Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Các bộ trưởng nội các Hàn Quốc về an ninh lập tức họp khẩn cấp sau khi chiếc tàu chiến Cheonan nặng 1.500 tấn đã gặp nạn và chìm trong khoảng 21 giờ 45 ngày 26.3 ở gần hòn đảo Baengnyeong. Có tin cho biết, một vụ nổ đã làm thủng đáy tàu.

![]() |
Hình ảnh tàu Cheonan trước khi bị tai nạn. Ảnh: Reuters. |
Hôm 26.3, một chiếc tàu chiến của Hải quân Hàn Quốc cùng 104 thuỷ thủ trên tàu đã bị đánh chìm ở ngoài khơi bờ biển phía tây, gần đường phân giới với CHDCND Triều Tiên trên biển Hoàng Hải
Các bộ trưởng nội các Hàn Quốc về an ninh lập tức họp khẩn cấp sau khi chiếc tàu chiến Cheonan nặng 1.500 tấn đã gặp nạn và chìm trong khoảng 21 giờ 45 ngày 26.3 ở gần hòn đảo Baengnyeong. Có tin cho biết, một vụ nổ đã làm thủng đáy tàu.
Yonhap cho biết, Hải quân Hàn Quốc đã bắn vào một chiếc tàu lạ ở phía Triều Tiên tại Hoàng Hải sau khi có tin tàu chiến của họ bị chìm.
Nguyên nhân gây ra vụ tai nạn vẫn chưa được xác định. Các hãng tin Hàn Quốc cho biết, chiếc tàu này có thể đã bị trúng ngư lôi của Triều Tiên. Tuy nhiên, người phát ngôn Nhà Xanh (phủ Tổng thống) Kim Eun-hye đã không xác nhận thông tin này. Bộ tổng tham mưu Quân đội Hàn Quốc tuyên bố, chưa thể khẳng định Hải quân Triều Tiên có liên quan đến vụ tàu Cheonan bị chìm.
Có 59 thuỷ thủ đã được cứu, trong khi lực lượng cứu hộ đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm và cứu những người còn lại. Tuy nhiên, nhiều thuỷ thủ có thể đã thiệt mạng.
Trong một diễn biến khác, CHDCND Triều Tiên hôm 26.3 tuyên bố sẽ trả đũa bằng “các cuộc tấn công hạt nhân chưa từng có tiền lệ” nếu bất kỳ nước nào gây mất ổn định ở Triều Tiên.
Tuyên bố do quân đội CHDCND Triều Tiên đưa ra nhằm bày tỏ sự giận dữ trước một báo cáo cho rằng, Mỹ, Hàn đang lên kế hoạch gây bất ổn ở CHDCND Triều Tiên.
Một tuần trước đó, tờ báo Dong-a Ilbo của Hàn Quốc đưa tin, các chuyên gia từ Hàn Quốc, Mỹ và Trung Quốc sẽ nhóm họp tại Bắc Kinh (Trung Quốc) vào tháng tới nhằm bàn tính những kế hoạch khẩn cấp trong trường hợp chính quyền Bình Nhưỡng sụp đổ. Sau đó, các chuyên gia còn tổ chức họp ở Seoul vào tháng 6 và ở Honolulu vào tháng 7.
Hãng thông tấn KCNA của CHDCND Triều Tiên dẫn lời người phát ngôn của quân đội nước này cho biết: “Những ai đang tìm cách lật đổ hệ thống chính trị tại CHDCND Triều Tiên sẽ là nạn nhân của các cuộc tấn công hạt nhân chưa từng thấy của quân đội hùng mạnh nước này”.
Những cảnh báo tương tự dường như đã trở thành một thủ tục khi Bình Nhưỡng phô trương “tấm thẻ bài hạt nhân” của họ nhằm tránh né các cuộc hội đàm về vấn đề phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên và yêu cầu sự nhượng bộ từ cộng đồng quốc tế.
![]() |
Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak và các bộ trưởng họp khẩn. Ảnh: AP |
Trong một thông báo đưa ra hôm 9.3, Bình Nhưỡng doạ đẩy mạnh khả năng hạt nhân nhằm đối phó với cái mà họ xem là “những hành động khiêu khích và đe doạ quân sự liên tục của Mỹ”, ám chỉ các cuộc tập trận chung thường niên của quân đội Mỹ và Hàn Quốc gần biên giới của Triều Tiên.
Được biết Triều Tiên có đủ pluton để sản xuất ít nhất nửa tá bom nguyên tử. Nước này cũng đã tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ hai vào năm 2009.
Trong khi đó, những lo ngại về sự ổn định của CHDCND Triều Tiên ngày càng tăng, kể từ sau những báo cáo về sức khoẻ không tốt của lãnh đạo Kim Jong-Il và tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng tại nước này, sau khi LHQ áp đặt các biện pháp cấm vận kinh tế nhằm trừng phạt Bình Nhưỡng vì các vụ thử nghiệm hạt nhân và tên lửa.
THUÝ TRINH
(Theo AP/RIA Novosti)