Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tây Ninh: 10 năm phổ cập giáo dục, tỷ lệ học sinh bỏ học giảm đáng kể

Cập nhật ngày: 18/12/2010 - 12:34

(BTNO)- Vừa qua, Sở GD&ĐT Tây Ninh đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm công tác phổ cập giáo dục tỉnh Tây Ninh từ năm 2001 đến nay. Đến dự có ông Nguyễn Mạnh Tiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Võ Thành Lập, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ.

Sở GD&ĐT: 10 năm qua, tỷ lệ học sinh bỏ học đã giảm đáng kể. Ảnh minh hoạ

Về quá trình thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, trong những năm qua, ngành GD&ĐT Tây Ninh đã duy trì và từng bước nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học. Với xuất phát điểm khá thấp: từ năm 2000 đến năm 2003, không có đơn vị huyện, thị nào đạt chuẩn, đến năm 2004 có một đơn vị đạt chuẩn. Từ năm 2005 đến nay, tất cả các huyện/thị đều đạt và nâng cao tỷ lệ đạt chuẩn qua các năm. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn được nâng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giảng dạy theo tinh thần đổi mới giáo dục phổ thông. Tỷ lệ học sinh bỏ học từng bước được kéo giảm. Tỷ lệ trẻ 6 tuổi ra lớp từ năm 2005 đến nay đều đạt trên 99%.

Ở bậc THCS, báo cáo của Sở GD&ĐT cho biết, kể từ khi bắt đầu tiến hành phổ cập giáo dục THCS từ năm 2000 đến nay, số học sinh THCS trong độ tuổi ra lớp năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể năm 2001, tỷ lệ học sinh THCS được công nhận tốt nghiệp đạt hơn 93%. Mười năm sau, tỷ lệ học sinh THCS được công nhận tốt nghiệp đạt 99,82%. Số học sinh bỏ học ngày càng giảm. Từ gần 5% những năm đầu phổ cập, đến năm học vừa qua, tỷ lệ học sinh bỏ học ở bậc học này chỉ còn hơn 1%.

So với bậc tiểu học và THCS, việc phổ cập giáo dục ở THPT khó hơn rất nhiều. Đến thời điểm này, toàn tỉnh mới có 16 đơn vị phường, xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục. Trong khi đó, chỉ tiêu ngành Giáo dục đưa ra đến năm 2010 phải có 38 đơn vị được công nhận.

Bên cạnh những thuận lợi, 10 năm phổ cập giáo dục tỉnh Tây Ninh còn không ít khó khăn, hạn chế. So với các tỉnh thành khác, Tây Ninh vẫn là một tỉnh kém phát triển, đời sống kinh tế của người dân còn khó khăn. Vì vậy, số học sinh bỏ học mặc dù đã giảm so với những năm đầu nhưng tỷ lệ vẫn còn cao. Ngoài ra, một số đơn vị được công nhận đạt chuẩn nhưng không bền vững (công nhận năm trước thì năm sau rớt). Bên cạnh đó, trình độ của đội ngũ giáo viên không đồng đều. Cơ sở vật chất ở nhiều nơi còn thiếu thốn, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.

Trong thời gian tới, ngành GD&ĐT cho biết sẽ quyết tâm khắc phục những khó khăn yếu kém để duy trì số lượng các đơn vị đã đạt chuẩn và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục.

Đ.V.T