Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tây Ninh-An Giang: Tổng kết công tác giảng dạy tiếng Chăm cho trẻ dân tộc Chăm

Cập nhật ngày: 18/12/2014 - 05:31

Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Trần Lưu Quang phát biểu tại hội nghị.

Ngày 17.12, tại hội trường Sở GD-ĐT Tây Ninh, ngành Giáo dục tỉnh Tây Ninh và tỉnh An Giang tổ chức tổng kết công tác giảng dạy tiếng Chăm Nam bộ trong nhà trường. Dự hội nghị có đại diện Bộ GD-ĐT, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Tây Ninh Trần Lưu Quang cùng các chức sắc đạo Hồi ở Tây Ninh.

Tại hội nghị, lãnh đạo Sở GD – ĐT Tây Ninh báo cáo về quá trình biên dịch và biên soạn bộ sách song ngữ Việt – Chăm Nam bộ.

Sau một thời gian dài đầu tư xây dựng và hoàn chỉnh tài liệu tiếng Chăm, từ năm học 1997 – 1998, ngành giáo dục Tây Ninh bắt đầu triển khai dạy tiếng Chăm cho học sinh dân tộc Chăm tại Trường Tiểu học Tân Hưng A, huyện Tân Châu.

Năm học 1998-1999, Sở GD-ĐT An Giang mở lớp dạy tiếng Chăm cho học sinh dân tộc Chăm.

Sau khi biên soạn, biên dịch sách dành cho học sinh, cán bộ ngành giáo dục hai tỉnh Tây Ninh và An Giang tiếp tục biên soạn tài liệu hướng dẫn giảng dạy cho giáo viên. Bộ tài liệu được đánh giá là khoa học, cụ thể và dễ hiểu, dễ tiếp thu để giáo viên hướng dẫn học sinh học bài.

Theo đánh giá, sau 17 năm triển khai giảng dạy sách song ngữ Việt – Chăm Nam bộ, tỷ lệ học sinh người Chăm đến trường ngày càng cao hơn, học sinh bỏ học ngày một giảm.

Các kết quả học tập cụ thể của hai tỉnh Tây Ninh qua 17 năm và An Giang qua 16 năm cho thấy hiệu quả của học song ngữ Việt – Chăm Nam bộ.

Sau khi học xong chương trình sách song ngữ Việt – Chăm Nam bộ, học sinh cơ bản đọc được sách và viết từ thông dụng trong giao tiếp bằng tiếng Chăm.

Từ việc biết chữ dân tộc, học sinh Chăm hiểu được từ ngữ tiếng Việt rõ hơn, sâu hơn.

Trước đề xuất về việc mở mã ngành đào tạo giáo viên tiếng Chăm (vì hiện chưa có giáo viên chính quy dạy môn học này), đại diện của Bộ GD-ĐT cho biết, việc này cần phải nghiên cứu, bởi nếu mở mã ngành thì cũng chưa chắc đã có thí sinh đăng ký theo học.

Phát biểu tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Trần Lưu Quang cho rằng, việc ngành giáo dục tỉnh chủ động kết hợp với ngành giáo dục An Giang biên soạn tài liệu tiếng Chăm để dạy cho con em đồng bào dân tộc Chăm là một cách làm thể hiện sự trân trọng về mặt văn hóa đối với vấn đề học tập của con em người dân tộc.

Đ.V.T