Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tây Ninh bên dòng lịch sử miền Nam
Thứ tư: 20:16 ngày 27/11/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Đây là nhan đề sách mới nhất của tác giả người Tây Ninh Dương Công Đức. Sách do NXB Tri thức ấn hành vào quý III năm 2019.

Còn nhớ vào cuối năm 2014, tác phẩm đầu tay Trảng Bàng phương chí của Dương Công Đức đã gây xôn xao. Sách dày tới hơn 800 trang, giấy dó và bìa cứng, được một nhà thơ nổi tiếng TP. Hồ Chí Minh là Lê Minh Quốc viết lời tựa, toàn ý đẹp với lời hay. Thành thực mà nói, sách viết theo lối sử ký về Tây Ninh khá ít.

Có thể điểm lại trên đầu ngón tay, như Tây Ninh xưa của Huỳnh Minh in năm 1973; sau giải phóng có thêm tác phẩm Ba thế hệ xanh một chặng đường của Tỉnh đoàn. Đa số còn lại là sử địa phương, sách truyền thống các xã, huyện và các ban, ngành cấp tỉnh. Vì thế, năm 2014- khi sách Trảng Bàng phương chí vừa ra, ông Đổng Ngọc Lập- nguyên giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo liền mua 200 cuốn, phát cho các trường học trong tỉnh. Đến năm 2016, cuốn sách được tái bản lần 2.

Lần này, sách Tây Ninh bên dòng lịch sử miền Nam tập 1 ra có vẻ “lặng thầm” hơn, nhưng tiếng vang lại có vẻ xa hơn. Bởi TS Nguyễn Thanh Xuân, giảng viên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh vào Tây Ninh giảng dạy có kể với học viên là anh vừa đọc cuốn này. Và thấy đó là tác phẩm viết về Tây Ninh rất hay, học viên nên tìm đọc.

Tây Ninh bên dòng lịch sử miền Nam không chỉ là “lịch sử văn hoá con người và vùng đất Nam Tây Ninh” nữa như trong Trảng Bàng phương chí, lần này là cả một “dòng lịch sử miền Nam”, trong đó Tây Ninh có vị trí khá là đặc biệt.

Sách cũng được in bằng giấy dó sang quý nên tập sách dày mà vẫn nhẹ. Và đây cũng mới chỉ là tập I mà thôi. Như lời tác giả thì “tập I từ giai đoạn đầu công nguyên đến năm 1867 khi quân Pháp đánh chiếm 3 tỉnh miền Tây, lấy xong Nam kỳ lục tỉnh”. Vẫn sẽ còn một tập II nữa, mô tả Nam bộ và Tây Ninh: “từ thời kỳ Pháp bắt đầu thành lập chế độ thuộc địa trên đất Nam kỳ, trải qua thời kỳ Pháp đô hộ đến hai cuộc chiến tranh dài 30 năm, và kết thúc vào năm 1979…”.

Chỉ riêng tập I này, sách đã có 10 chương. Các chương 1, 2, 4, 7 và 10 chủ yếu là “Dòng lịch sử miền Nam”. Chương 1, chỉ có mục 5- Dấu tích người Chân Lạp trên đất Tây Ninh là viết về các di tích thời Chân Lạp hiện có tại Tây Ninh. Mục 8 chương 10 là một tìm tòi mới mẻ về việc: “Pháp đưa quân lên Tây Ninh và sự liên minh của Pháp với Cao Miên”. Còn lại, ta có thể tìm đọc ở một số loại sách đã viết về Nam bộ, hiện đang là đề tài “ăn khách” trong thị trường sách nước nhà. Tại các chương còn lại, câu chuyện chủ yếu diễn ra trên đất Tây Ninh.

Như: cả một chương 3- Buổi đầu đất Tây Ninh, tác giả có nhiều số liệu, chứng cứ, phân tích xác định được các vấn đề quan trọng. Đấy là mục 3- Việc di dân đến đất Gia Định, Tây Ninh, và mục 4- Những nơi định cư đầu tiên của người Việt trên đất Tây Ninh. Thực ra, cả hai mục kể trên tác giả đã đề cập đến trong sách Trảng Bàng phương chí. Những nội dung mới chỉ là mô tả kỹ lưỡng, cụ thể hơn những địa danh Tây Ninh.

Ngoài ra, còn thêm một vài chuyện, sự tích liên quan đến địa danh, như địa danh Nhà Bè liên quan đến ông Thủ Huồng- người từng làm quan, giàu có, sau chuyên làm từ thiện giúp những lưu dân trên biển khi vào đất phương Nam theo cửa biển Cần Giờ. Tiếc là, tác giả bỏ qua xứ Mổi Xuy, sau là Mô Xoài, dù đây được coi là miền đất đầu tiên mà lưu dân đi tìm đất sống thường ghé vào, trước khi đi tiếp những miền xa như đất Tây Ninh. Họ Trương- Thanh Điền là một ví dụ. Đến nay, các thế hệ đời thứ 6, thứ 7 vẫn còn được các bậc tiền bối nhắc nhớ, để biết ơn miền đất Mô Xoài (nay thuộc Bà Rịa- Vũng Tàu).

Mục 4- những nơi định cư đầu tiên của người Việt trên đất Tây Ninh, tác giả có kể đến những địa điểm đã có người Việt đến sinh sống từ khoảng đầu thế kỷ 18. Đấy là ấp Bình Nguyên, xã Gia Bình, Trảng Bàng hiện nay, với minh chứng là ngôi mộ của bà Đinh Liễu Sót- người vợ thứ ba của quan Lễ thành hầu Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh, người có công đầu với các chúa Nguyễn trong quá trình mở đất về phương Nam. Theo tác giả, người Việt đã có mặt tại đây vào: “khoảng năm 1710 đến 1750”.

Sau nữa là vùng đất nay là ấp Bùng Binh, xã Hưng Thuận. Bằng chứng là đình Đôn Thuận (ấp Bùng Binh) thờ thành hoàng là ông Quách Ngạn. Theo những nghiên cứu về địa chí, địa bạ triều Nguyễn của tác giả, các vị “tiền hiền” của làng là Quách Ngạn và Chánh Tòng đã đưa dân: “tới đây lập nghiệp vào khoảng 1756”. Tiếp theo là các địa danh An Hoà (khoảng nửa cuối thế kỷ 18); Phước Hiệp, xã Gia Bình (khoảng từ 1750 đến 1770) và Phước Chỉ (cuối thế kỷ 18).

Trong 5 địa danh kể trên, có tới 2 địa điểm thuộc xã Gia Bình- quê hương tác giả. Liệu có phải do anh quá nặng lòng yêu mến miền đất mình đã được sinh ra? Để quên nhắc tới những địa danh nổi tiếng khác có từ trước khi khai sinh đạo Quang Phong. Bởi nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư có viết là: “Tháng 10 mùa Đông năm Kỷ Hợi (1779) sau khi đã khôi phục được đất Gia Định, chúa Nguyễn Ánh cho sắp xếp lại các khu vực hành chính và quốc phòng, thành lập đạo Quang Phong trên địa bàn tỉnh Tây Ninh ngày nay, trực thuộc dinh Phiên Trấn.

Đạo sở đặt tại Cẩm Giang. Một số thôn cũng được thành lập như thôn Cẩm Giang Tây, thôn Thạnh Đức, thôn Thanh Phước, thôn Bình Phú, thôn Bình Tịnh (nay là An Tịnh) v.v… Đó là tổ chức hành chính đầu tiên được tổ chức tại đây” (Tạp chí Xưa Nay, số 96, năm 2001).

Ngay cả tác giả Dương Công Đức cũng biết điều vừa kể, khi anh đưa hẳn vào chương 3 mục 5. Truyền thuyết về Quan lớn Trà Vong. Để chứng minh một sự kiện đã diễn ra vào giữa thế kỷ 18 (1749) khi Huỳnh Công Giản và em trai đến Tây Ninh khai mở, lập thêm những thôn làng mới, tác giả đưa vào mục 5 các truyền thuyết khác nhau về “Quan lớn Trà Vong”.

Theo đó có các tư liệu là:- Họ là 2 anh em nông dân từ Nhật Tảo Long An từ 1749 đã lên vùng phía bắc xã Thái Bình lập nên 3 ấp; Truyền thuyết các vị kỳ lão xã Cẩm Giang lại nói có 3 anh em, trong đó Huỳnh Công Giản được triều Nguyễn cử vào làm quan Tri phủ, đến Tây Ninh năm 1846 (thời gian cách truyền thuyết đầu tiên gần 100 năm). Lại có cả chuyện được in trên tạp chí Xưa Nay của Trương Minh Hiền, theo đó “Tới năm 1926 một viên quan người Việt là Huỳnh Công Giản làm tri phủ đời vua Tự Đức đóng ở Tây Ninh…”.

Chỉ câu văn trích trên đủ thấy sai rồi, bởi năm 1826 còn là triều vua Minh Mạng. Đến năm 1848, vua Tự Đức mới lên ngôi. Từ đó bằng những phân tích khoa học, có đối chiếu với các sách sử triều Nguyễn, tác giả khẳng định xác đáng về các vị được tôn xưng là Quan lớn Trà Vong trên các địa phương phía Bắc tỉnh Tây Ninh. Theo đó: “Huỳnh Công Giản và em trai là Huỳnh Công Nghệ đã lên Tây Ninh quy dân lập ấp vào năm 1749…”.

Câu chuyện này cũng là một chứng lý quan trọng để xác định “những nơi định cư đầu tiên của người Việt trên đất Tây Ninh” ở mục 4. Trên thực tế, theo các phân tích đã kể trên thì vào giữa thế kỷ 18, người Việt đã có mặt trên hầu khắp đất Tây Ninh…

TRẦN VŨ

(Còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục