Văn hóa - Giải trí   Về Tây Ninh

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tây Ninh bên dòng lịch sử miền Nam (Tiếp theo và hết) 

Cập nhật ngày: 05/12/2019 - 12:41

BTN - Tập I của sách đã mô tả “Tây Ninh bên dòng lịch sử” suốt từ đầu công nguyên đến 1867. Do vậy, những đoạn mô tả bên ngoài khuôn khổ này có thể vẫn còn sai sót. Ví dụ như ở chương I- mục 1. Nam bộ thời tiền sử có kể đến các di chỉ khảo cổ của nền văn hoá Ðồng Nai (trang 19) thì ở Tây Ninh chỉ nhắc đến mỗi Dinh Ông (An Thạnh, Bến Cầu).

Trong khi đó, ít ra là đến đầu thế kỷ 21, giới khảo cổ học Nam bộ đã biết đến 4 di tích cư trú của người tiền sử (văn hoá Ðồng Nai) trên đất Tây Ninh. Ðấy là ấp Khởi Hà, xã Cầu Khởi, huyện Dương Minh Châu; Cao Sơn Tự ở xã Phước Trạch, huyện Gò Dầu.

Hai điểm nữa là Dinh Ông và gò Bà Ðao đều thuộc về xã An Thạnh, huyện Bến Cầu. Di tích Khởi Hà hầu như đã bị khuất lấp dưới tán rừng cao su. Còn lại 3 di tích vừa kể vẫn còn các tầng di chỉ văn hoá khá dày trong lòng đất. Ngoài ra, ở mục 2- Nam bộ dưới thời Vương quốc Phù Nam, tác giả đã có thể nhầm, khi cho là: “Khoảng thế kỷ 2 TCN (trước Công nguyên) đã xuất hiện một nền văn minh rất phát triển… một vương quốc cổ có tên là Phù Nam…” (trang 20).

Trong khi đó, các tài liệu lịch sử khác lại cho rằng, văn hoá Óc-eo có niên đại từ thế kỷ thứ I (hoặc II) đến thế kỷ VII- VIII mới bị suy vong. Như sách Ðịa chí văn hoá TP Hồ Chí Minh xuất bản năm 1987, phần II- Ðất Gia Ðịnh thế kỷ 7 đến đầu thế kỷ 16, tác giả Võ Sĩ Khải viết: “Văn hoá khảo cổ Óc Eo đã phát triển ở đồng bằng Nam bộ từ thế kỷ 1 đến thế kỷ 7… những di tích và di chỉ khá tập trung ở miền Tây, đã xác định được ở An Giang, Kiên Giang, Ðồng Tháp, Long An và ở miền Ðông, còn trải rộng đến Ðồng Nai, Tây Ninh và Duyên Hải (nay là Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh)…”. Dù vậy, nền văn hoá này cũng đã được tác giả mô tả khá tỉ mỉ ở mục 3, nhờ vào sự tham khảo các tài liệu sử chí Trung Hoa thời cổ.

Ảnh minh hoạ của sách.

Trong bài trước, những điểm định cư đầu tiên của người Việt trên đất Tây Ninh đã được nhắc tới. Thì ở chương 6, tác giả đã kể đến các thôn xã đầu tiên của người Việt, khi nền hành chính đầu tiên được thiết lập. Ðấy là nhờ vào sự nghiên cứu Ðịa bạ triều Nguyễn có từ năm 1836, năm lập phủ Tây Ninh. Tại đây có sự phân tách ra làm hai mục. Một là, các thôn thuộc lưu vực sông Tân Bình (nay là sông Sài Gòn) như Tân Thuận (sau là Ðôn Thuận), Gia Lộc, Phước Hội, Lộc Ninh.

Hai là, các thôn nằm trên lưu vực sông Quang Hoá (nay là sông Vàm Cỏ Ðông). Các thôn được lập ra năm 1779 (theo Nguyễn Ðình Tư) như Bình Tịnh, Thanh Phước, Cẩm Giang Tây, Thạnh Ðức đã có ở chương này. Ngoài ra, còn có xã Thái Bình, theo sách Ðịa bạ tỉnh Gia Ðịnh mà tác giả đã trích lại là: “Thái Bình xã, ở xứ Khê Răng. Ðông giáp man sách Khê Răng…”.

Cũng theo tác giả, Khê Răng đây chính là Khê Lăng mà Trịnh Hoài Ðức đã ghi trong sách Gia Ðịnh thành thông chí. Và “Thái Bình có diện tích tích rất lớn, bao gồm các xã Thái Bình, Ðồng Khởi, Trí Bình, An Bình và Thanh Bình của huyện Châu Thành và một phần của TP Tây Ninh”. Xin cải chính giùm tác giả trong đoạn văn trên, là Thạnh Bình chứ không phải Thanh Bình, ngày nay thuộc huyện Tân Biên.

Ngoài ra, sách cũng đã đề cập đến vài tên thôn làng lần đầu tiên được nhắc đến trong các sách viết về Tây Ninh. Ðấy là các thôn: Hiếu Ðức “bao gồm các xã Hảo Ðước, An Cơ, Phước Vinh, Biên Giới… của huyện Châu Thành”; thôn Long Tuyền: “có thể là vùng đất Ngũ Long ở Bến Cầu bao gồm các xã Long Vĩnh, Long Giang, Long Phước, Long Khánh và Long Thuận”. Rồi thôn Cẩm Hoa, mà theo tác giả là rất khó xác định địa giới hiện tại, chỉ có thể ước đoán là: “bao gồm các xã Tiên Thuận, Lợi Thuận, An Thạnh, Phước Lưu”.

Tuy vậy, đấy chỉ là các tên thôn, làng xã có từ trước năm 1836. Mùa thu năm này, sau khi lập phủ Tây Ninh thì trong các sử sách đã không còn những cái tên ấy nữa.

Trở lại các thôn Gia Lộc và Bình Tịnh (sau là An Tịnh) mà sắp tới đây sẽ trở thành phường của thị xã Trảng Bàng; còn có một chuyện liên quan, tác giả dành kể ở mục 2, chương 7- Miền Nam dưới thời vua Minh Mạng (trang 162). Ðấy là chuyện “tranh chấp đất giữa thôn Bình Tịnh và Gia Lộc ở Trảng Bàng, Tây Ninh năm 1822, và câu chuyện về Ðặng Văn (Thế) Trước”.

Ðiều thú vị đáng suy nghĩ ở đây là phần đất trong cuộc tranh chấp ấy chính là để đào con kênh nối chợ cũ Trảng Bàng ra rạch (cặp miếu Bà Chúa xứ). Ðến nay, khu vực này vẫn được xem là vùng lõi trong quy hoạch đô thị thị xã Trảng Bàng. Nghĩa là phần quan trọng, cao giá nhất của thị xã tương lai. Mà chuyện xảy ra năm 1821, đến nay đã gần tròn 2 thế kỷ.

Phần mới mẻ nhất, chỉ có trong “Tây Ninh bên dòng lịch sử…” (tính đến nay, 2019) chính là ở chương 9, mục 3- Chiến tranh Ðại Nam- Chân Lạp- Xiêm La. Tác giả đã tập hợp đầy đủ các bối cảnh chính trị ở 3 nước trong giai đoạn này. Khởi đầu là cuộc “sáp nhập Chân Lạp vào Ðại Nam” vào đầu năm 1835. Sự kiện này khiến “Xiêm La (nay là Thái Lan) vô cùng lo ngại”.

Phủ Trấn Tây (tên mới đặt của triều Nguyễn cho Chân Lạp) ngày càng mất an ninh. Cao điểm là đến: “tháng 8 năm 1840, nhân sự kiện các quan Ðại thần Trấn Tây nghi ngờ các công chúa Ngọc Biện, Ngọc Thụ và nữ vương Ngọc Vân thông đồng với Xiêm La nên khép tội rồi đưa qua giam lỏng ở Gia Ðịnh…, một số quan lại người Chân Lạp làm việc cho triều đình Ðại Nam ở Trấn Tây bất bình chống đối…” (trang 256).

Chiến tranh xảy ra liên miên cho đến khi: “vào tháng 6.1842, đoàn quân Ðại Nam rút quân về nước” (trang 290). Chính là trong giai đoạn phức tạp này mà nhiều vị đại quan hoặc nổi tiếng được cử đến miền Nam, trong đó có mặt trận ở Tây Ninh, như các tướng Phạm Văn Ðiển, Trương Minh Giảng, Nguyễn Công Nhàn, Nguyễn Công Trứ…

Ðặc biệt là Phạm Văn Ðiển, có lần “chỉ với 5.000 quân, nhưng dưới tài điều binh khởi tướng của mình, Phạm Văn Ðiển đã đại phá được 20.000 quân Xiêm. Sau trận thắng, triều đình thăng Phạm Văn Ðiển lên Ðô thống Tả quân đô thống phủ…”. Ông cũng là người được nhân dân thôn Phước Hội (nay là xã Suối Ðá, Dương Minh Châu) lập đình thờ như một vị thành hoàng. Cuộc chiến giữa “Tam quốc” Ðại Nam, Chân Lạp, Xiêm La để lại trên đất Tây Ninh nhiều hậu quả đau thương. Nhưng, nó cũng là cú hích để xứ Tây Ninh được phát triển mạnh mẽ những năm sau đó.

Dương Công Ðức dành riêng mục 4, chương 9 (trang 291) để mô tả công cuộc ấy, trong đó có vai trò quan trọng của Tuyên phủ sứ Cao Hữu Dực và Ðề đốc Ngô Văn Giai. Bắt đầu từ việc triều Nguyễn thời vua Thiệu Trị (1840-1847) đã có “chuyển hướng chiến lược” về đối ngoại. Triều đình đã không đồng ý lời tâu của Tổng đốc An Hà Nguyễn Công Nhàn tiếp tục đem quân đi đánh quân Xiêm trên đất Chân Lạp, mà chú ý tăng cường phòng bị, củng cố biên cương. Theo đó thoạt đầu: “lệnh cho đóng quân, rồi ra sức vỗ về dân chúng, mở thêm đồn điền, làm chỗ định cư cho dân chúng Việt, Hoa, Chàm và Chân Lạp quy theo…”.

Ðặc biệt là từ cuối năm 1843, Tổng đốc Ðịnh Biên lại cử Cao Hữu Dực- là một quan văn giữ chức Án sát Gia Ðịnh lên Tây Ninh “chuyên trách những việc đặt đồn, lập đồn điền, chiêu dân lập ấp…”. Trong một thời gian không dài, đến tháng 3.1845 ông đã thiết lập thêm 26 thôn (xã) mới. Cao Hữu Dực cũng trực tiếp mang 500 biền binh từ Gia Ðịnh lên Tây Ninh, chọn đất ở xứ Long Giang làm bảo Ðịnh Liêu. Tác giả xác định thành bảo này, nay là di tích thành bảo Long Giang.

Tuy nhiên, có nhiều chứng tích vật chất cho thấy bảo Ðịnh Liêu nằm ở Bến Ðình ấp B, Tiên Thuận. Ðặc biệt là ông đã chú ý đến cả phát triển ngoại thương. Ðấy là: “mở một sở giao dịch ở gần đồn Ðịnh Liêu”. Liệu có phải đây chính là chợ Cầu Long Thuận?

Một lần nữa có thể khẳng định 374 trang sách Tây Ninh bên dòng lịch sử miền Nam đã vẽ lại chân dung Tây Ninh suốt hơn 18 thế kỷ qua. Dù có vài sai sót nhỏ đã chỉ ra, nhưng về cơ bản tác giả đã tập hợp, đối chiếu và so sánh để rút ra những chi tiết phản ánh đúng lịch sử miền Nam và Tây Ninh trong quá khứ. Thêm nữa, sách có nhiều tấm ảnh xưa hiếm có về vùng đất Tây Ninh được tác giả dày công sưu tầm, càng làm cho cuốn sách thêm phần giá trị- không chỉ ở nội dung, mà còn ở hình thức đẹp và trang nhã.

TRẦN VŨ