Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tắt sóng 2G, người dùng điện thoại “cục gạch” đời cũ sẽ ra sao?
Thứ hai: 10:07 ngày 23/10/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Từ tháng 12 tới đây, các nhà mạng di động tại Việt Nam sẽ khóa các thiết bị chỉ dùng sóng 2G. Điều này cũng có nghĩa là các thiết bị này sẽ trở thành “cục gạch” đúng nghĩa sau hơn 3 tháng nữa. Không ít người dùng lo sẽ liên lạc ra sao khi không có tiền mua máy mới, hoặc không biết sử dụng điện thoại thông minh.

Người dùng “cục gạch” đời cũ băn khoăn

Năm nay đã ngoài 60 tuổi, bà Lê Thị Soạn (quận Long Biên, Hà Nội) lo ngại khi sắp tới chiếc điện thoại không có hệ điều hành, chỉ dùng để nghe, gọi, nhắn tin SMS, sẽ không dùng được nữa do nhà mạng tắt sóng 2G.

“Tôi không hiểu tắt sóng 2G là như thế nào, nhưng tại sao điện thoại của tôi không hỏng mà lại không sử dụng được nữa? Tôi có nghe các con giải thích là bây giờ phải mua điện thoại mới để vào mạng đọc tin tức, xem phim... Nhưng người già như tôi rất khó để sử dụng loại điện thoại mới này, thực sự tôi chỉ muốn dùng điện thoại “cục gạch” để nghe, gọi, chứ không cần gì cả” - bà Soạn nói.

Người dùng này cũng cho biết thêm, bà không có nhu cầu chuyển đổi sang điện thoại mới thông minh, không cần thêm công cụ giải trí hay thanh toán, mua hàng bằng tài khoản từ chiếc điện thoại. “Giải trí thì xem TV là đủ, vừa to vừa rõ, còn thanh toán online thì mắt mũi tôi kèm nhèm, bấm sai lại thành phiền phức” - bà Soạn chia sẻ.

Điện thoại thuần 2G sắp bị tắt sóng.

Cũng đã biết thông tin điện thoại cũ sắp bị tắt sóng, ông Nguyễn Văn Nguyện (Hà Đông - Hà Nội) lại không muốn tốn tiền mua điện thoại thông minh khi nhu cầu cá nhân không có. “Tôi làm công việc chân tay nên điện thoại đời cũ là đủ dùng, kích thước nhỏ cũng tiện mang theo, không sợ bị rơi. Nếu tới đây điện thoại này không dùng được nữa thì rất khó khăn cho chúng tôi” - ông Nguyện băn khoăn.

Trên thực tế, nhiều nước trên thế giới đã thực hiện tắt sóng 2G. Đây là một bước đi quan trọng trong kế hoạch Chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam, nhằm đạt mục tiêu phổ biến việc truy cập vào mạng di động 4G/5G và sử dụng điện thoại thông minh trên toàn quốc vào năm 2025. Quyết định “tắt sóng” mạng 2G được coi là một bước quan trọng để thúc đẩy các chương trình chính phủ điện tử, nền kinh tế số và xã hội số tại Việt Nam.

Tắt sóng 2G từ tháng 12-2023

Theo Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), các nhà mạng di động tại Việt Nam đã cam kết thực hiện việc khóa các thiết bị chỉ dùng sóng 2G ngay từ tháng 12-2023. Điều này cũng có nghĩa là các thiết bị này sẽ trở thành “cục gạch” đúng nghĩa chỉ sau gần 3 tháng nữa, không cần đợi đến thời điểm tháng 9-2024. Theo báo cáo của các doanh nghiệp viễn thông hồi đầu năm 2023, Việt Nam có hơn 26 triệu thuê bao di động 2G, chiếm 20% trong tổng số 126 triệu thuê bao di động trên toàn quốc. Đến tháng 8-2023, còn khoảng 23 triệu thuê bao di động 2G.

Để thực hiện kế hoạch này, Cục Viễn thông yêu cầu nhà mạng báo cáo số lượng thuê bao sử dụng máy thuần 2G không hợp pháp có thể khóa máy. Sắp tới, cơ quan chức năng sẽ truyền thông cho người dân đang sử dụng thiết bị 2G không hợp chuẩn, hợp quy, sẽ bị ngắt ra khỏi mạng kèm theo phương án chuyển đổi phù hợp để đảm bảo quyền lợi cho người dân cũng như doanh nghiệp viễn thông.

Mục tiêu đề ra là đến cuối năm 2023 chỉ còn dưới 5% thuê bao 2G (tương đương khoảng 6 triệu thuê bao), tiến tới tắt hoàn toàn mạng 2G vào năm 2024. Bên cạnh đó, việc thanh tra, kiểm tra nhập khẩu, phân phối, lưu thông máy thuần 2G, 3G cũng sẽ được triển khai.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã có văn bản gửi các Sở Thông tin và Truyền thông đề nghị kiểm tra các chi nhánh của doanh nghiệp kinh doanh mô hình chuỗi, các hộ kinh doanh đơn lẻ để đảm bảo không còn máy điện thoại di động thuần 2G, 3G lưu thông trên địa bàn; phối hợp với các đơn vị quản lý thị trường, hải quan, công an, kiểm tra, ngăn chặn việc mua bán lưu thông thiết bị điện thoại thuần 2G, 3G vi phạm quy định; kết quả gửi về Bộ trước ngày 30-11-2023.

Mạng truyền sóng 2G là công nghệ di động được phát triển ở Việt Nam từ năm 1993. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, những năm qua các lỗ hổng bảo mật của mạng 2G đã và đang bị tội phạm mạng khai thác ngày càng nhiều, đặc biệt là tình trạng phát tán tin nhắn rác và lừa đảo qua tin nhắn. Bên cạnh đó, 2G cũng là nguyên nhân cản trở việc triển khai những kết nối di động mạnh mẽ hơn như 4G/5G/6G. Do đó, việc tắt sóng 2G là cần thiết.

Khách hàng chuyển đổi lên 4G sẽ được hỗ trợ

Đại diện Viettel cho biết, doanh nghiệp này không chỉ lên kế hoạch tắt sóng 2G theo chủ trương của Bộ Thông tin và Truyền thông, mà còn chủ động tắt sóng 3G trên diện rộng, đối với những khu vực thuê bao đã dịch chuyển lên 4G (ngay từ năm 2022) để tập trung cho phát triển 4G và 5G. TP.HCM, Đà Nẵng, Thái Nguyên, Bình Dương, Quảng Bình, Nghệ An, Đồng Tháp, Ninh Bình, Thừa Thiên - Huế... đã được thử nghiệm tắt mạng 2G/3G. Còn đối với khách hàng, Viettel trợ giá thiết bị di động, tặng gói cước khuyến mãi... Khách hàng đang dùng 2G khi chuyển lên thiết bị 4G sẽ được tặng 28GB data dùng trên hạ tầng 4G trong 28 ngày. Ngoài ra, Viettel cũng tung ra một số dòng máy 4G với mức giá chỉ từ 290.000 đồng, tặng 12 tháng miễn phí sử dụng dịch vụ trên TV360 (gói basic)...

Theo thông tin từ MobiFone, MobiFone cũng thử nghiệm tắt sóng 2G từ năm 2020 tại một số khu vực thuộc TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và cấp SIM 4G miễn phí cho các thuê bao 2G. Bên cạnh đó, nhà mạng này đã ký kết đối tác chiến lược với hệ thống bán lẻ hàng công nghệ di động Việt để thúc đẩy tiến trình tắt sóng 2G. Khách hàng của MobiFone sử dụng điện thoại 2G có thể đổi điện thoại 4G tại hệ thống Di động Việt với giá bán phi lợi nhuận, kèm theo gói ưu đãi miễn phí dung lượng truy cập Internet trong 90 ngày (2GB/ngày), áp dụng tại khu vực TP.HCM.

Còn theo Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), VNPT đã thực hiện tắt được gần 2.000 trạm 2G, đồng thời hỗ trợ 1,9 triệu thuê bao chuyển đổi từ mạng 2G sang 3G, 4G tại huyện Hóc Môn, Củ Chi (TP.HCM), tỉnh Bạc Liêu và Vĩnh Long. VNPT đã chủ động tắt dần các trạm 2G có thuê bao và lưu lượng thấp để tối ưu công tác vận hành, khai thác mạng lưới ngày từ năm 2021.

Đáng chú ý, Cục Viễn thông đã lên phương án hỗ trợ chi phí cho nhóm hộ nghèo và cận nghèo chuyển đổi máy điện thoại 2G, 3G lên điện thoại thông minh (smartphone) sử dụng 4G. Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam lập kinh phí để hỗ trợ việc này, có thể chi phí lên đến 500.000 đồng/smartphone với khoảng 400.000 máy cho hộ nghèo, cận nghèo thông qua nhà mạng. Các tỉnh có số lượng smartphone thấp sẽ được quan tâm hỗ trợ trước. Cùng với giải pháp kỹ thuật và kinh tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, các doanh nghiệp viễn thông cũng tăng cường tuyên truyền đến người dùng.

Theo Cục Viễn thông, với kênh nhắn tin trực tiếp đến các thuê bao, nhà mạng cần thông báo cho người sử dụng biết, những thiết bị 2G không hợp chuẩn, hợp quy là vi phạm pháp luật và sẽ bị ngắt khỏi mạng; khuyến khích người dân chuyển sang dùng smartphone và doanh nghiệp viễn thông sẵn sàng hỗ trợ chuyển đổi. Đặc biệt, nhà mạng thực hiện nghiêm túc khóa máy 2G theo chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông. Lãnh đạo Cục Viễn thông yêu cầu, các nhà mạng thực hiện nhắn tin, gọi điện trực tiếp tới khách hàng, các kênh truyền thông trực tuyến, truyền thông tại điểm giao dịch để đảm bảo thông tin này đến được với từng khách hàng đang sử dụng thiết bị thuần 2G, 3G.

Nguồn CAND

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục