Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Đến cuối năm 2011, tỷ lệ dân số nông thôn Tây Ninh được cấp nước hợp vệ sinh đạt 87%.

(BTNO) – Theo số liệu thống kê, đến năm 2015, dân số nông thôn của tỉnh Tây Ninh hơn 900.500 người và đến năm 2020 khoảng 945.400 người. Căn cứ vào dự báo dân số và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các huyện, thị cũng như Quy hoạch tổng thể phát triển KT- XH tỉnh Tây Ninh đến năm 2020, theo đó, tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đến năm 2015 là 96% với số lượng 60 lít/người/ngày, và đến năm 2020 là 100% với số lượng ít nhất 60 lít/người/ngày.
Kết quả điều tra, đánh giá nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Tây Ninh cho thấy, tính đến hết năm 2010, toàn tỉnh có 77 công trình cấp nước tập trung, 20.112 giếng đào, 206.895 giếng khoa, 144 bề, lu chứa nước mưa và 10 nguồn nước sông, hồ đã xử lý hợp vệ sinh. Tuy nhiên trong số giếng khoan hiện có, chỉ khoảng 180.952 giếng đạt chất lượng tốt (chiếm 87,46%). Ngoài các giếng khoan do Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đầu tư, có rất nhiều công trình dân tự làm do các đội khoan tư nhân thực hiện không đúng kỹ thuật, cộng với việc các giếng khoan bị hư hỏng không được trám lấp là nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước. Tình trạng gia tăng số lượng giếng khoan cũng gây cạn kiệt nguồn nước.
Hiện ở khu vực nông thôn của 73 công trình cấp nước tập trung, bơm dẫn nước ngầm có công suất từ 5 - 150m3/ngày, đa số đều hoạt động tốt. Tuy nhiên, hiệu quả khai thác, sử dụng công trình chưa cao, tỷ lệ số người sử dụng so với thiết kế đạt 34,28%, nhiều công trình đầu tư tiền tỷ nhưng số người sử dụng ít hoặc chưa có người sử dụng, chưa tương xứng với mức đầu tư như công trình cấp nước ấp Cây Nính – xã Phước Trạch (huyện Gò Dầu), ấp Thạnh Hiệp - xã Thạnh Bắc (huyện Tân Biên), ấp Thạnh Phú – xã Tân Hiệp (huyện Tân Châu), ấp Thạnh Trung – xã Thạnh Tân (Thị xã).
![]() |
Thi công công trình cấp nước sạch cho Khu dân cư biên giới Chàng Riệc (Tân Biên) |
Sau thời gian hoạt động, nhiều công trình bị hư hỏng, xuống cấp do xây dựng đã lâu, quản lý, vận hành không đúng kỹ thuật hoặc do nguồn thu tiền nước không đủ chi phí duy tu, bảo dưỡng… Mặt khác, hầu hết các công trình cấp nước tập trung ở địa bàn nông thôn chưa chú trọng đến việc khử trùng, chưa chú ý đến việc kiểm tra và quản lý chất lượng nước. Có trạm chỉ phân tích, xét nghiệm mẫu nước 1 lần/năm, nhiều trạm không tiến hành kiểm tra. Ở những trạm có kiểm tra thì hầu hết chỉ kiểm tra một vài chỉ tiêu đơn giản. Khi xây dựng Dự án “Quy hoạch cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Tây Ninh đến năm 2020”, Viện Quy hoạch thuỷ lợi – Tổng cục Thuỷ lợi (Bộ NN&PTNT) đánh giá, số hộ dân nông thôn cần tiếp tục giải quyết nước sinh hoạt hợp vệ sinh đến năm 2020 của tỉnh là 226.302 người. Căn cứ vào phân bố dân cư, khả năng nguồn nước của các vùng cũng như điều kiện kỹ thuật và khả năng phục vụ của các loại hình cấp nước, trong giai đoạn 2011 – 2020 cần đầu tư 204,233 tỷ đồng để xây dựng mới 73 công trình cấp nước tập trung hệ bơm dẫn; 10,158 tỷ đồng thực hiện 3.386 giếng khoan; 50,385 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp và mở rộng 43 công trình cấp nước tập trung đã bị xuống cấp; 16,796 tỷ đồng cải tạo 16.797 giếng khoan; 6,793 tỷ đồng cải tạo 6.793 giếng đào.
Để có nguồn vốn đầu tư, Viện Quy hoạch thuỷ lợi cho rằng, Tây Ninh cần phải tích cực huy động vốn từ các tổ chức trong, ngoài nước và phát huy nội lực, tạo cơ sở pháp lý để khuyến khích người dân, các thành phần kinh tế - xã hội… tham gia đầu tư.
Được biết, trong 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khoá X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, Tây Ninh đả đầu tư 31,3 tỷ đồng cho một số hạng mục của Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, trong đó có việc sửa chữa, nâng cấp và xây dựng mới 19 công trình cấp nước tập trung tại các xã biên giới và các xã vùng sâu thuộc các huyện Bến Cầu, Dương Minh Châu, Tân Biên và Trảng Bàng. Đến cuối năm 2011, tỷ lệ dân số nông thôn được cấp nước hợp vệ sinh đạt 87%.
NHÃ CHI