Văn hóa - Giải trí   Đất nước mến yêu

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tây Nguyên những năm 50 của thế kỷ XX qua ảnh

Cập nhật ngày: 19/08/2014 - 06:14

 

Nhà dài của người Jrai ở làng Ia Yang. Ảnh: Jean-Marie Duchange
Nhà dài của người Jrai ở làng Ia Yang. Ảnh: Jean-Marie Duchange

Trong 4 năm làm nhân viên y tế ở Tây Nguyên, Jean-Marie Duchange lại đam mê nhiếp ảnh bởi tình yêu văn hóa đối với các dân tộc thiểu số nơi đây.

 

Sinh thời, khi ở tuổi 88 với ý định xuất bản tập sách ảnh về Tây Nguyên, ông viết lời nói đầu tập sách như sau: “Tôi không phải là nhà dân tộc học, cũng không phải là nhiếp ảnh gia... nhưng tôi đã dấn thân. Tôi mang từ Pháp sang các tài liệu, chậu rửa ảnh, tất cả các thiết bị cho công việc này và nhất là chiếc máy ảnh Rolleiflex 6x6 bi-objectif.

 

Trong những năm đó, tôi đi nhiều nơi bằng xe jeep, đi bộ, dùng thuyền độc mộc, cưỡi voi... Tôi chụp vì tình yêu, sở thích của chính mình.” Sau đó, ông qua đời thì tập sách vẫn chưa ra mắt công chúng được.

 

Gần đây, để cứu vớt gia tài quý giá này và thực hiện ý định, mong ước tốt đẹp của người thân đã quá cố, bà Évelyne Duchange và bà Nadège Bourgoin, con gái và cháu ngoại của nhà nhiếp ảnh, đã tặng một phần các phim âm bản cho Bảo tàng Quai Branly (Pháp) và một phần cho Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.

Với mong muốn chia sẻ các giá trị nghệ thuật và khoa học của bộ ảnh với công chúng, và để tri ân tác giả, nhân kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giaoViệt Nam-Pháp, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) tổ chức trưng bày Tây Nguyên những năm 50 của thế kỷ XX, dự kiến sẽ kéo dài trong 5 tháng, từ tháng 8 đến cuối năm 2014. Để tổ chức trưng bày, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ từ Viện Pháp (Institut Francais).

 

Phụ nữ Chil búi tóc, cài trâm và đeo vòng hoa tai bằng ngà voi. Ảnh: Jean-Marie Duchange
Phụ nữ Chil búi tóc, cài trâm và đeo vòng hoa tai bằng ngà voi. Ảnh: Jean-Marie Duchange

Đây là một trưng bày nghệ thuật với chất liệu ảnh dân tộc học. 34 bức ảnh khổ lớn, hình vuông (tái hiện hình dáng của các phim âm bản gốc của bộ sưu tập), in tại Pháp trên chất liệu trong suốt, cho phép chiêm ngưỡng hình ảnh từ 2 mặt.

 

Các tác phẩm tuyệt vời này được bài trí sống động trong không gian rộng mở tạo cảm giác thân thiện với người xem và sự gần gũi với đời sống dân dã thời bấy giờ. Mặt khác, nhằm giúp công chúng có cái nhìn toàn cảnh, toàn bộ 200 bức ảnh được xếp đặt thành một bức khảm, đồng thời được dựng thành một Video clip tạo điều kiện cho công chúng thưởng ngoạn bộ sưu tập dưới nhiều hình thức.

Bộ ảnh cung cấp cho người xem một bức khảm chân dung sống động với các cụ ông, cụ bà, bé trai, bé gái, thanh niên, thiếu nữ… trong phong cách hết sức độc đáo ở Tây Nguyên giữa thế kỷ XX mà nay hầu như không còn tồn tại.

 

Bên cạnh đó, phương thức vận chuyển bằng voi, các hoạt động thường ngày (làm rẫy, giã gạo, dệt vải, cán bông...), hoạt động nghi lễ (tang ma, đâm trâu, cầu mùa...) và nhất là các kiến trúc tạo nên bản sắc Tây Nguyên (nhà dài, nhà rông, kho thóc, chòi rẫy, nhà mồ...) cũng được tác giả ghi hình một cách tỉ mỉ.
 

Chòi rẫy được làm trên cây cao. Ảnh: Jean-Marie Duchange
Chòi rẫy được làm trên cây cao. Ảnh: Jean-Marie Duchange

Một công cụ “tác nghịêp” của tác giả, chiếc máy ảnh Rolleiflex, cũng có mặt trong phòng trưng bày. Một “buồng tối” (camera obscura)-tiền thân của máy ảnh ngày nay-được tái dựng ở trung tâm phòng trưng bày, tặng cho công chúng những khám phá thú vị về kỹ nghệ hình ảnh. Với “công cụ” khổng lồ này, du khách yêu thích nghệ thuật nhiếp ảnh có thể nhận thấy nguyên tắc hiện hình (lộn ngược) của đối tượng cần ghi hình trong hộp đen.

Dự kiến, sau trưng bày tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, bộ ảnh sẽ được giới thiệu tại Tây Nguyên như: Đak Lak, Gia Lai, Kon Tum, nơi cội nguồn của các tác phẩm này. Cùng với di sản ảnh của G.Condominas về dân tộc Mnông Gar ở Đak Lak, bộ sưu tập của Jean-Marie Duchange góp phần làm phong phú thêm di sản ảnh Tây Nguyên.

Nguồn Báo Gia lai