Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Bộ NN&PTNT:
Tây Ninh cần khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế để xây dựng nền nông nghiệp hiện đại
Thứ tư: 00:16 ngày 01/12/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Về hỗ trợ vốn thực hiện Dự án nâng cấp, mở rộng xây mới đập bê tông hồ chứa nước Tha La, Bộ NN&PTNT ủng hộ và thống nhất cao với đề xuất của tỉnh và đã đưa vào danh mục dự kiến đầu tư công giai đoạn 2021-2025 với tổng kinh phí dự kiến 200 tỷ đồng, bố trí từ nguồn vốn đầu tư công Bộ được giao quản lý.

Bộ NN&PTNT đồng ý chủ trương dự án nâng cấp, mở rộng xây mới đập bê tông hồ chứa nước Tha La.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), thời gian qua, tỉnh Tây Ninh đạt nhiều kết quả trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là trong phát triển chăn nuôi, đạt khá cao so với cả nước, một số sản phẩm nông nghiệp đã xây dựng thương hiệu và xuất khẩu hiệu quả. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả khá tốt. Thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo chuỗi giá trị gắn với ứng dụng công nghệ cao đạt kết quả bước đầu khá tích cực.

Tây Ninh là địa phương có vị trí địa lý thuận lợi, địa hình bằng phẳng, đất đai phù hợp, thời tiết, khí hậu thuận lợi với nhiều loại cây trồng; có hệ thống đại công trình thuỷ lợi hồ Dầu Tiếng đa tác dụng...

Vì vậy, cần khai thác tối đa, có hiệu quả tiềm năng, lợi thế để xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, nông thôn phát triển và nông dân giàu có trên địa bàn; tăng cường hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu; tích cực thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát huy lợi thế cạnh tranh, nâng cao chuỗi giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới theo chủ trương, định hướng của Đảng, góp phần hỗ trợ người dân nông thôn phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống.

Bộ NN&PTNT cho rằng, tỉnh cần quan tâm hơn nữa và có chính sách phù hợp để khuyến khích người dân, doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao tỷ trọng ngành chăn nuôi trong cơ cấu nông nghiệp để nâng cao giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường; chú trọng thu hút đầu tư xây dựng các mô hình sản xuất tiên tiến hiệu quả, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu.

Đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức để chuyển từ phát triển sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp, bảo đảm tính bền vững, hiệu quả trên cơ sở thúc đẩy mạnh mẽ yếu tố: hợp tác - liên kết - thị trường nhằm phát huy năng lực sản xuất, giảm chi phí sản xuất, đẩy mạnh chế biến tinh để tăng chất lượng sản phẩm nông nghiệp.

Trong phát triển nông nghiệp, vai trò kinh tế hợp tác là hết sức quan trọng, vì vậy, tỉnh cần tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển hợp tác xã nông nghiệp, rà soát để có chính sách hỗ trợ cụ thể cho các hợp tác xã phát triển. Đề nghị tỉnh nghiên cứu để ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển hợp tác xã nông nghiệp; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức của các tổ chức, cá nhân, hộ kinh doanh về kinh tế hợp tác.

Đối với các kiến nghị của tỉnh về phát triển nông nghiệp trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT cho biết, về lập vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đây là xu thế và nhu cầu của các địa phương hiện nay nhằm thu hút các dự án đầu tư nông nghiệp công nghệ cao tạo mô hình, điểm nhân rộng liên kết với người nông dân.

Tuy nhiên, để mang lại hiệu quả, đáp ứng kỳ vọng phát triển nông nghiệp bền vững, tỉnh cần khảo sát, nghiên cứu từng mô hình phát triển cho phù hợp, chú trọng yếu tố hình thành chuỗi liên kết giá trị, phát triển hỗ trợ, bổ trợ tạo ra sản phẩm đa dạng, có chất lượng, có tính cạnh tranh; ngoài thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp lớn có kinh nghiệm để phát triển vùng nông nghiệp công nghệ cao, cần khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã tham gia phù hợp.

Bộ NN&PTNT giao Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường nghiên cứu để báo cáo lãnh đạo Bộ xem xét, chỉ đạo để phối hợp với tỉnh Tây Ninh tổ chức hội thảo/diễn đàn quy mô quốc gia nhằm tạo điều kiện phát triển mạnh nông nghiệp công nghệ cao trên cả nước.

Đối với lĩnh vực chăn nuôi, theo Bộ NN&PTNT, Tây Ninh có lợi thế và dư địa lớn trong lĩnh vực này, vì vậy, cần hoạch định rõ chính sách phát triển chăn nuôi để mạnh dạn thu hút đầu tư phát triển chăn nuôi công nghệ cao, theo quy mô trang trại khép kín, tuần hoàn, bảo đảm môi trường sinh thái với phòng, chống dịch bệnh, an toàn sinh học và tạo chuỗi giá trị góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả chăn nuôi.

Về định hướng phát triển đa mục tiêu hồ Dầu Tiếng, tỉnh chủ động thành lập nhóm tư vấn xây dựng kế hoạch phát triển vùng bán ngập và vùng phụ cận hồ Dầu Tiếng gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, có ý kiến trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Công ty TNHH MTV Dầu Tiếng - Phước Hoà chủ động phối hợp với Tổng cục Thuỷ lợi và địa phương để xây dựng quy chế phối hợp, quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả, nâng cao giá trị đa năng của hồ Dầu Tiếng nhằm tối ưu hiệu quả sử dụng công trình và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương có liên quan.

Về hỗ trợ vốn thực hiện Dự án nâng cấp, mở rộng xây mới đập bê tông hồ chứa nước Tha La, Bộ NN&PTNT ủng hộ và thống nhất cao với đề xuất của tỉnh và đã đưa vào danh mục dự kiến đầu tư công giai đoạn 2021-2025 với tổng kinh phí dự kiến 200 tỷ đồng, bố trí từ nguồn vốn đầu tư công Bộ được giao quản lý. Thời gian tới, khi được phân bổ vốn chính thức, Bộ sẽ sớm có thông báo về việc này.

Bộ NN&PTNT đề nghị tỉnh chủ động công tác chuẩn bị đầu tư gửi Bộ NN&PTNT để triển khai các thủ tục tiếp theo, theo quy định. Đồng thời, đề nghị tỉnh nghiên cứu bổ sung đập phụ để nâng cao trình mực nước dâng bình thường của hồ Tha La lên 25m, nhằm đáp ứng nhu cầu tưới cho các diện tích đất nông nghiệp được mở rộng.

Thế Nhân

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục