Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
“Tay ngang” giật giải sáng tạo
Chủ nhật: 07:41 ngày 22/01/2012

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Xuất thân chính gốc nông dân, chưa từng học qua một trường lớp đào tạo nhưng họ đã cho ra đời các sản phẩm máy móc có giá trị cao, phục vụ hữu ích cho nông dân.

Xuất thân chính gốc nông dân, chưa từng học qua một trường lớp đào tạo về cơ khí nhưng bằng kinh nghiệm cộng với tư chất thông minh và đức tính ham học hỏi lại cần cù, chăm chỉ, họ đã cho ra đời các sản phẩm máy móc có giá trị cao, phục vụ hữu ích cho nông dân.

Gắn với đồng ruộng từ khi còn nhỏ, anh Nguyễn Văn Dũng (Bến Cầu) nếm trải đủ mọi khó khăn, cực khổ của người làm nông quanh năm chân lấm tay bùn. Chính sự vất vả đó đã nung nấu trong anh ý nghĩ: phải làm một cái gì đó để bà con nông dân đỡ mệt nhọc hơn.

Và rồi đã đến lúc anh không chỉ nghĩ nữa mà bắt tay vào cuộc. Qua một quá trình tự mày mò, học hỏi anh Dũng lao vào chế tạo. Mục đích của anh là làm ra các loại máy đơn giản, dễ sử dụng, dễ sửa chữa phục vụ thiết thực và tiện ích cho bà con nông dân. Năm 1998, anh đã chế tạo ra cái máy đầu tiên là dàn cày gắn vào máy xới tay. Dàn cày được thiết kế nhỏ, gọn thích hợp cho việc cày đất để trồng các loại hoa màu, tiết kiệm nhiều thời gian, công sức cho người trồng. Sản phẩm đầu tay của anh “kỹ sư hai lúa” đã thuyết phục được bà con nông dân. Nhờ vậy anh đã bán được hơn 100 máy.

Anh Hùng đang thuyết minh về nguyên lý hoạt động của sản phẩm “máy cày sâu bón phân cho mía”...

 

... Bàn giải pháp kỹ thuật với một người thợ

Thừa thắng xông lên, từ năm 2003, anh Dũng tìm mua các loại máy hàn, máy tiện… về nhà mày mò học cách sử dụng. Chi phí mua máy lúc ấy gần 40 triệu đồng- số tiền không hề nhỏ đối với một nông dân như anh. Trình độ thì chỉ mới lớp 3 và chưa từng học qua nghề cơ khí nhưng anh Dũng đã không ngại tìm tòi, học hỏi, nhanh chóng nắm bắt cách sử dụng các loại máy để phục vụ cho công việc của mình. Năm 2004, anh Dũng lại ấp ủ ý tưởng chế ra cái máy phóng lúa gặt đập liên hợp. Tính vậy nhưng tự thấy mình kiến thức, kinh nghiệm còn ít, anh nông dân ham sáng tạo đành bấm  bụng gác lại niềm đam mê để tiếp tục nghiên cứu và chuẩn bị các thứ. Chỉ 2 năm sau, anh lại lao vào thực hiện ý định của mình.

Tháng 1.2007, máy phóng lúa gặt đập liên hợp đầu tiên do “kỹ sư hai lúa” Nguyễn Văn Dũng chế tạo ra đời. Tổng chi phí bỏ ra là 140 triệu đồng. Lúc mới hoàn thành, máy hoạt động không ổn định nhưng sau vài lần sửa chữa, nó đã “chạy ngọt”. Trong khi sản phẩm cùng loại của Trung Quốc phải chờ cho lúa ráo sương mới có thể phóng được thì dàn máy của anh “kỹ sư hai lúa” có thể làm việc ngon lành kể cả lúc sáng sớm. Nó còn có thể hoạt động tốt trong nhiều tình huống: lúa đứng, lúa ngã đổ, lúa trên ruộng sình lầy mà tỷ lệ lúa hao hụt trong quá trình thu hoạch lại rất thấp. Lúa sau thu hoạch rất sạch, không cần dùng quạt để giê lại. Mỗi ngày máy có thể phục vụ từ 3,5 – 4 ha lúa. Độ bền của máy rất cao, ít phải sửa chữa và ít hao nhiên liệu: chỉ tốn khoảng 15 lít dầu/hecta (máy Trung Quốc phải 25 lít). Chiếc máy này giúp bà con nông dân tiết kiệm chi phí thu hoạch và không còn lo phải chạy đôn chạy đáo kiếm nhân công trong mùa gặt.

Anh Dũng đã bán được 2 máy phóng lúa gặt đập liên hợp cho 2 nông dân ở Đức Huệ (Long An) với giá hơn 190 triệu/máy, rẻ hơn nhiều so với máy Trung Quốc (hơn 220 triệu đồng). Được người thân khích lệ, anh đem mô hình máy phóng lúa gặt đập liên hợp tự chế của mình tham dự Hội thi Sáng tạo Khoa học – Kỹ thuật tỉnh Tây Ninh lần 7 năm 2010- 2011 và đoạt ngay giải Nhì.

Chị Nguyễn Thị Đai, vợ anh Dũng tự hào kể: “Lúc ảnh mới bắt đầu tập chế tạo, bà con trong xóm ai cũng nghĩ chắc khó thành công vì từ nào giờ ảnh có biết gì về máy móc đâu. Thấy tốn tiền quá, tôi cũng rất lo nhưng nay thì vui rồi. Tôi tự hào về ý chí và quyết tâm làm đến cùng của ảnh”.

Vợ chồng anh Dũng và tổ hợp máy gặt đập liên hợp do anh lắp ráp, sáng chế

Nếu anh “kỹ sư hai lúa” ở Bến Cầu chuyên về các thiết bị phục vụ trồng và thu hoạch lúa thì anh “kỹ sư chân đất” Nguyễn Văn Hùng (Tư Hùng) ở Tân Châu lại đam mê các loại máy móc phù hợp với cây công nghiệp. Sống trên vùng chuyên canh mía, cao su, mì, anh Hùng cũng rất thấu hiểu nỗi vất vả của người nông dân. Phải cơ giới hoá nông nghiệp thôi, không thể cứ dùng sức người mãi được. Nghĩ vậy, nhưng anh Hùng không biết bắt đầu từ đâu.  Cũng là dân “tay ngang” như anh Dũng, kiến thức về cơ khí của anh Hùng chỉ ngang ngang trình độ của một tài xế máy cày. Muốn biết thì phải hỏi. Anh Hùng cất công lân la đến các nhà máy, thiết lập mối quan hệ với những kỹ sư được đào tạo bài bản. Nhờ kiên trì học hỏi, anh nông dân cù mì củ mỉ cứ từng bước, từng bước một theo đuổi ý định biến ý tưởng sáng tạo của mình thành hiện thực. Cuối cùng thì anh cũng đã thành công. Cho đến nay anh “kỹ sư chân đất” tay ngang Nguyễn Văn Hùng đã sáng chế ra nhiều loại công cụ có giá trị thiết thực, phục vụ cho việc cải tiến khâu sản xuất, thu hoạch và đã nhiều lần giật giải tại Hội thi Sáng tạo khoa học- kỹ thuật tỉnh nhà. Có thể liệt kê: máy băm gốc mía cày ra (giải Ba- hội thi năm 2002 – 2003), máy dàn rạch hàng - cày sâu kết hợp bón phân (giải Nhì, hội thi năm 2004 – 2005), máy kéo xịt thuốc trừ sâu (giải Nhì- hội thi 2006 – 2007), máy dàn bón phân cao su (giải Nhì, hội thi 2008 – 2009). Mới đây nhất là sản phẩm thang nâng mía tự hành (giải Ba- hội thi năm 2010 – 2011).

Thang nâng mía tự hành là thiết bị rất tiện ích cho bà con nông dân trong mùa thu hoạch mía. Đây cũng là sản phẩm tâm huyết nhất của anh Hùng trong một thời gian dài- từ khi nảy sinh ý tưởng cho đến khi hoàn thành.  Từ chỗ trống rỗng cả về kiến thức cơ khí lẫn tiềm lực kinh tế, giờ đây anh nông dân có tư chất của một kỹ sư cơ khí đã có một cơ sở sản xuất kinh doanh chuyên về cơ khí khá bề thế mang biển hiệu Tư Hùng tại ấp Tân Xuân, xã Tân Phú (Tân Châu). Sản phẩm của doanh nghiệp tư nhân Tư Hùng không chỉ bán trong tỉnh mà còn vươn ra các tỉnh bạn, kể cả tận miền Trung như Bình Định. Nhà máy đường La Ngà (Đồng Nai) cũng đã tìm đến mua máy của “kỹ sư tay ngang” Tư Hùng. Máu mê chưa dứt, hiện nay anh Hùng vẫn ngày ngày lên mạng Internet tìm hiểu về thiết bị thu hoạch củ mì của Úc để học hỏi và làm theo. Anh suy tính nếu có được loại thiết bị tiện lợi này, bà con nông dân sẽ không phải còng lưng nhổ mì nữa!

Có tinh thần cầu tiến, ham học hỏi, ham lao động cộng với lòng đam mê và ý chí quyết tâm, không chịu lùi bước trước khó khăn, trở ngại chính là những điểm chung giống nhau giữa hai anh “kỹ sư tay ngang” Nguyễn Văn Dũng và Nguyễn Văn Hùng. Đó cũng chính là yếu tố cốt lõi dẫn đến sự thành công “như mơ” của họ!

THÙY DƯƠNG – ĐỒNG VIỆT

 

 

 

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục