với Trường đại học Sư phạm Huế), năm 2001, Thuỳ Dương bắt đầu sự nghiệp ở một ngôi trường nhỏ vùng biên giới: Trường tiểu học Thành Bắc thuộc xã Thành Long, huyện Châu Thành.
Trường nghèo, chỉ có khoảng 10 lớp học với nhiều học sinh là người dân tộc Khmer. Thuỳ Dương có đến 10 năm gắn bó với ngôi trường này với biết bao ước mơ, lý tưởng và nhiệt huyết đầu đời. Nhà Thuỳ Dương ở xã Thái Bình, mỗi ngày đi dạy phải vượt quãng đường hơn 10km.
Thuở ấy, đường từ xã Thái Bình đến Thành Long đã có cầu Bến Sỏi nhưng vẫn là đường đất đỏ, đầy những ổ gà lớn lầy lội và bùn đất. Thế nên, người đồng nghiệp cùng trường và ở gần nhà Thuỳ Dương là thầy Lâm Phương Khanh đã “tình nguyện” làm “tài xế” đưa đón cô đi dạy, rồi cùng đồng ý về chung một mái nhà.
Hai đứa con lần lượt ra đời đã tăng thêm niềm vui, hạnh phúc cho gia đình nhỏ ấy. Hạnh phúc và lý tưởng đã giúp Thuỳ Dương thêm gắn bó với những lớp học trò nghèo vùng biên giới của mình, nhẫn nại dạy cho các em từng con chữ, bài toán.
Năm học 2009-2010, lớp do Thuỳ Dương làm chủ nhiệm có em Út Chanh, người dân tộc Khmer bị bệnh chậm phát triển và khuyết tật chân nhưng vẫn học cùng các bé bình thường để thực hiện chính sách hoà nhập.
Thuỳ Dương đã kiên trì chăm sóc, gần gũi và nhẫn nại dạy em. Kết quả là em dần phát triển khả năng học tập một cách rõ rệt so với trước đó. Thuỳ Dương còn vận động mạnh thường quân tặng em chiếc xe lăn hỗ trợ đi lại.
Với thành tích ấy, Thuỳ Dương được chọn tham gia hội giảng Giáo viên giỏi vòng tỉnh và vinh dự ra Hà Nội dự lễ tuyên dương Giáo viên và Cán bộ quản lý có thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục trẻ khuyết tật toàn quốc lần thứ 3- 2010, nhận bằng khen của Bộ Giáo dục và Ðào tạo.
Năm 2012, Thuỳ Dương chuyển về Trường tiểu học Ðỗ Tấn Nhiên- một ngôi trường nhỏ thuộc xã An Bình (huyện Châu Thành) với vai trò Phó Hiệu trưởng. Suốt 8 năm gắn bó với ngôi trường này, Thuỳ Dương vẫn không ngừng phấn đấu, sáng tạo và đã góp phần cùng giáo viên của trường đạt danh hiệu trường tiên tiến nhiều năm liền. Riêng Thuỳ Dương được UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc liên tục trong 2 năm học 2017-2018 và 2018-2019.
Và những giải pháp sáng tạo
Là một cán bộ quản lý và cũng từng là giáo viên tiểu học nhiều năm liền, Thuỳ Dương trăn trở khi tiếp nhận công văn hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học năm 2018-2019 của Bộ Giáo dục và Ðào tạo về “Thực hiện dạy học gắn lý thuyết với thực hành; tăng cường các hoạt động trải nghiệm, vận dụng kiến thức vào thực tế của học sinh…”; cùng với thực tế là một trường vùng nông thôn như Ðỗ Tấn Nhiên, hoạt động trải nghiệm còn xa lạ, mới mẻ, chỉ dừng lại ở việc đưa học sinh tham quan, tìm hiểu về lịch sử, nhận thức đơn giản về cuộc sống xung quanh; phương pháp dạy học vẫn còn xem nặng lối truyền thụ kiến thức, chưa chú trọng phát triển năng lực, sở trường của học sinh, nhất là đối với khối 5. Với niềm tin vào phương pháp giáo dục mới, Thuỳ Dương đã mạnh dạn đề xuất giải pháp “Phát triển khả năng vận dụng Toán tiểu học vào thực tiễn thông qua hoạt động trải nghiệm cho học sinh khối 5”.
Từ tình hình thực tế của Trường tiểu học Ðỗ Tấn Nhiên, Thuỳ Dương đã đưa ra 6 mô hình trải nghiệm: Ứng dụng toán tiểu học (UDTTH) qua các hoạt động của nghề trồng lúa (giáo viên chọn cánh đồng lúa gần trường nhất đang trong thời điểm gieo hạt, bón phân hoặc thu hoạch để tổ chức cho học sinh trải nghiệm đo đạc và tính toán: diện tích cánh đồng, khối lượng hạt giống, lượng phân bón, năng suất thu hoạch, lợi nhuận sau thu hoạch…);
UDTTH qua các hoạt động của nghề trồng rau (giáo viên chọn vườn rau gần trường nhất để học sinh trải nghiệm ứng dụng toán: tính thời gian đi từ trường tới vườn rau, đo diện tích các vườn rau, cân khối lượng phân bón cho rau hoặc cân rau thu hoạch, thực hiện mẫu thống kê các loại phân bón, tiền bán rau theo khối lượng các loại rau thu được…); UDTTH qua các hoạt động của nghề làm bánh tráng (giáo viên chọn cơ sở hoặc gia đình làm bánh tráng gần trường và cho học sinh trải nghiệm tính toán về: cách pha chế bột bánh tráng như cân gạo, nước dùng xay bột, tỷ lệ các nguyên liệu; tính toán diện tích chiếc bánh, giàn phơi, số lượng bánh được tráng và phơi, tiền bán bánh tráng thu được…);
UDTTH qua hoạt động mua sắm ở siêu thị (tuỳ vào điều kiện của lớp, giáo viên có thể tổ chức cho học sinh đi siêu thị thật hoặc siêu thị giả định tại lớp học. Thông qua trò chơi “Ai thông minh hơn”, giáo viên giao cho 3 nhóm học sinh số tiền 500.000 đồng với đủ các mệnh giá khác nhau; sau thời gian 20 phút, nhóm nào mua đủ 3 sản phẩm với số tiền giảm nhiều hơn và giải thích cách tính đúng thì thắng cuộc.
Qua trò chơi, học sinh có thể tính toán thời gian mua đồ và trở về điểm tập hợp, tính toán trả tiền bằng các mệnh giá tiền đang có, tính số hàng mua phù hợp với số tiền được cấp…); UDTTH thông qua hoạt động chuẩn bị nguyên liệu nấu ăn hoặc pha chế các loại nước uống (tìm hiểu tên các loại nguyên liệu thành phần của món ăn, cân đong nguyên liệu, tính tỷ lệ các loại nguyên liệu trong thức ăn, tính số lượng gạo cần nấu tương ứng với số người ăn…).
Với sự hỗ trợ của Ban Giám hiệu Trường tiểu học Ðỗ Tấn Nhiên, Ban Giám hiệu các trường bạn và một số giáo viên, Thuỳ Dương đã tổ chức 3 hoạt động trải nghiệm thực tế cho học sinh: trải nghiệm thu hoạch và bán rau ở Trường tiểu học Bình Phong vì trường gần khu vực người dân trồng nhiều rau, phù hợp cho việc di chuyển học sinh; trải nghiệm trong siêu thị giả định ở Trường tiểu học Ðỗ Tấn Nhiên vì trường thuộc vùng nông thôn, ít được đi siêu thị nên học sinh cần trải nghiệm để trang bị kỹ năng mua sắm cho các em; trải nghiệm chuẩn bị nguyên liệu nấu ăn (canh chua cá và cơm) ở Trường tiểu học thị trấn Châu Thành B vì trường có bếp ăn bán trú.
Các hoạt động trải nghiệm này đều được quay video clip và phát phiếu khảo sát đơn giản cho học sinh sau trải nghiệm (nhận định về mức độ khó - dễ của trải nghiệm; mức độ thích thú của học sinh qua trải nghiệm; nhận định về sự cần thiết ứng dụng kiến thức toán vào cuộc sống; mong muốn của học sinh về mức độ được học tập qua trải nghiệm).
Kết quả trải nghiệm còn được xác định qua số liệu đối chứng bài làm của học sinh tham gia trải nghiệm và không trải nghiệm ở 3 trường; phiếu khảo sát ý kiến giáo viên trước và sau khi tổ chức hoạt động trải nghiệm…
Qua thực nghiệm, dự giờ của các đồng nghiệp, ý kiến của học sinh, giáo viên và các nhà quản lý, có thể khẳng định giải pháp do Thuỳ Dương đưa ra đã mang đến những hiệu quả tích cực, đặc biệt là tính mới và tính sáng tạo. Giải pháp đã giới thiệu cách thức tổ chức dạy học mới cho môn toán; không khô khan, không áp đặt, giúp học sinh khắc sâu kiến thức toán một cách tự nhiên.
Giải pháp cũng đóng góp thêm cách nhận định mới cho hoạt động trải nghiệm là giáo viên có thể tổ chức cho học sinh trải nghiệm trên bất kỳ môn học nào và bất cứ giáo viên nào cũng có thể dạy học theo hướng trải nghiệm, góp phần tạo cái nhìn mới về giáo dục trong xã hội “học đi đôi với hành”.
Năm học 2019-2020, Thuỳ Dương chuyển về làm Phó Hiệu trưởng Trường TH-THCS-THPT Thành Thành Công- ngôi trường có quy mô lớn và phương pháp giáo dục hiện đại. Ở môi trường mới này, Thuỳ Dương đã được tạo mọi điều kiện để phát huy những sáng kiến, ước mơ của mình.
Từ ý tưởng và nội dung của giải pháp, Thuỳ Dương mở rộng ứng dụng hiệu quả cho học sinh của trường thực hiện, chỉ trong 3 tháng 9-11.2019 đã có 8 chuyến với 32 tiết học trải nghiệm ngoài nhà trường như: Công viên 30.4, Công viên Xuân Hồng, Toà thánh Tây Ninh, siêu thị Co.opmart…
Với Thuỳ Dương- cô giáo có gần 20 năm giảng dạy và vẫn luôn tâm huyết với nghề giáo, những ý tưởng sáng tạo vẫn còn đang ở phía trước, đầy ắp và luôn thôi thúc cô hành động, vì những học sinh thân yêu...
Hải Âu