Xã hội   Xã hội

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tây Ninh cần nâng biện pháp phòng dịch COVID-19 

Cập nhật ngày: 24/06/2021 - 10:42

BTNO - Trong một ngày, Tây Ninh ghi nhận 3 ca nhiễm mới. Đây là điểm cần báo động cho cả hệ thống phòng dịch.

Người dân đi chợ Tân Châu chấp hành đeo khẩu trang nghiêm chỉnh. Ảnh: Dy Khoa

Tây Ninh là một tỉnh đặc thù và luôn được đánh giá có yếu tố nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng ở mức cao. Một mặt, Tây Ninh có đường biên giới dài tiếp giáp Vương quốc Campuchia. Trong khi quốc gia này liên tục đối mặt với nhiều đợt dịch diện rộng. Nhiều công dân Việt Nam về nước chọn qua ngõ cửa khẩu quốc tế giáp biên với tỉnh Tây Ninh. Điều này lý giải nguyên nhân, Tây Ninh luôn ghi nhận có ca nhiễm do nhập cảnh.

Mặt khác, Tây Ninh là điểm trung chuyển người, hàng hoá quan trọng của khu vực Đông Nam Bộ và cả nước với Campuchia, Đông Nam Á. Tuy nhiên, diễn biến dịch bệnh COVID-19 tại các tỉnh thành lân cận cũng đang khó dự báo trước. Chẳng hạn, đến tối 23.6, TP. Hồ Chí Minh có hơn 2 nghìn ca nhiễm. Tốc độ lây lan trong cộng đồng tại Bình Dương, Long An cũng đáng báo động.

Thời gian gần đây, lãnh đạo tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt để hạn chế khả năng lây nhiễm trong cộng đồng. Đặc biệt trong tình huống số lượng người được tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 trong tỉnh còn đang thấp và chắc chắn chưa đến 70% dân số được tiêm để đạt miễn dịch cộng đồng.

Trong ngày 23.6, Tây Ninh đã ghi nhận và thông báo 3 ca nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng. Các ca này ngụ tại thị xã Trảng Bàng và huyện Gò Dầu.

Đợt dịch thứ 4 tại Việt Nam đang phát tán nhanh do biến chủng Delta (phát hiện lần đầu tại Ấn Độ). Loại biến chủng này có khả năng bám dính cao, lây nhiễm trong không khí và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho người nhiễm. Nhiều F3, F4 đã trở thành F0 là do khả năng lây nhiễm này. Để tránh nguy cơ dịch bệnh phát tán ra cộng đồng lớn hơn cũng như hạn chế các sai lầm trong chiến lược phòng dịch, Tây Ninh cần mạnh mẽ nâng cao các biện pháp phòng dịch COVID-19 trên địa bàn.

Cụ thể, khoanh vùng dập dịch rộng hơn, có phân tầng các điểm nhóm nguy cơ. Tại thủ đô Jakarta (Indonesia), họ phân theo khả năng điều trị của bệnh viện sở tại. Mô hình phân theo địa lý như Việt Nam đang áp dụng cũng khá hiệu quả.

Khi phát hiện F0 cần phong toả (nội bất xuất, ngoại bất nhập) ngay nơi người đó cư trú, nâng cao năng lực để xét nghiệm toàn bộ người trong khu vực. Biện pháp thường quy về cách ly do tiếp xúc thì Tây Ninh hiện tại làm rất tốt.

Mở rộng ra, tiếp tục giãn cách theo chỉ thị 15 người dân trong bán kính 300-500m hoặc các ấp lân cận bởi các F0-F1-F2 có thể di chuyển hoặc có thể các Fn đã vô tình mang mầm bệnh qua các khu vực gần đó mà không biết. Chiến lược đánh úp này giúp giảm tối đa khả năng lây nhiễm trong cộng đồng.

Cùng đó, các địa phương duy trì tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân về mức độ nguy hiểm của đại dịch COVID-19. Nó không chỉ gây bệnh cho hiện tại, dù chữa khỏi thì nó còn ảnh hưởng lâu dài được gọi là các bệnh “hậu COVID-19”. Siết chặt việc ăn uống đông người tại cùng một thời điểm ở các hàng quán trên toàn tỉnh. Khuyến khích người dân ăn uống, làm việc, sinh hoạt tại nhà.

Đồng thời, quan tâm hơn đến khả năng lây lan dịch bệnh trong công nhân. Đây là đối tượng rất dễ lây nhiễm do yếu tố sinh hoạt tập thể, hội nhóm rất cao. Có thể tính tới phương án cho công nhân ngủ tại công ty.

Khi chưa có vaccine thì phòng dịch chủ động lúc nào cũng hiệu quả và cần thiết hơn là phải chạy đuổi truy vết, bắt ép người dân của mình phải cách ly điều trị. Mỗi người dân là một thành trì chống dịch. Hãy thực hiện tốt thông điệp 5K của Bộ Y tế. Đặc biệt là khử khuẩn, giữ khoảng cách và hạn chế tiếp xúc.

Dy Khoa